Trong thập niên vừa qua, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực hiện rất tốt công tác truyền thông, tuyên truyền việc tiêm vacxin phòng chống viêm não Nhật Bản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 9 năm 2016, tại miền Đông Ấn Độ đã có 16 trẻ em tử vong do viêm não Nhật Bản. Qua đó báo hiệu những diễn biến bất thường của virus viêm não Nhật Bản.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh gây nên do vi rut VNNB, lây truyền qua muỗi đốt.
Sở dĩ bệnh được gọi là viêm não Nhật Bản bởi năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên bệnh là một loài vi rút từ đó đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản. Sau đó 3 năm, năm 1938 cũng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus (Cu-lếc tri-tê-nio-rin-cút) và tìm ra vai trò vật chủ và ổ chứa chính của vi rút VNNB là loài lợn và chim.
Ở Việt Nam, bệnh VNNB được ghi nhận đầu tiên vào năm 1952. Năm 1959 dịch Viêm não mùa hè được xác định là do vi rút VNNB bằng chẩn đoán huyết thanh học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội. Năm 1964, lần đầu tiên vi rút VNNB được phân lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội, có ký hiệu HN-60.
Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng lúa nước hoặc vùng bán sơn địa.
Bệnh VNNB lưu hành tản phát theo mùa, thường từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa ở Miền Bắc, đỉnh cao vào các tháng 6, 7 hàng năm, bởi vậy đây là thời điểm dịch bệnh viêm não Nhật Bản hoành hành, các gia đình có con nhỏ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em mình.
Các biểu hiện của bệnh
Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt và thường là sốt rất cao (39-40 độ) kèm theo rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê rồi đau đầu, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước.
Báo động tình trạng trẻ em tử vong do viêm não Nhật Bản
Theo số liệu thống kê của ngành y tế Ấn Độ, trong 8 tháng đầu năm 2016 , trên lãnh thổ Ấn Độ ghi nhận khoảng 682 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 180 người thiệt mạng. Đặc biệt trong tháng 9/2016, chỉ trong 18 ngày tại bang Odisa, miền Đông Ấn Độ, đã ghi nhận 16 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do viêm não Nhật Bản từ ngày 9 – 27/9
Thông thường, bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát vào thời điểm mùa mưa. Nguyên nhân gây bệnh thường do thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm; bị muỗi hoặc côn trùng cắn; lây nhiễm từ hơi thở chứa nước bọt của người bệnh. Tuy nhiên, diễn biến bệnh năm nay phức tạp, tỷ lệ trẻ em tử vong do viêm não Nhật Bản, đặc biệt là trẻ sơ sinh tăng đột biến nên giới chức y tế địa phương khuyến cáo, người dân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện khi phát hiện các triệu chứng viêm não Nhật Bản để tránh những hậu quả đau lòng sẽ xảy ra.