Xét nghiệm sinh hóa creatin phosphokinase trong máu thực hiện như thế nào ?
Mục lục
Sinh lý enzym creatin phosphokinase (CPK, CK)
Creatin phosphokinase (CK hay CPK) là một enzym xúc tác phản ứng chuyển đổi qua lại giữa ATP và creatin phosphat: Creatin + ATP ↔ Creatin − phosphat + ADP. Vì vậy, CPK đóng vai trò chủ chốt trong kiểm soát dòng cung cấp năng lượng cho các mô khác nhau trong cơ thể, đặc biệt ở mô cơ.
CPK là enzym được thấy chủ yếu ở cơ tim, cơ vân và với một hàm lượng ít hơn ở mô não. Trong điều kiện bình thường, huyết thanh người chứa chủ yếu CPK dưới dạng MM. CPK-MB chiếm khoảng 5% CPK toàn phần và CPK-BB chỉ được thấy với một lượng không đáng kể.
Xác định hoạt tính CPK là một XN hữu ích trong quy trình chẩn đoán các bệnh lý cơ vân (Vd: loạn dưỡng cơ), nhồi máu cơ tim và bệnh lý mạch máu não. Tất cả các quá trình bệnh lý tác động tới các cơ quan này đều có thể là nguyên nhân gây tăng hoạt độ CPK toàn phần.
Nhờ kỹ thuật điện di hay sắc ký (chromatographie) có thể tách biệt CPK thành 3 loại isoenzym khác biệt:
1. CPK BB (CK1) được thấy trong não và cơ trơn của phổi.
2. CPK MB (CK2) khu trú chủ yếu trong cơ tim.
3. CPK MM (CK3) được thấy chủ yếu trong các cơ vân.
Trong nhồi máu cơ tim, tăng CPK thường xẩy ra trước khi tăng các transaminase và LDH. Hoạt độ CPK toàn phần điển hình sẽ tăng ngay từ giờ thứ 4 sau khi bị nhồi máu (4-8 giờ), với mức đỉnh xẩy ra giữa giờ thứ 12 – 36 sau khi bị nhồi máu. Hoạt độ CPK thường tăng cao trong khoảng 2 – 3 ngày và trở lại giá trị bình thường vào khoảng ngày thứ 4. Như vậy, CPK là một trong những enzym tim đầu tiên tăng lên sau khi bị nhồi máu cơ tim cấp.
Mặc dù hoạt độ CPK toàn phần có thể được sử dụng như một test chẩn đoán đối với NMCT cấp (nhất là khi kết hợp cùng với CPK-MB) song hiện tại nhiều cơ sở điều trị chuyên khoa đã thay thế xét nghiệm này bằng troponin I hoặc T do tính đặc hiệu với cơ tim cao hơn so với xét nghiệm xác định hoạt độ CPK.
CPK-MB (phần isoenzym liên quan với cơ tim của CPK) là một enzym có trọng lượng phân tử 84 kDa đại diện cho 40% các CPK có mặt trong mô cơ tim. Cũng như CPK toàn phần, hoạt độ CPK MB tăng lên song song với CPK toàn phần với giá trị thu được thể hiện ít nhất 10% CPK toàn phần (tỷ lệ % này thường đạt tới giá trị 20 – 30%): CPK–MB thường bắt đầu tăng 4 – 6 giờ sau khi bắt đầu bị nhồi máu song không luôn tăng ở tất cả các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tới khoảng 12 giờ sau khi bị nhồi máu. Tình trạng tăng này trở về giá trị nền trong vòng 36 – 48h trong khi tình trạng tăng hoạt độ troponin huyết thanh có thể tiếp diễn kéo dài từ 10 – 14 ngày.
Điều này ngụ ý là không thể sử dụng CPK-MB để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ở giai đoạn muộn song có thể được sử dụng như đã được xác nhận để đánh giá mức độ lan rộng và mức độ nặng của nhồi máu. Hơn nữa, tăng lại hoạt độ CPK sau 4 ngày bị nhồi máu cơ tim cấp sau khi giá trị enzym này đã giảm đặt nghi vấn BN có thể bị nhồi máu cơ tim tái phát.
CPK BB hiếm khi được gặp và enzym này đã được mô tả như một marker đối với ung thư biểu mô tuyến của tuyến tiền liệt, vú, buồng trứng, đại tràng và đường tiêu hóa, cũng như đối với ung thư biểu mô tế bào không biệt hóa của phổi. Tăng hoạt độ CPK BB cũng đã được báo cáo gặp khi có tình trạng sốc nặng và/hoặc hạ thân nhiệt, nhồi máu ruột, chấn thương não, đột quỵ, đồng thời enzym này còn được coi như một chỉ dấu di truyền ở một số gia đình bị tăng thân nhiệt ác tính và gia tăng song hành với hoạt độ CPK MB ở các bệnh nhân bị bệnh cơ do rượu (alcoholic myopathy).
