Viêm họng nổi hạch là sự sưng viêm của các hạch bạch huyết gây đau, khó chịu cho người bệnh. Vì vậy cần có các biện pháp áp dùng kịp thời để giảm các triệu chứng.
Mục lục
Viêm họng nổi hạch là gì
Bình thường, hạch bạch huyết trong cơ thể giúp sinh ra các dòng bạch cầu và kháng thể giúp chống lại các tác nhân vi khuẩn, virus. Khi cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh này khiến cho các hạch bạch huyết bị viêm. Lúc này cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch hơn khiến cho các hạch bạch huyết sưng lên.
Trong viêm họng, cơ thể cũng tự tạo ra các phản ứng để chống lại các tác nhân gây viêm họng, nhiễm trùng. Trường hợp viêm họng cấp, hạch thường sưng to, gây đau ở vị trí gần vùng tổn thương. Sau một thời gian điều trị thì các hạch này sẽ nhỏ dần và biến mất. Với người bệnh viêm họng mạn tính thì ngoài các hạch bị sưng to còn có các biểu hiện khác đi kèm. Nếu không được chữa kịp thời thì sức khoẻ và tâm lý người bệnh sẽ bị ảnh hưởng.
Hạch có thể nổi lên ở nhiều vị trí gây ra:
- Viêm họng nổi hạch ở cổ
- Viêm họng nổi hạch góc hàm
- Viêm họng nổi hạch sau tai
Viêm họng nổi hạch không chỉ là một biểu hiện của viêm họng, mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như viêm tai giữa, viêm amidan và viêm thanh quản. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nó có thể là một dấu hiệu của các bệnh ung thư vòm họng và ung thư khoang miệng. Các dạng ung thư vòm họng và khoang miệng có thể gây ra sưng hạch và triệu chứng viêm họng, như khó nuốt, ho khan, mất tiếng, hoặc xuất huyết.
Khi viêm họng đi kèm với sự sưng và nổi hạch, đặc biệt là khi triệu chứng kéo dài hoặc không giảm sau một thời gian, cần thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra để loại trừ khả năng ung thư.
Biểu hiện của bệnh viêm họng nổi hạch
Viêm họng nổi hạch thường xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Làm cho người bệnh cảm thấy đau nhức, phù nề, luôn ở trạng thái mệt mỏi.
- Gây ra tình trạng sốt cao kéo dài, mồ hôi nhiều, ho có đờm.
- Cách hạch bạch huyết ở cổ, góc hàm, sau tai bị phù nề, sưng lên khiến cho người bệnh khó chịu khi ăn uống, ấn vào sẽ gây đau.
Viêm họng nổi hạch do nguyên nhân nào
Viêm họng nổi hạch có thể do mắc một số bệnh viêm nhiễm như viêm xoang, viêm amidan, viêm tuyến nước bọt, và các bệnh lý liên quan đến máu như bệnh bạch cầu hô hấp và bạch cầu mạn thể lympho. Ngoài ra, sức đề kháng yếu và cơ thể mệt mỏi cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm họng nổi hạch.
Viêm họng nổi hạch thường xuất hiện khi môi trường trong họng trở nên thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và virus gây bệnh. Hệ miễn dịch yếu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập và gây nhiễm trùng trong các đường hô hấp, gây viêm họng và dẫn đến sự phát triển của hạch.
Một trong những vi khuẩn gây nhiễm trùng và viêm họng nổi hạch là Streptococcus. Vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng và viêm hạch bạch huyết, dẫn đến sưng và nổi hạch.
Cách điều trị bệnh viêm họng nổi hạch
Viêm họng nổi hạch sẽ nhanh chóng giảm triệu chứng khi được điều trị và chăm sóc tại nhà đúng cách.
Cách biện pháp chăm sóc tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tại nhà dưới đây để các triệu chứng được giảm nhanh chóng.
Chườm nóng tại các vị trí nổi hạch
Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt khô và chườm lên sẽ giúp giảm bớt tình trạng sưng hạch, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Giữ vệ sinh răng miệng
Giữ vệ sinh răng miệng, hầu họng giúp loại bỏ được các loại vi khuẩn và các mảng bám trên răng. Điều này giúp hạn chế được sự nhiễm khuẩn nặng lên tại các vị trí viêm ở hầu họng.
Uống nước ấm hàng ngày
Nước ấm sẽ giúp làm loãng dịch đờm, giảm làm dịu niêm mạc họng và loại bỏ được các chất nhầy trong cổ họng.
Gừng và mật ong
Gừng tươi, hay còn gọi là sinh khương, đã từ lâu được sử dụng để giảm các triệu chứng viêm họng như ho, đau rát họng, đờm ứ và khàn tiếng. Theo kinh nghiệm dân gian, gừng có vị cay nồng, tính ấm, và có tác dụng tán phong hàn, cầm ho, giảm đau, và cải thiện sức đề kháng cho người bệnh.
Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh hiệu quả chữa viêm họng của gừng. Hợp chất gingerol có trong gừng tươi có khả năng kháng viêm và ức chế virus RSV – một chủng virus thường gây viêm họng và cảm lạnh. Ngoài ra, gingerol còn có tác dụng giảm đau tự nhiên với cơ chế tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Mật ong lại có tác dụng giúp làm dịu niêm mạc, giảm ngứa họng. Khi kết hợp với gừng giúp tăng khả năng kháng khuẩn, chống viêm, giảm các triệu chứng trong viêm họng nổi hạch.
