Dưới đây là 5 cách nuôi dạy con tuy khác lạ nhưng lại hoàn toàn có cơ sở khoa học. Cha mẹ có thể tham khảo để định hình suy nghĩ và hành động của con theo hướng tích cực hơn.
Mục lục
1. Không sử dụng bỉm
Nghe có vẻ “điên rồ” nhưng đây là một phương pháp nuôi dạy trẻ rất có cơ sở. Theo các nhà nghiên cứu, nếu cha mẹ sử dụng bỉm, trẻ sẽ thoải mái vệ sinh mà không có ý thức kiểm soát hành động này. Thay vì dùng bỉm, các bậc phụ huynh nếu chịu khó dọn dẹp vài lần cho con và hướng dẫn bé dùng bô thì quá trình đi vệ sinh sẽ dần được cải hiện và đi vào quy củ. Khi đó, các bé sẽ có phản ứng kiểm soát quá trình đi vệ sinh như đi vệ sinh đúng giờ, đúng vị trí.
Không dùng bỉm là một phương pháp nuôi dạy trẻ rất có cơ sở.
2. Cắn lại trẻ
Có bao giờ cha mẹ cảm thấy khó chịu với những vết cắn do trẻ gây ra vì ngứa lợi, mọc răng? Một phương pháp đối phó nghe rất lạ mà các chuyên gia đưa ra trong trường hợp này là… cắn lại trẻ. Thật vậy, khi bị cắn lại, trẻ sẽ có phản ứng khó chịu, từ đó tự rút ra kinh nghiệm để không tự tiện cắn ai khác.
Tuy nhiên, việc trẻ mọc răng muốn cắn là điều tự nhiên nên các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn bé cái nào có thể cắn (đồ chơi mềm đã được rửa sạch), và cái gì không được cắn (cơ thể người) để bé không bị khó chịu.
3. Ăn vạ lại trẻ
Tương tự như phương pháp cắn ở trên, khi trẻ đột nhiên khó chịu và khóc lóc, la hét tìm cách ăn vạ, người lớn có thể dùng chính những biểu hiện đó để cho con em mình biết điều gì là không nên. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả mà đôi khi còn khiến tình hình căng thẳng thêm.
Vì vậy các chuyên gia tâm lý cho rằng, ngoài việc phản ứng lại bằng các hành động trên, phụ huynh nên tìm cách thu hút và nói chuyện với trẻ một cách bình thản để làm dịu cảm giác khó chịu của trẻ.
Ngoài việc phản ứng lại bằng các hành động ăn vạ của trẻ, phụ huynh nên tìm cách thu hút và nói chuyện với trẻ một cách bình thản để làm dịu cảm giác khó chịu của trẻ.
4. Đừng bao giờ nói “không” với trẻ
Một bà mẹ chia sẻ rằng, cô không thể chịu được mỗi khi bọn trẻ cứ luôn miệng nói “không” hay “của con”. Chính vì vậy, cô không bao giờ dùng những từ đó với con trai mình mà thay thế bằng cách diễn đạt khác. Điều đó khiến cho cậu con trai không bao giờ nói “không” với cha mẹ cho đến khi bước sang tuổi lên 4. Tuy nhiên, việc loại bỏ từ “không” ra khỏi các câu nói trong sinh hoạt hằng ngày là điều khá khó khăn.
Một chuyên gia về trẻ em cho biết, thay vì chỉ nói từ “không” để ngăn các bé làm những hành động nguy hiểm thì phụ huynh nên dùng câu dài và giải thích nhiều hơn. Ví dụ như khi bé muốn chạm vào lò nướng, thay vì “Không”, cha mẹ có thể nói “Con đừng chạm vào lò, nó rất nóng”.
5. Nói chuyện với bé như người lớn
Các chuyên gia về trẻ em cho rằng, khi cha mẹ nói chuyện với con em mình bằng các từ ngữ thông dụng trong cuộc sống, thậm chí cả những từ các bé chưa hiểu có thể giúp tăng cường vốn từ vựng cho trẻ. Không quan trọng bạn nói chuyện thế nào, quan trọng là nói liên tục. Các chuyên gia thường khuyên các bậc phụ huynh nên nói chuyện với con trẻ cả ngày, không giới hạn ở bất cứ chủ đề nào.
Trẻ em vốn tò mò và rất hay thắc mắc về những điều chúng thấy xung quanh, đó là một lợi thế lớn cho cha mẹ để khởi đầu một cuộc nói chuyện. Ví dụ, khi em bé với lấy cốc nước hoa quả, cha mẹ có thể nhấc cao lên và hỏi “Có phải con muốn cái này không?” Điều này sẽ kích thích trẻ phải tự tìm ra câu trả lời, vận dụng vốn từ đã được nghe để nói, rất tốt cho trí não của bé.
Nuôi dạy con là cả một hành trình dài vất vả bao gồm nhiều vấn đề khó khăn mà các ông bố bà mẹ thường xuyên phải đau đầu. Tuy nhiên, với những nghiên cứu và lời khuyên đến từ các chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ, cha mẹ chắc chắn sẽ có thêm kinh nghiệm để thấu hiểu và hướng dẫn con lối sống tích cực hơn.
(Theo Mask Online)