Hiện nay có khoảng 70% bệnh viện có khoa dinh dưỡng, trong đó chỉ 30% hoạt động đúng tính chất tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phục hồi của bệnh nhân, làm giảm chất lượng điều trị…
Nhận thức vấn đề này, Quỹ Abbott – tổ chức từ thiện thuộc tập đoàn chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott cùng chương trình Hợp tác sức khỏe toàn cầu của Đại học Y Boston (Mỹ) phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và trường Đại học Y Hà Nội cùng triển khai Dự án Hỗ trợ Dinh dưỡng lâm sàng (Dự án DDLS).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi họp báo Tổng kết 2 năm hoạt động của dự án
Dự án về dinh dưỡng toàn diện đầu tiên ở Việt Nam
Triển khai tại Việt Nam từ năm 2010, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 80 tỉ đồng (khoảng 3,8 triệu đô la Mỹ), Dự án DDLS là dự án đầu tiên được thành lập với mục tiêu nâng cao chất lượng dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện nhằm góp phần chăm sóc bệnh nhân toàn diện trong bệnh viên , mang đến một sức khỏe tốt hơn cho người dân.
Điển hình của dự án này là sự ra đời Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng (Trung tâm DDLS) đầu tiên ở Việt Nam, đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, là cơ quan đầu ngành cho việc phát triển khoa Dinh dưỡng lâm sàng tại Việt Nam, trước tiên là ở các bệnh viện khu vực phía Bắc.
Khoa đã xây dựng được 42 chế độ ăn áp dụng cho bệnh nhân người lớn (trong đó có đầy đủ chế độ ăn bình thường, chế độ bồi dưỡng, 07 chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường, 10 chế độ ăn cho bệnh nhân thận, 05 chế độ ăn cho bệnh nhân tim mạch, 06 chế độ ăn cho bệnh nhân tiêu hoá, chế độ ăn cho bệnh nhân Gout, bệnh nhiễm khuẩn, hậu phẫu, chế độ ăn dành cho người nghèo) và 32 chế độ ăn áp dụng cho trẻ em bao gồm chế độ ăn cho các lứa tuổi, chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chảy và các chế độ ăn bệnh lý khác. Từ chỗ trong một thời gian dài bệnh nhân đến viện tự lo ăn uống và ăn uống tự do không được kiểm soát đến nay bệnh nhân nằm tại bệnh viện Bạch mai được ăn theo chế độ ăn bệnh lý và được phục vụ tại giường ở một số khoa phòng và đang dần dần tiến tới phục vụ tại giường cho tất cả các khoa lâm sàng.
Rất nhiều hoạt động đã được triển khai tại Trung tâm DDLS như xây dựng phòng tư vấn dinh dưỡng; tiến hành sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, lồng ghép chế độ dinh dưỡng vào công tác chăm sóc tổng thể cho bệnh nhân trong toàn bệnh viện, cải tạo cơ sở vật chất như nâng cấp phòng pha chế sữa và dung dịch lỏng; trang bị xe đẩy cơm ủ ấm; …
Nhằm góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng cho bệnh viện trong tương lai, trường Đại học Y Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo cấp chứng chỉ khóa học 01 năm về dinh dưỡng lâm sàng cho 21 cán bộ điều dưỡng.
Tuy nhiên, để Trung tâm DDLS hoạt động hiệu quả hơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu DDLS, các chế độ dinh dưỡng điều trị các bệnh.
Năm 2010, Viện Dinh dưỡng đã tiến hành nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện Bạch Mai. Qua đó đã phối hợp thực hiện nghiên cứu thực trạng dinh dưỡng và nuôi dưỡng bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa tại khoa ngoại, bệnh viện Bạch Mai.
Bà Suki McClatchey, Giám đốc cấp cao Quỹ Abbott
Cam kết lâu dài của Abbott
Điểm đặc biệt của Dự án DDLS chính là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đối tác tham gia là những đơn vị đại diện về điều trị, nghiên cứu và đào tạo hàng đầu Việt Nam. Chính sự tham gia đa chiều này đã góp phần vào thành công của dự án, làm cho dự án mang tính toàn diện với nhiều kết quả tích cực.
Dự án đã thể hiện rõ nét mong muốn cam kết làm việc lâu dài của Abbott và Quỹ Abbott trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại Việt Nam.
Bà Suki McClatchey, giám đốc cấp cao của Quỹ Abbott khẳng định: “Dự án DDLS là một phần trong hoạt động chung của Quỹ Abbott nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để triển khai chương trình quan trọng này theo định hướng chung của Bộ Y tế nhằm tăng cường chăm sóc dinh dưỡng trên toàn quốc”.
Benh.vn (theo Vietnamnet)