Hàng năm, khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Ðồng I tiếp nhận và điều trị trung bình khoảng hơn 200 trẻ sơ sinh bị vàng da, trong đó số trẻ bị vàng da nhân chiếm khoảng 1/3. Những trẻ này có thể tử vong hoặc mắc di chứng thần kinh nặng nề và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mục lục
Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị vàng da?
Phần lớn trẻ sau sinh vài ngày đều có dấu hiệu vàng da. Ðây là hiện tượng sinh lý bình thường, do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi bị vỡ, hồng cầu sẽ phóng thích vào máu một lượng lớn Bilirubin – là chất có sắc tố vàng làm cho trẻ bị vàng da. Ngoài ra, do chức năng gan của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, vì thế chưa thể chuyển hóa nhanh và hoàn toàn chất bilirubin.
Vàng da sơ sinh có nguy hiểm không?
Ða số các trường hợp vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày (không biến chứng) do chất bilirubin được đào thải qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên có một số trường hợp vàng da nặng, chất bilirubin tăng quá cao sẽ thấm vào não, gây bệnh cảnh Vàng da nhân (Bệnh não do bilirubin). Ở các trường hợp này, trẻ thường có biểu hiện bỏ bú, hôn mê, co gồng; Trẻ có thể tử vong hoặc mắc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn.
Làm thế nào để phát hiện sớm vàng da?
Vàng da sơ sinh rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy sau khi sinh, hàng ngày bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi có đầy đủ ánh sáng, không nên nằm trong phòng tối. Trong trường hợp khó nhận biết màu da trẻ thì ấn nhẹ ngón tay cái lên vùng da trong vài giây rồi buông ra; Nếu trẻ bị vàng da, sẽ thấy được màu da vàng thật sự ở nơi ấn ngón tay.
Ở trường hợp vàng da nhẹ, da của trẻ vàng nhẹ ở mặt và thân, thường xuất hiện sau ngày thứ ba, trẻ bình thường và vẫn bú tốt. Nếu bị vàng da nặng, da trẻ vàng sậm, lan đến tay chân, xuất hiện sớm trong vòng 1-2 ngày đầu sau sinh, trẻ bú kém hoặc bỏ bú, co gồng. Những trẻ non tháng, sinh ngạt hoặc nhiễm trùng thì vàng da càng nặng hơn.
Làm gì khi trẻ bị vàng da?
Khi phát hiện trẻ bị vàng da, bà mẹ nên báo cho nhân viên y tế (nếu còn đang nằm viện) hoặc đưa trẻ đến bệnh viện khám. Thầy thuốc sẽ khám và quyết định những trường hợp nào chỉ cần theo dõi, những trường hợp nào cần được điều trị.
Trẻ vàng da nhẹ thường được theo dõi tại nhà. Ðiều trị bằng cách tắm nắng, đặt trẻ gần cửa sổ nơi có ánh nắng dịu của mặt trời và cho bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hóa. Gia đình cần theo dõi tình trạng của trẻ, nếu thấy vàng da tăng thêm hoặc có dấu hiệu bú kém, cần đem trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Trẻ vàng da nặng cần được điều trị tại bệnh viện. Có 2 cách điều trị vàng da hiệu quả là chiếu đèn (Ánh sáng liệu pháp – Phototherapy) và thay máu (Blood exchange transfusion). Trong phương pháp chiếu đèn, ánh sáng của đèn biến bilirubin thành chất không độc, được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa và đường tiểu. Còn phương pháp thay máu sẽ lấy bớt chất bilirubin nhanh chóng ra khỏi cơ thể.
Ðiều cần biết là trẻ vàng da nặng nếu được điều trị kịp thời và đúng mức sẽ không bị vàng da nhân. Phát hiện và xử trí đúng vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt về sau, giảm thiểu tử vong và di chứng do vàng da nhâ
Ths. Bs. Phạm Thị Thanh Tâm