Mũi là cơ quan khứu giác, một phần của hệ hô hấp, có chức năng làm sạch, điều tiết, dẫn khí, làm ấm và tăng độ ẩm cho không khí trước khi đưa vào phổi. Mũi của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, mềm yếu. Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp trẻ phòng tránh bệnh tật về mũi và hệ hô hấp. Hãy cùng tham khảo cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh ngày thường và ngày trẻ bị bệnh về mũi nhé.
Mục lục
Chuẩn bị vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
- Nước muối sinh lý 0,9% dùng được cho trẻ sơ sinh, loại có đầu lọ đã cắt sẵn;
- 2 khăn sữa;
- Bông tăm y tế loại dành cho trẻ sơ sinh.
Số lần và thời điểm vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
Thông thường, bạn nên vệ sinh mũi cho trẻ 1 lần/ngày.
Trong những ngày trẻ sơ sinh bị sổ mũi, bạn nên rửa mũi cho trẻ 3 lần/ngày. Khi mức độ sổ mũi giảm, bạn chỉ cần rửa 2 lần/ngày và khi nào mũi trẻ bình thường thì chỉ cần vệ sinh mỗi ngày 1 lần. Thời điểm rửa mũi cho trẻ là sau khi ngủ dậy hoặc sau khi tắm, khi trẻ đói để tránh tình trạng nôn ói.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
Trường hợp 1: vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày
Việc vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày nên thực hiện khi trẻ vừa được tắm xong. Cách vệ sinh rất đơn giản và nhanh gọn.
Cách thực hiện:
Bạn đặt trẻ nằm ngửa, nhỏ mỗi bên mũi từ 1 đến 2 giọt nước muối sinh lý. Lấy bông tăm lau nhẹ nhàng từng bên lỗ mũi để lấy đi bụi bẩn. Bạn chỉ lau nông phần ngoài 2 cánh mũi của trẻ, tránh thọc sâu vào trong làm tổn thương niêm mạc mũi, dễ dẫn đến viêm nhiễm và bị bệnh về mũi.
Trường hợp 2: Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh khi bị bệnh về mũi như sổ mũi
Khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, tức là mũi của trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Lúc này, rửa mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp hệ hô hấp của trẻ được bảo vệ và giảm viêm nhiễm.
Cách thực hiện:
Bạn đặt trẻ nằm trên giường, nghiêng bên phải, lúc này lỗ mũi bên trái sẽ nằm ở phía trên. Một tay giữ đầu trẻ, một tay dùng để thao tác. Bạn dùng chân giữ người dưới của trẻ. Lót khăn sữa thứ 1 dưới má để hứng nước chảy ra từ mũi.
Lấy 1 lọ nước muối, mở nắp, đặt đầu lọ hướng về phía vách ngăn của lỗ mũi trên (tức bên trái), nhẹ nhàng bóp và đồng thời đếm đến 3, để nước muối chảy từ mũi bên trái qua mũi bên phải, rồi chảy ra ngoài. Nhanh tay lấy khăn sữa thứ 2 lau bên ngoài mũi cho khô, để nước muối không chảy xuống miệng làm trẻ khó chịu. Đổi bên cho trẻ nằm nghiêng sang bên trái.
Bạn cũng đổi bên ngồi, tay giữ đầu, tay thao tác và chân giữ người dưới của trẻ, rồi thực hiện các thao tác lại như đã làm với lỗ mũi trước. Cách vệ sinh mũi này có thể thực hiện cho trẻ từ sơ sinh cho đến 6 tuổi.
Lưu ý khi vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
- Động tác vệ sinh nhẹ nhàng nhưng dứt khoát;
- Vừa thao tác vừa nói chuyện với trẻ để giao tiếp và tạo cảm giác ấm áp, an toàn cho trẻ;
- Bông tăm y tế chỉ dùng để lau nhẹ phần đầu lỗ mũi trong trường hợp mũi trẻ bẩn, nước muối không đẩy hết ra ngoài. Tuy nhiên, bạn cần lau nhẹ nhàng tránh làm tổn thương lớp niêm mạc mũi vốn rất mỏng và nhạy cảm của trẻ;
- Khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh vào những ngày lạnh, bạn cần ủ ấm nước muối trước rồi mới tiến hành vệ sinh, để không làm tổn thương niêm mạc mũi.
Các cách chữa trị ho hiệu quả cho trẻ sơ sinh
Bệnh ho dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh do sức đề kháng của cơ thể bé còn yếu. Có nhiều cách chữa ho, nhưng các cách chữa trị …
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh đang còn non yếu. Mũi của trẻ sơ sinh vốn rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường. Việc vệ sinh mũi hàng ngày sạch sẽ giúp cho trẻ sơ sinh phòng tránh được các bệnh liên quan đến hệ hô hấp.
Tuy nhiên, bố mẹ cần áp dụng đúng cách vệ sinh mũi cho con, bởi trẻ sơ sinh còn rất non yếu, những thao tác sai của bố mẹ có thể làm tổn thương đến niêm mạc mũi của con, cũng như có thể làm con bị sặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của con.