Ở người bình thường trên 20 tuổi cũng cần được kiểm tra thành phần lipid máu trong cơ thể ít nhất cách năm năm một lần. Khi xét nghiệm máu lúc đó sẽ phân tích các thành phần cholesterol máu toàn phần, cholesterol LDL, cho lesterol HDL và triglycerid.
Trường hợp có rối loạn lipid máu thứ phát, phải chú ý loại trừ các nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc, lạm dụng rượu, đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, suy thận mạn tính, bệnh gan tắc nghẽn…
Đối với rối loạn lipid máu di truyền, phải dựa trên tiền sử gia đình của bệnh nhân và định lượng cholesterol máu toàn phần thấy trên mức 300mg/mL.
Theo Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ (2004), điều trị rối loạn cholesterol cần phân biệt các nhóm nguy cơ khác nhau. Đối với các trường hợp có bệnh mạch vành hoặc tương đương nguy cơ mắc bệnh mạch vành (là bệnh mạch cảnh, bệnh mạch ngoại vi, bệnh mạch xơ vữa khác, đái tháo đường) trên 20% trong vòng 10 năm, cần đạt mức cholesterol LDL dưới 100mg/dL và cholesterol không phải HDL cần dưới mức 130mg/dL. Đối với trường hợp có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên với nguy cơ mắc bệnh mạch vành trong vòng 10 năm, mức cholesterol LDL cần ở dưới mức 130mg/dL và cholesterol không phải HDL cần dưới mức 160mg/dL. Còn các trường hợp không có hoặc chỉ có một yếu tố nguy cơ, mục tiêu cholesterol LDL cần đạt là dưới mức 160mg/DL và cholesterol lDL cần đạt là dưới 190mg/dL.
Ở đây cũng cần chú ý tới “hội chứng chuyển hóa” là tập hợp các yếu tố nguy cơ chính và nổi trội làm tăng gia nguy cơ bị biến cố mạch vành hoặc mạch não ở bất kỳ mức cholesterol LDL nào. Đó là khi thấy bệnh nhân có béo bụng (vòng eo của nam trên 102cm, của nữ trên 88 cm); nồng độ triglycerid từ 150mg/dL trở lên; nồng độ cholesterol HDL thấp (dưới 40mg/dL ở nam và dưới 50mg/dL ở nữ); trị số huyết áp từ 130/85mmHg trở lên và nồng độ đường huyết lúc đói bị rối loạn ở mức 120-125mg/dL.
Trong thực hành, đối với bệnh nhân có tăng cholesterol LDL, việc điều trị đầu tay là phải thay đổi nếp sống cụ thể là chú ý tới chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, kiểm soát thể trọng và bỏ hút thuốc lá. Khi cần điều trị dược lý, tố nhất là sử dụng loại Statin.
Đối với bệnh nhân có mức cholesterol HDL thấp bao gồm: tăng triglycerid, béo phì, không hoạt động thể lực, chế độ ăn quá nhiều glucid (trên 60% lượng calo), đái tháo đường týp 2, một số thuốc (như thuốc chẹn beta, loại steroid chuyển hóa, thuốc ngừa thai có progesteron), yếu tố di truyền. Điều trị cholesterol HDL thấp, có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như: làm giảm cân nặng, luyện tập và ngừng hút thuốc. Đồng thời chú ý chế độ dinh dưỡng chứa nhiều acid béo không bão hòa chuỗi đơn, omega – 3. Khi cần dùng thuốc, có thể cân nhắc các loại Statin, Acid nicotinic, Fibrat.
Triglycerid máu bình thường dưới mức 150mg/dL; từ 240 đến 499mg/dL là giới hạn cao và từ 500mg/dL trở lên là giới hạn rất cao. Nguyên nhân gây tăng triglycerid thường liên quan đến nếp sống như: béo phì, không hoạt động thể lực, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu, chế độ ăn glucid cao. Những nguyên nhân thứ phát bao gồm: đái tháo đường, suy thận mạn tính, hội chứng thận hư, bệnh Cushing, loạn dưỡng lipid, khi có thai, nhiều loại thuốc và cả di truyền. Như vậy, khi muốn điều trị tăng triglycerid, cần phải giảm cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực và điều chỉnh nếp sống. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong lâm sàng như nhóm Statin (Atorvastatin, Fluvastatin, Lovastatin, Pravastatin, Rosuvastatin, Simvastatin); Acid nicotinic; chất giữ acid mật (Colesevelam, cholestyramin); các dẫn xuất acid fibric (Gemfibrizil, Fenofibrat, Clofibrat); các chất ức chế hấp thu cho cholesterol (Ezetimib).
Benh.vn (Gs. Lê Đức Hinh – BV Bạch Mai)
Mời đón xem tiếp Phần 6 …