Cách làm
- Rửa sạch gừng, cạo vỏ rồi thái thành các lát mỏng.
- Thêm mật ong vào bát đem hấp cách thuỷ khoảng 10-15 phút.
- Chắt lấy phần nước cốt chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày giúp giảm tình trạng sưng viêm hầu họng, tiêu đờm hiệu quả.
Chanh mật ong
Một trong những thành phần quan trọng của chanh là axit citric, có khả năng làm dịu cơn đau họng. Axit citric có khả năng hấp thu vào cơ thể và làm giảm độ pH trong khoang miệng, từ đó giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus gây đau họng.
Ngoài ra, axit citric có trong chanh còn có khả năng làm tiêu đờm và làm loãng dịch đờm, làm giảm kích ứng và nghẹn vướng ở cổ họng, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Không chỉ chứa axit citric, chanh còn là một nguồn giàu vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả viêm họng.
Cách làm
- Pha 300ml nước ấm với 1 quả chanh.
- Thêm một chút mật ong, khuấy đều và uống khi nước còn ấm.
Trà hoa cúc
Hoa cúc chứa các hợp chất có tính chất chống viêm và chất chống oxy hóa, như chamazulene, bisabolol và flavonoid. Nhờ vào những chất này, trà hoa cúc có khả năng giảm viêm và làm dịu cơn đau họng.
Trà hoa cúc cũng có khả năng kháng vi khuẩn và kháng nấm. Các hợp chất chống vi khuẩn trong hoa cúc có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây viêm họng. Đồng thời có tác động giảm co thắt và làm dịu cơn ho. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu và cảm giác khó chịu trong viêm họng.
Rau diếp cá
Rau diếp cá, còn được gọi là dấp cá hoặc ngư tinh thảo. Rau diếp cá có vị chua, tính mát, và có tác dụng nhuận phế, tiêu đờm, kháng khuẩn, giảm tình trạng sưng viêm.
Nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh rằng rau diếp cá chứa chất kháng sinh tự nhiên có tác dụng ức chế đáng kể các chủng vi khuẩn như liên cầu khuẩn nhóm A và Staphylococcus aureus.
Ngoài ra, rau diếp cá cũng chứa các thành phần như vitamin C, quercetin và methylnonylketon, có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào trong cổ họng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của tổn thương.
Cách làm
- Rửa sạch rau diếp cá, ngâm muối loãng.
- Đem giã hoặc xay nhuyễn thu lấy phần nước cốt để uống.
Thuốc dùng trong điều trị viêm họng nổi hạch
Dựa vào nguyên nhân và các triệu chứng người bệnh gặp phải để lựa chọn các thuốc được điều trị phù hợp.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: Trong viêm họng khiến cho cổ họng của người bệnh bị sưng đau, gây khó nuốt, sốt. Lúc này thuốc giảm đau hạ sốt là lựa chọn phù hợp. Một số thuốc như: Paracetamol, Ibuprofen,… được dùng trong trường hợp này giúp giảm nhanh các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau họng. Tuy nhiên cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng để không sử dụng quá liều hoặc đối tượng không phù hợp.
- Thuốc kháng sinh chữa viêm họng nổi hạch: Khi viêm họng có nguyên nhân do vi khuẩn, kháng sinh sẽ được chỉ định để loại bỏ nguyên nhân, giảm nhanh các triệu chứng viêm họng. Các nhóm thuốc được chỉ định bao gồm: Kháng sinh Cephalosporin, Clarithromycin, Erythromycin,… Với những trường hợp viêm họng khởi phát do virus thì việc điều trị bằng kháng sinh không có hiệu quả, trừ trường hợp viêm họng kéo dài gây bội nhiễm virus.
- Một số thuốc giảm ho, long đờm, xịt họng giúp giảm đau họng, giảm viêm cũng được chỉ định để điều trị triệu chứng: Acetylcystein, Dextromethorphan, Ambroxol, xịt họng PlasmaKare H-spray, viêm ngậm,…
Phòng ngừa bệnh viêm họng nổi hạch
Cần tăng cường sức đề kháng bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, hỗ trợ hệ miễn dịch, và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chuyên dụng giúp kháng khuẩn như Súc họng miệng PlasmaKare, Listerine, Valentine,…
- Chăm sóc răng miệng đúng cách, uống nhiều nước ấm mỗi ngày.
- Hạn chế việc sử dụng các đồ uống có cồn, chất kích thích, đồ uống nhiều ga.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, dầu mỡ.
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt vào những ngày mùa đông.
- Bổ sung ăn uống đầy đủ, rau củ quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Rửa tay bằng dung dịch nước sát khuẩn sau khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm họng, bệnh dễ lây truyền không không khí.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt ở những nơi đông người và khu vực ô nhiễm.
Viêm họng nổi hạch có thể do bệnh lý nào đó gây ra, vì vậy cần thận trọng khi có biểu hiện nổi hạch lâu ngày không giảm.