Mục đích và chỉ định xét nghiệm
– Chỉ dấu sinh học với độ đặc hiệu tốt đối với tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý của cơ tim.
– XN hỗ trợ thường được chọn để chẩn đoán các tình trạng rối loạn cơ vân.
– XN các isoenzym của CPK (CPK-MM) có thể được chỉ định để phát hiện các thể macro (macro forms) của CK: Giúp chẩn đoán các bệnh cơ vân, khi kết hợp với XN aldolase.
– CPK-MB được sử dụng rộng rãi như một chỉ dấu sinh học sớm để đánh giá tình trạng tổn thương cơ tim.
Cách lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm CPK
Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh. Không nhất thiết yêu cầu BN cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm XN.
XN thường được chỉ định làm cấp cứu và được làm nhắc lại 3 – 4 lần trong vòng 4 – 24h ở các BN có bệnh cảnh cơn đau ngực kéo dài.
Giá trị bình thường
– CPK toàn phần:
+ Nữ: 40 – 150 U/L hay 0,67 – 2,50kat/L.
+ Nam: 38 – 174 U/L hay 0,63 – 2,90kat/L.
– CPK MB: < 10 U/L.
– Điện di các CPK:
+ CPK BB <1% (Hiếm khi được gặp trong điều kiện bình thường).
+ CPK MB < 5%.
+ CPK MM > 94%.
Tăng hoạt độ CPK toàn phần
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Các tình trạng hoại tử hoặc viêm của cơ tim: Chỉ số CPK thường > 4%. Các rối loạn được liệt kê trong phần CK-MB.
+ Nhồi máu cơ tim.
+ Sau tiến hành khử rung tim.
+ Sau phẫu thuật tim.
– Các tình trạng hoại tử, viêm hoặc thoái hóa cấp của cơ vân:
+ Các rối loạn được liệt kê trong phần CK-MB (chỉ số CPK thường < 4%).
+ Loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy), loạn dưỡng tăng trương lực cơ (myotonic dystrophy).
+ Xơ cột bên teo cơ (amyotrophic lateral sclerosis) (> 40% các trường hợp).
+ Viêm da và cơ (dermatomyosis), viêm đa cơ (polymyositis): gặp ở 70% các trường hợp với mức tăng trung bình là > 20 lần giới hạn bình thường cao).
+ Sau tiến hành đánh sốc điện.
+ Bỏng nhiệt và bỏng điện (giá trị CPK toàn phần thường cao hơn so với khi bị NMCT cấp).
+ Tiêu cơ vân (rhabsomyolysis) nhất là do chấn thương và gắng sức quá mức: Mức tăng có thể tới > 1000 lần giới hạn bình thường trên.
+ Gắng sức thể lực quá mức và kéo dài (như được gặp ở vận động viên chạy marathon): Tình trạng tăng bắt đầu xuất hiện sau hoạt động thể lực 3h, đạt mức đỉnh sau 8-16h và thường trở lại mức bình thường sau 48h.
+ Cơn co giật kéo dài (status epilepticus).
+ Tình trạng sảng rung (delirium tremens).
+ Tăng thân nhiệt ác tính.
+ Hạ thân nhiệt.
– Do thuốc và hóa chất:
+ Cocain, alcohol.
+ Emetin (Ipeca) (Vd: gây nôn trong điều trị chứng ăn uống vô độ).
+ Độc tính của hóa chất: Các chế phẩm có vòng benzen (Vd: xylen) gây khử cực màng của tế bào cơ và gây thẩm lậu các enzym có trọng lượng phân tử thấp làm nồng độ CPK toàn phần tăng rất cao (100% là CPK-MM với tăng LDH gấp 3-5 lần giá trị bình thường).
– Bệnh tai biến mạch máu não cấp: Gặp ở 50% số bệnh nhân bị nhồi máu não lan rộng. Nồng độ đạt tới mức cao nhất vào ngày thứ ba với tình trạng tăng có thể không xẩy ra trong vòng 2 ngày đầu. Mức độ tăng thường thấp hơn so với trong NMCT song tình trạng tăng này kéo dài hơn và giá trị CPK toàn phần chỉ trở về bình thường sau 14 ngày. Các BN có mức tăng CPK > 300IU đi kèm với tỷ lệ tử vong cao. Tăng hoạt độ CPK huyết thanh trong nhồi máu não có thể gây che dấu chẩn đoán NMCT đi kèm.
