Viêm lợi răng khôn rất phổ biến ở những người đã, đang mọc răng khôn và khiến người bệnh đau đớn, khó chịu. Do vậy, không ít người bệnh thắc mắc viêm lợi răng khôn bao lâu thì hết. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp thông tin về cách điều trị và phòng ngừa hợp lý cho người bệnh.
Mục lục
Viêm lợi răng khôn là gì?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, là răng cuối cùng mọc trên người và thường xuất hiện trong độ tuổi 18 – 25 tuổi. Răng khôn mọc muộn khi cấu trúc hàm đã hoàn chỉnh nên rất hay dẫn đến tình trạng viêm lợi và khiến người bệnh khó chịu.
Các triệu chứng điển hình của viêm lợi răng khôn:
- Lợi quanh răng khôn và răng hàm gần đó sưng đỏ, dễ bị chảy máu, ấn đau và có thể chảy mủ khi nhiễm khuẩn nặng
- Sưng to bên má bị viêm lợi răng khôn
- Vùng răng khôn bị viêm và góc hàm xung quanh đau nhức và ê buốt kéo dài, có thể đau dữ dội
- Cứng hàm, gây khó khăn khi mở miệng để ăn uống, nói chuyện và gây chảy nước bọt nhiều
- Người bệnh có thể sốt, nổi hạch góc hàm bị viêm và hôi miệng khi nhiễm trùng có mủ
Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng, đúng hướng, viêm lợi răng khôn có biểu hiện tương tự viêm lợi các răng vĩnh viễn thông thường. Thể viêm lợi răng khôn này có thể tự hết khi người bệnh có các biện pháp vệ sinh răng miệng phù hợp.
Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc lệch có thể khiến lợi viêm phì đại, trùm lên và bao phủ một phần răng, gọi là viêm lợi trùm răng khôn. Khi mọc răng khôn bị viêm lợi trùm, lợi ngăn chặn quá trình mọc của răng khiến răng chọc vào lợi, gây tổn thương nhiều hơn. Bởi vậy, tình trạng lợi trùm gây đau đớn kéo dài hơn so với viêm lợi thông thường và cần có sự can thiệp y khoa thích hợp.
Nguyên nhân gây viêm lợi răng khôn
Viêm lợi răng khôn có thể xuất phát trong hoặc sau quá trình mọc răng khôn. Cụ thể:
Quá trình mọc răng khôn
Răng khôn thường mọc ở độ tuổi cấu trúc hàm răng đã hoàn thiện nên hàm thường không đủ chỗ cho răng trồi lên. Vì vậy, khi răng khôn mọc lên sẽ chèn ép tổ chức lợi và răng xung quanh và rất dễ gây sưng tấy, viêm lợi quanh răng, khiến người bệnh đau đớn. Nhất là khi răng khôn mọc lệch, răng khôn sẽ chèn ép cả các răng hàm bên cạnh, dẫn đến viêm lợi cả những răng này.
Thông thường, cơn đau răng khôn chỉ xuất hiện trong những ngày đầu răng mọc và tự khỏi mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu các cơn đau xuất hiện liên tục, lợi viêm tấy nặng trong thời gian dài bạn, người bệnh cần tìm đến chuyên khoa răng hàm mặt để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, tình trạng viêm lợi do mọc răng khôn này cũng thường xuyên tái phát trong đời khi răng mọc theo nhiều giai đoạn và phối hợp sự phát triển của vi khuẩn.
Vi khuẩn gây viêm lợi răng khôn
Viêm lợi răng khôn do vi khuẩn có thể tự phát ở người bệnh vệ sinh răng miệng kém và suy giảm miễn dịch hoặc là đợt tái phát của quá trình mọc răng khôn trước đó. Các vi khuẩn phổ biến gây nên tình trạng này bao gồm Streptococcus, Fusobacterium, Actinomyces, Veillonella và Treponema spp..
