Bệnh viêm màng não do não mô cầu là gì?
Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitides, gồm các týp A, B, C, Y và W135. Gần đây týp Y và W135 gặp nhiều hơn.
Mục lục
Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, Bệnh nhiễm não mô cầu bao gồm các chứng viêm nặng của chất dịch và lớp màng bọc xung quanh não (viêm màng não), trong máu (nhiễm trùng huyết và nhiễm khuẩn huyết), phổi (viêm phổi), và khớp xương (viêm khớp).
Bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở trẻ lớn và thanh niên sống trong điều kiện đông đúc. Trong năm 2000, ước tính có khoảng 300.000 trường hợp mắc và 25.000 – 30.000 trường hợp tử vong do viêm màng não do não mô cầu.
Bệnh viêm màng não mô cầu lây truyền như thế nào?
Vi khuẩn lây truyền từ người sang người qua những giọt nhỏ khi ho và hắt hơi trong không khí từ mũi họng của người mang mầm bệnh.
Người khỏe mạnh mà không có các triệu chứng bệnh đôi khi cũng mang vi trùng não mô cầu trong mũi và họng của họ.
Việc nhiễm não mô cầu lây lan qua tiếp xúc gần gũi và không bị lây lan chỉ vì ở chung phòng với người bị bệnh.
Mất từ 1 đến 10 ngày cho các triệu chứng xảy ra kể từ khi một người bị nhiễm vi khuẩn.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?
Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ban xuất huyết nhỏ trên da là dấu hiệu quan trọng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.
Biến chứng của bệnh là gì?
Ở trẻ em, bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị; còn điều trị sớm tỉ lệ tử vong vẫn còn 5% đến 10%. 10% – 15% số trường hợp qua khỏi những vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu có shock và ban xuất huyết hoại tử gọi là tử ban tuy ít gặp hơn viêm màng não nhưng lại nặng hơn và tử vong cao hơn.
Điều trị bệnh viêm màng não do não mô cầu như thế nào?
Vì bệnh viêm màng não do não mô cầu thường gây tử vong, Những người bị bệnh não mô cầu đều phải chuyển đến bệnh viện để điều trị. Có một số kháng sinh hiệu quả trong điều trị.
Việc nhiễm bệnh được chẩn đoán bằng cách thử máu hoặc thử dịch tủy sống của bệnh nhân.
Tất cả những người có tiếp xúc gần gũi với một người bị bệnh não mô cầu nên:
- Được bác sĩ cho toa mua thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt để ngăn ngừa bệnh não mô cầu.
- Hãy trông chừng những triệu chứng của bệnh não mô cầu trong 10 ngày sau lần tiếp xúc mới nhất với người bệnh, ngay cả khi họ đã dùng thuốc kháng sinh để phòng nhiễm bệnh.
Phương pháp phòng bệnh viêm não mô cầu
Hiện có các loại vắc xin phòng bệnh đối với týp A, C, Y, và W135. Khống chế dịch dựa vào giám sát tốt để phát hiện và điều trị sớm. Tiêm vắc xin týp A và C đạt tỷ lệ 80% có thể phòng được dịch. Những vắc xin này không có hiệu quả đối với trẻ nhỏ và chỉ bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi.
Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm. Cách phòng tránh đặc hiệu là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa vi khuẩn.
Đây là bệnh đã có vaccine. Vì thế, có thể tiêm phòng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Một mũi vaccine có khả năng ngừa bệnh trong vòng ba năm. Vaccine đang sử dụng tại Việt Nam là của Pháp sản xuất có giá 150.000-160.000 đồng/liều. Sau khi tiêm vaccine 7-10 ngày, nồng độ kháng thể đạt tới mức đủ để bảo vệ người được tiêm.
Lưu ý: Vắc xin không có hiệu quả đối với trẻ quá nhỏ vì thế không tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Benh.vn