– Các nguyên nhân khác:
+ Loạn thần cấp.
+ Nghiện rượu.
+ Chấn thương não.
+ Giảm kali máu và chứng liệt chu kỳ giảm kali máu có tình gia đình.
+ Suy chức năng tuyến giáp và phù niêm.
+ Chuyển dạ đẻ và thường xẩy ra trong những tuần cuối của thai kỳ.
+ Bệnh McArdle.
+ Tiêm bắp nhiều lần: Đôi khi xẩy ra và thường ở mức nhẹ (mức tăng thay đổi từ 2-6 lần giá trị bình thường). Giá trị
CPK trở lại bình thường 48 giờ sau khi ngừng tiêm và hiếm khi tác động tới phần CPK-MB, LDH -1 và AST.
Giảm hoạt độ CPK toàn phần
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Giảm khối lượng cơ của cơ thể (Vd: người có tuổi, suy dinh dưỡng, nghiện rượu).
– Viêm khớp dạng thấp (gặp ở khoảng 2/3 các bệnh nhân).
– Bệnh nội tiết:
+ Bệnh Addison.
+ Giảm tiết của thùy trước tuyến yên.
+ Cường giáp không được điều trị.
+ Bệnh Cushing.
– Bệnh của mô liên kết (connective tissue disease) không đi kèm với giảm hoạt động thể lực.
– Có thai ở giai đoạn sớm (8 -12 tuần): Hoạt độ CPK giảm xuống còn khoảng 75% giá trị CPK khi không có thai.
– Do thuốc (Vd: phenothiazin, prednison, estrogen, tamoxifen, ethanol), do độc tố và nọc côn trùng (Vd: aldrin, dieldrin).
– Bệnh nhân HSCC bị nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm khuẩn huyết.
– Suy nhiều hệ thống cơ quan (multiple organ failure).
– Bệnh lý khối u có di căn tới gan.
Hoạt độ CPK toàn phần có thể bình thường trong
– Nhồi máu phổi.
– Nhồi máu thận.
– Bệnh lý gan.
– Tắc mật.
– Một số rối loạn cơ:
+ Bệnh cơ do nhiễm độc giáp (thyrotoxicosis myopathy).
+ Bệnh cơ do steroid.
+ Teo cơ do nguồn gốc thần kinh (Vd: bại liệt di chứng, viêm đa dây thần kinh).
+ Hầu hết các bệnh lý ác tính.
+ Xơ cứng bì hoặc xơ cứng các đầu chi (acrosclerosis).
+ Lupus ban đỏ với ban dạng đĩa (discoid lupus erythematosus).
Tăng hoạt độ isoenzym CPK-BB
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Bệnh lý não:
+ Tai biến mạch máu não.
+ Tình trạng sau cơn động kinh với thiếu oxy não.
+ Chấn thương mô não.
+ Các khối u não.
+ Hội chứng Reyes.
– Ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt nhất là khi có di căn.
– Nhồi máu phổi.
– Tình trạng sốc.
Luận đã bình luận
Chào ad.cho mình hỏi tuần trước m bị đau chân với hơi mệt đi khám thì chỉ số này cao hơn 22000.lần sau khám xuống còn hơn 2000.có phải do đau cơ chân nên nó cao vậy không ah!với có ánh hưởng gì không?
admin đã bình luận
Chào bạn,
Xác định hoạt tính CPK là một XN hữu ích trong quy trình chẩn đoán các bệnh lý cơ vân (Vd: loạn dưỡng cơ), nhồi máu cơ tim và bệnh lý mạch máu não. Tất cả các quá trình bệnh lý tác động tới các cơ quan này đều có thể là nguyên nhân gây tăng hoạt độ CPK toàn phần. Như vậy trong các trường hợp viêm cơ đau cơ chỉ số hoạt độ CPK toàn phần có thể tăng lên. Tuy nhiên, chỉ số CPK toàn phần tăng lên có phải do bị đau cơ không bạn cần kết hợp với các chỉ số cụ thể như CPK-MM (tăng trong các tổn thương cơ vân (cơ xương)), CPK-MB tăng trong các bệnh lý tim mạch, MNCT cấp…
Như vậy, để biết chính xác nguyên nhân hoạt độ CPK tăng nguyên nhân do đâu, có ảnh hưởng gì không bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trực tiếp thăm khám để được tư vấn tốt nhất.
Chúc bạn mạnh khỏe.