Vi khuẩn dễ phát triển và gây bệnh khi người bệnh có những yếu tố nguy cơ như:
- Răng khôn mọc lệch: Răng mọc lệch tạo ra những khe, kẽ giữa răng khôn và lợi hoặc răng hàm bên cạnh. Những vị trí này dễ tích tụ vụn thức ăn, cặn bẩn và khó vệ sinh, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Vệ sinh răng miệng kém: Vị trí răng khôn thường khó vệ sinh hơn so với các răng khác. Vì vậy, người bệnh vệ sinh răng miệng kém dễ gây hình thành cao răng bám trên bề mặt răng khôn. Vi khuẩn tích tụ một lượng lớn trong cao răng sẽ gây nên tình trạng viêm lợi.
- Suy giảm miễn dịch: Vi khuẩn dễ dàng tấn công và gây viêm lợi răng khôn ở những người bệnh có sức đề kháng kém như thiếu chất, phụ nữ có thai, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh răng miệng, mũi họng như viêm họng mạn tính, viêm mũi xoang, sâu răng.
Viêm lợi ở răng khôn bao lâu thì hết?
Nhiều người khi mọc răng khôn thắc mắc không biết sưng nướu răng khôn bao lâu thì hết. Thông thường, viêm lợi trong quá trình răng khôn mọc có thể khỏi sau vài ngày răng mọc nếu không có vi khuẩn tấn công và răng mọc đúng hướng.
Tuy nhiên, các bác sĩ nha khoa luôn khuyến cáo người bệnh xử lý vấn đề này sớm do tỷ lệ tái phát và nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm rất cao. Những tình trạng sức khỏe bất lợi người bệnh có thể gặp phải khi bị viêm lợi quanh răng khôn:
- Viêm lợi trùm răng khôn có mủ: Vi khuẩn phát triển mạnh khiến các tế bào miễn dịch tập trung nhiều ở phần lợi viêm, tạo nên ổ mủ chứa vi khuẩn, tế bào chế, dịch viêm và xác tế bào. Viêm lợi trùm răng khôn có mủ gây đau nhiều hơn và có thể tiến triển thành áp xe răng.
- Viêm nha chu: Viêm lợi quanh răng khôn có thể lan sang những răng khác gây viêm lợi và viêm nha chu toàn hàm răng. Viêm nha chu dẫn đến tụt lợi và tiêu xương ổ răng, khiến răng lung lay và dễ rụng.
- Rụng răng hàm: Răng hàm đóng vai trò chính trong chức năng nhai nuốt. Khi các tổ chức quanh răng khôn viêm sẽ gây tổn thương tới các mô nâng đỡ, dây chằng và xương ổ răng của răng hàm, khiến răng hàm dễ rụng. Rụng răng hàm có thể dẫn đến xô lệch cả hàm răng, tiêu xương hàm làm thay đổi cấu trúc mặt.
- Giảm cảm giác và liệt một bên mặt: Răng khôn mọc lệch và lợi viêm có thể chèn ép lên hệ thống dây thần kinh xung quanh, dẫn tới giảm cảm giác ở môi, niêm mạc, da và tủy răng, thậm chí là liệt.
- Nhiễm trùng toàn thân: Vi khuẩn xâm nhập vào máu thông qua tổn thương ở khu vực răng khôn có thể gây nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc, viêm màng não, viêm khớp,…
Bên cạnh đó, viêm lợi quanh răng khôn gây đau nhiều, khiến người bệnh rất khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe tinh thần. Vì vậy, người bệnh cần chú ý điều trị sớm tình trạng này.
Các phương pháp điều trị viêm lợi răng khôn
Đối với bệnh viêm lợi răng khôn, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là tổng hợp những cách chữa bệnh phổ biến:
Tiểu phẫu trị viêm lợi ở răng khôn
Khi răng khôn mọc lên gây tình trạng đau nhức, viêm lợi, các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nhổ răng để dứt điểm bệnh sớm. Ngoài ra, tiểu phẫu cắt lợi trùm cũng được áp dụng khi người bệnh bị viêm lợi trùm răng khôn.
- Cắt lợi trùm: Với người bệnh có răng khôn mọc thẳng và bị lợi trùm, nha sĩ thường sẽ chỉ định cắt lợi trùm để răng có thể mọc lên bình thường. Tuy nhiên biện pháp này không có hiệu quả vĩnh viễn do lợi trùm dễ tái phát lại.
