Các bạch cầu lưu hành bao gồm các BC đoạn trung tính, BC lympho, BC mônô (monocyte), BC đoạn ưa acid và BC đoạn ưa bazơ. Tất cả các tế bào máu (bao gồm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu) đều có nguồn gốc từ một tế bào gốc chung (stem cell). Bạch cầu được sinh ra trong tuỷ xương và bị phá huỷ ở lách, các bạch cầu thực hiện các chức năng chính của mình tại các mô trong cơ thể.
Mục lục
Chức năng của bạch cầu
Ở người, chức năng chính của BC là giúp cơ thể chống đỡ lại các tác nhân ngoại lai (Ví dụ: vi khuẩn). Chức năng chống đỡ này được thực hiện nhờ 2 cơ chế:
- Thực bào (phagocytosis): Được các BC hạt (granulocytes) và bạch cầu mônô (monocytes) đảm nhiệm. Có ba typ bạch cầu hạt là bạch cầu đoạn trung tính (neutrophil), BC đoạn ưa acid (eosinophil) và BC đoạn ưa bazơ (basophil).
- Sản xuất các kháng thể: Được các BC lympho và tương bào (plasmocyt) đảm nhiệm.
Tuy vậy, 2 cơ chế trên có liên quan chặt chẽ với nhau bởi vì:
– Quá trình thực bào thường được tạo thuận lợi thêm nhờ sự hiện diện của các kháng thể chống lại các kháng nguyên được thực bào.
– Sản xuất kháng thể đôi khi cần tới quá trình thực bào trước đó của kháng nguyên.
Phân loại bạch cầu
Bạch cầu đoạn trung tính
Là loại tế bào bạch cầu đầu tiên có mặt tại vùng viêm của cơ thể. Nó thực hiện chức năng làm sạch các mảnh tế bào tại vùng tổn thương nhờ quá trình thực bào. Bạch cầu đoạn trung tính có đời sống kéo dài khoảng 4 ngày. Có thể nhận dạng được các bạch cầu trưởng thành nhờ biểu hiện “phân đoạn”. Các bạch cầu đoạn trung tính chưa trưởng thành không có biểu hiện “phân đoạn” này (thường được gọi là bạch cầu đũa [“band” hay “stabs”]).
Trong trường hợp xẩy ra quá trình nhiễm trùng cấp, cơ thể phản ứng nhanh bằng cách giải phóng cả các bạch cầu chưa trưởng thành (một hiện tượng được biết dưới tên bạch cầu đoạn trung tính “chuyển sang trái” [“shift to the left”]). Nếu tình trạng nhiễm trùng hay viêm được giải quyết và các bạch cầu đoạn trung tính chưa trưởng thành được thay thế bằng các bạch cầu trưởng thành, sự quay trở lại trạng thái bình thường này được gọi là tình trạng “chuyển sang phải” (“shift to the right”).
Các bạch cầu đoạn ưa acid
Đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế chống đỡ đối với các nhiễm ký sinh trùng. Chúng cũng có chức năng thực bào đối với các mảnh tế bào, song ở mức độ ít hơn so với bạch cầu đoạn trung tính và chỉ ở các giai đoạn muộn của quá trình viêm. Bạch cầu đoạn ưa acid cũng tham gia vào các phản ứng viêm.
Các bạch cầu đoạn ưa bazơ
Giải phóng histamin, bradykinin và serotonin khi bị hoạt hóa bởi tình trạng tổn thương hay nhiễm trùng. Các chất nói trên có vai trò quan trọng đối với quá trình viêm do chúng làm tăng tính thấm mao mạch và vì vậy làm tăng dòng máu tới vùng bị tổn thương. Các bạch cầu đoạn ưa bazơ cũng tham gia vào quá trình đáp ứng dị ứng. Ngoài ra, các hạt trên bề mặt của bạch cầu đoạn ưa bazơ tiết ra chất chống đông tự nhiên là heparin.
Các bạch cầu mônô (monocyte)
Có đời sống kéo dài nhiều tháng và thậm chí nhiều năm và không được coi là các tế bào thực bào nếu chúng lưu hành trong dòng tuần hoàn. Tuy nhiên, sau khi có mặt tại các mô một vài giờ, các bạch cầu mônô sẽ chín và chuyển thành đại thực bào (macrophage), khi đó chúng thực sự là các tế bào thực bào.
Các bạch cầu miễn dịch
Bao gồm các bạch cầu lympho T(T Lymphocytes) hay tế bào T (T cells) và bạch cầu lympho B (B Lymphocytes) hay tế bào B. Các tế bào này trưởng thành tại các mô lympho và di chú giữa máu và hạch bạch huyết. Các bạch cầu lympho có đời sống kéo dài từ nhiều ngày tới nhiều năm tùy thuộc vào typ tế bào
Xét nghiệm bạch cầu
Việc đếm số lượng BC có thể được thực hiện:
– Hoặc bằng phương pháp đếm thủ công: Hoà loãng máu và đếm các BC trong buồng đếm, sau khi đã phá huỷ các HC.
– Hoặc bằng phương pháp tự động: Sử dụng máy đếm tự động.
Cách lấy bệnh phẩm
– ống XN huyết học: Máu được chống đông bằng EDTA và bảo quản ở 4oC, nếu không thể tiến hành XN ngay.
– Không nhất thiết yêu cầu BN cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm XN. Không được đặt garo quá lâu (> 60 giây) khi lấy máu XN.
– Lam máu (frottis sanguin): nhuộm May – Grunwald – Giemsa để xác định công thức BC và để phát hiện các bất thường hình thái có thể xẩy ra.
