Uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Trước đây do đời sống khó khăn, việc hiểu biết về y học còn hạn chế nên những người sinh nở ở nhà (vùng dân tộc, vùng xâu, vùng xa), người bị trầy xước, dẫm vào đinh, sắt… bị nhiễm trùng uốn ván dẫn đến những cái chết thương tâm.
Mục lục
Vậy, triệu chứng của bệnh nhiễm trùng uốn ván? Phương pháp phòng tránh uốn ván như thế nào?
Tìm hiểu về bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván là bệnh do độc tố uốn ván tác động vào hệ thần kinh cơ sau khi người bệnh có vết thương hở tiếp xúc với nha bào uốn ván có trong đất, môi trường xung quanh…
Bệnh uốn ván do chất độc neurotoxin khi bị nhiễm vi trùng Clostridium tetani qua vết thương trên da (Ảnh minh họa)
Triệu chứng của bệnh uốn ván
- Tê lưỡi, cứng cơ hàm là dấu hiệu đầu tiên của bệnh uốn ván.
- Cứng cổ, khó nuốt, co cứng cơ bụng (lưng cong cứng, ưỡn ngược ra sau như cái đòn gánh).
- Cơ co thắt, vã mồ hôi, sốt.
- Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh vẫn bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu sau sinh (bệnh xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau khi sinh) sau đó không bú được, co cứng, co giật, hầu hết trẻ thường tử vong.
Lưu ý:
- Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 đến 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần.
- Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao.
Nguyên nhân gây bệnh uốn ván
- Bệnh thường phát triển trong vết thương sâu do đinh, dao, mảnh vụn của gỗ bẩn và động vật cắn.
- Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu dùng dụng cụ bị nhiễm bẩn khi sinh hoặc nạo thai.
- Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bẩn nếu dụng cụ dùng để cắt rốn, chăm sóc rốn hoặc tay của người đỡ đẻ không sạch.
- Trẻ nhỏ cũng có thể bị bệnh khi dùng các dụng cụ bẩn cắt bao qui đầu, rạch da và những thứ không sạch đắp vào các vết thương…
Nhiễm trùng uốn ván do đâm do trầy xước, đâm vào đinh, dằm gỗ…(Ảnh minh họa)
Đối tượng mắc bệnh uốn ván
- Nam, nữ mọi lứa tuổi (tỷ lệ nam giới tuổi trung niên bị uốn ván nhiều hơn do không được tiêm vacxin phòng uốn ván).
- Bệnh có thể gặp ở trẻ sơ sinh được gọi là uốn ván sơ sinh (UVSS)…
Biến chứng của bệnh uốn ván
- Co thắt và co giật các cơ.
- Có thể gãy xương sống hoặc các xương khác.
- Rối loạn nhịp tim, hôn mê, viêm phổi và các nhiễm trùng khác…
- Khả năng tử vong cao ở trẻ nhỏ và người già…
Bệnh uốn ván có lây truyền không
Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người.
Phương pháp điều trị bệnh uốn ván như thế nào
- Uống thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng (Uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ)
- Trong mọi trường hợp, khi bị uốn ván cần phải điều trị tại bệnh viện.
Phương pháp phòng bệnh uốn ván
- Để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, trẻ nhỏ tiêm vắc xin DPT hoặc DT.
- Người lớn cần tiêm Td/UV.
- Tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ sinh đẻ (tiêm vắc xin uốn ván để phòng uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con).
- Thực hành đẻ vô trùng ngay cả khi người mẹ đã được tiêm vắc xin phòng uốn ván.
- Xử lý sạch vết thương ngay sau khi bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
- Những người đã mắc uốn ván không có miễn dịch tự nhiên cần phải tiêm chủng…
Tiêm vắc xin để phòng bệnh uốn ván cho người lớn và trẻ em (Ảnh minh họa)
Lời kết
Bất cứ ai có vết thương, xây xát trên chân tay, cơ thể… đều có nguy cơ bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập vì vi khuẩn uốn ván tồn tại nhiều trong môi trường và có sức sống mãnh liệt. Bệnh uốn ván gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm: co giật các cơ, gãy xương sống, rối loạn nhịp tim…và dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, vi khuẩn uốn ván chỉ gây bệnh khi vết thương bị dập nát, môi trường thiếu ô-xy nên việc cần làm sau khi bị xây xát là xử lý sạch vết thương bằng dung dịch sát trùng, giải phóng hết dị vật…Phụ nữ trong khi sinh nở cần đảm bảo vô trùng, trẻ sơ sinh cần vệ sinh cuống rốn sạch sẽ sẽ loại trừ nguy cơ bị uốn ván.
Bên cạnh đó, phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, người trưởng thành… là tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đây là phương pháp chủ động, chi phí lại không tốn kém.