- Nhổ răng khôn: Răng khôn không có vai trò gì đối với chức năng ăn nhai. Vì vậy, đa số các trường hợp người bệnh sẽ được tư vấn nhổ răng khôn càng sớm càng tốt, đặc biệt với người có răng khôn mọc lệch, mọc ngầm. Nhổ răng khôn giúp điều trị dứt điểm bệnh và giảm thiểu tối đa mọi biến chứng.
Các thủ thuật này có thể gây ảnh hưởng lên nhiều dây thần kinh hàm mặt xung quanh. Do vậy, người bệnh nên chọn các nha khoa, bệnh viện răng hàm mặt uy tín để thực hiện điều trị bằng các thủ thuật này.
Dùng thuốc trị viêm lợi răng khôn
Điều trị viêm lợi răng khôn thường phối hợp cả biện pháp phẫu thuật và dùng thuốc. Ngoài ra, liệu pháp dùng thuốc có thể áp dụng đơn độc trong một số trường hợp răng khôn mọc thẳng và người bệnh muốn giữ răng.
Các thuốc trị viêm lợi răng khôn phổ biến:
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Paracetamol (chỉ giảm đau), Ibuprofen, Naproxen.
- Kháng sinh: Metronidazole, Spiramycin, Azithromycin, Amoxicillin/Clavulanic, Clindamycin, Doxycyclin,…
- Thuốc sát khuẩn tại chỗ: Chlorhexidine dạng bôi.
- Thuốc chống phù nề: Alphachymotrypsin.
Kết hợp chăm sóc sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể
Trong quá trình điều trị viêm lợi răng khôn, người bệnh cần chăm sóc sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể một cách cẩn thận để hỗ trợ cải thiện triệu chứng và phục hồi một cách tốt nhất. Các biện pháp chăm sóc được khuyến cáo:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên và loại bỏ mảng bám, thức ăn tồn dư trong khoang miệng bằng tăm nước hoặc chỉ nha khoa. Tránh xịt thẳng nước vào vùng lợi đang viêm do có thể gây chảy máu và tổn thương lợi.
- Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn chứa Chlorhexidine, Povidon Iod hoặc Nano bạc thường xuyên. Tuy nhiên, Chlorhexidine và Povidon Iod có mùi vị khó chịu và không có tác dụng giảm viêm. Bởi vậy, người bệnh nhạy cảm với mùi vị và muốn cải thiện triệu chứng nhanh có thể lựa chọn các chế phẩm chứa Nano bạc chuẩn hóa như súc miệng họng PlasmaKare.
- Bổ sung thực phẩm có tác dụng cải thiện viêm nhiễm tốt và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như gừng, tỏi, mật ong, thực phẩm giàu Kẽm, Vitamin C và Omega-3.
- Kiêng tuyệt đối các thực phẩm cay nóng, quá lạnh, thực phẩm chứa nhiều đường.
- Sử dụng những loại thảo dược chứa Flavonoid, Tanin có tác dụng chống viêm mạnh như lựu, trà xanh và hoa cúc. Người bệnh có thể dùng các thảo dược này làm nước súc miệng hoặc sử dụng các chế phẩm kem đánh răng, gel bôi chứa chúng.
Phương pháp phòng ngừa viêm lợi răng khôn
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm lợi răng khôn là vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đi khám sức khỏe và lấy mảng bám răng định kỳ 6 tháng/lần. Đi khám sức khỏe răng miệng định kỳ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm răng khôn mọc ngầm hoặc răng khôn có nguy cơ mọc lệch để can thiệp loại bỏ sớm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh khoa học để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi lại với các vi sinh vật gây bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa cụ thể:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và tăm nước loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng
- Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng sát khuẩn
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học, đủ chất
- Tập luyện thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Tránh ăn các thực phẩm cay nóng, đá lạnh, thực phẩm nhiều Acid, đồ ngọt và rượu bia, thuốc lá.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý mũi họng
Tình trạng viêm lợi răng khôn rất phổ biến và có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tâm lý của người bệnh nếu không được điều trị đúng cách. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp người bệnh cải thiện và phòng ngừa tình trạng này hiệu quả.