Giá trị bình thường
1. Trẻ nhỏ
– Khi mới sinh: 9.000 – 30.000/mm3 hay 9,0 – 30,0 x 10^9/L.
– 8 ngày: 5.000 – 20.000/mm3 hay 5,0 – 20,0 x 10^9/L.
– 1 tháng: 5.000 -18.000/mm3 hay 5,0 – 18,0 x 10^9/L.
– 1 tuổi: 5.000 – 16.000/mm3 hay 5,0 – 16,0 x 10^9/L.
– 4 tuổi: 5.000 – 15.000/mm3 hay 5,0 – 15,0 x 10^9/L.
– 4 đến 8 tuổi: 5.000 – 14.000/mm3 hay 5,0 – 14,0 x 10^9/L.
– 8 đến 16 tuổi: 4.500 – 13.000/mm3 hay 4,5 – 13,0 x 10^9/L.
2. Người lớn: 4.500 – 10.500/mm3 hay 4,5 – 10,5 x 10^9/L.
3. Khi có thai
– 3 tháng đầu: 5.000 – 15.000/mm3 hay 5,0 – 15,0 x 10^9/L.
– 3 tháng giữa và cuối: 6.000 – 16.000/mm3 hay 6,0 – 16,0 x 10^9/L.
– Sau đẻ: 4.500 – 12.000/mm3 hay 4,5 – 12,0 x 10^9/L.
4. Các thay đổi liên quan với hoạt động thể lực
– Khi nghỉ: 4.000 – 10.000/mm3 hay 4,0 – 10,0 x 10^9/L.
– Gắng sức nhẹ: 4.000 – 11.000/mm3 hay 4,0 – 11,0 x 10^9/L.
– Gắng sức mạnh: 4.000 – 15.000/mm3 hay 4,0 – 15,0 x 10^9/L.
Tăng bạch cầu đoạn trung tính (Neutrophylia)
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Các nhiễm trùng do vi khuẩn (nhất là các nhiễm trùng cấp sinh mủ).
2. Nhiễm khuẩn huyết.
3. Các ổ nhiễm trùng sâu:
– Viêm nội tâm mạc.
– Viêm xương.
– Viêm xoang.
– Viêm tuyến tiền liệt.
4. Ung thư hoại tử hay bị apxe hoá.
5. Hoại tử mô (Vd: phẫu thuật, bỏng, nhồi máu cơ tim).
6. Các tình trạng tăng sinh tủy xương phản ứng hay tăng sinh tủy ác tính mạn tính.
7. Sản giật.
8. Cơn gout cấp.
9. Cơn bão giáp.
10. Ngộ độc hóa chất, thuốc, nọc độc.
11. Dùng corticoid.
12. Cơn tan máu cấp.
13. Do stress (tâm thần, thực thể).
14. Viêm mạch (Vasculitis).
Tăng bạch cầu đoạn ưa bazơ
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Một số bệnh da.
– Bệnh thủy đậu.
– Bệnh lơ xê mi kinh dòng hạt.
– Viêm xoang mạn.
– Sau xạ trị.
– Sởi.
– Các rối loạn sinh tủy.
– Phù niêm.
– Sau cắt lách.
– Bệnh đậu mùa.
– Viêm đại tràng loét (ulcerative colitis).
Tăng bạch cầu đoạn ưa acid
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh Addison.
– Bệnh dị ứng.
– Ung thư phổi, dạ dày, buồng trứng.
– Bệnh lơxêmi kinh dòng hạt.
– Bệnh Hodgkin.
– Sau xạ trị.
– Các nhiễm ký sinh trùng (Vd: bệnh nhiễm giun xoắn).
– Thiếu máu ác tính Biermer.
– Đa hồng cầu tiên phát.
– Viêm khớp dạng thấp.
– Bệnh sốt tinh hồng nhiệt (scarlet fever).
– Xơ cứng bì.
– Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
– Viêm đại tràng loét.
Tăng bạch cầu lympho
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh Addison.
– Bệnh lơ xê mi kinh dòng lympho.
– Bệnh Crohn.
– Nhiễm trùng do cytomegalovirus.
– Tăng quá mẫn với thuốc.
– Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
– Ho gà.
– Bệnh huyết thanh (serum sickness).
– Nhiễm độc giáp.
– Nhiễm toxoplasmosis.
– Sốt thương hàn.
– Viêm đại tràng loét.
– Các bệnh lý do virus (Vd: quai bị, bệnh rubeon, sởi, viêm gan siêu vi, thủy đậu…).
Tăng bạch cầu mônô
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh Brucelle (bệnh sốt Malta, bệnh do brucellose).
– Các bệnh lý viêm mạn tính.
– Viêm đại tràng loét mạn tính.
– Bệnh Hodgkin.
– Các rối loạn sinh tủy.
– Viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn.
– Giang mai.
– Lao.
hồ vĩnh tài đã bình luận
chào bác sỹ e đi khám xét nghiệm bác sỹ nói e bị bạch cầu cao kết quả của e là BC máu tăng cao thế cho e hỏi e bị viêm họng viêm xoang có gây ra bạch cầu cao này không bác sỹ ?
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Bạch cầu sinh ra có vai trò tiêu diệt các dị vật lạ xâm nhập cơ thể, trong đó có vi khuẩn, virus, nấm… do đó khi bạn bị viêm họng, viêm xoang thì bạch cầu có thể tăng cao. Điều đó thể hiện bạn đang có nhiễm trùng.
Chúc bạn mạnh khỏe,