Trên thực tế, thèm đường là một thói quen hết sức tự nhiên mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng sở hữu. Tuy nhiên, khác với các thực phẩm giàu đường một cách tự nhiên như trái cây, đường chứa trong các sản phẩm bánh kẹo lại dồi dào một cách không cần thiết. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng thừa đường trong cơ thể và khuếch đại cảm giác thèm ăn ở chúng ta, gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng…
Mục lục
Ảnh hưởng của đường đến cơ thể
Phá vỡ chức năng bình thường của não
Mặc dù chúng ta tiêu thụ đường để làm năng lượng hoạt động, nhưng quá nhiều đường có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của não. Ngoài ra, đường cũng làm tăng chứng lo âu và trầm cảm.
Gây béo phì và đái tháo đường
Nếu bạn còn trẻ và thường xuyên tập thể dục, bạn có thể đốt cháy hết lượng đường tiêu thụ. Nhưng nếu bạn lười vận động, cơ thể sẽ phản ứng với lượng đường trong máu cao bằng cách giải phóng nhiều insulin hơn. Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp tế bào chuyển hóa đường thành năng lượng vật lý. Khi lượng đường trong máu nhiều đến mức dư thừa, insulin sẽ tìm cách lưu trữ năng lượng. Nếu cơ bắp đã có đủ năng lượng, lượng đường dư thừa này sẽ được lưu trữ trong các tế bào chất béo.
Nồng insulin tăng vọt (tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn đồ ngọt) thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin trong cơ thể. Chất béo tiếp tục được tích trữ nếu thừa đường và tình trạng kháng insulin sẽ trở nên trầm trọng hơn, kết cục của vòng lặp này là bệnh tiểu đường.
Gây lão hóa nhanh
Ăn quá nhiều đường sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng cao. Hệ quả của những tác động này là khiến tình trạng viêm nhiễm tăng lên, cơ thể thiếu hụt khoáng chất và mất đi sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, cụ thể là các vi khuẩn có hại tăng cao, lấn át lợi khuẩn.
Làm thế nào để chế ngự cơn thèm đường?
Ăn một lượng vừa phải
Miễn là bạn có thể tự kiểm soát và giới hạn sự thèm muốn của bản thân thì ăn một chút đồ ngọt như bánh quy hoặc một thanh kẹo nhỏ cũng không ảnh hưởng gì nhiều cả. Điều đó sẽ khiến bạn cởi bỏ cảm giác bị trói buộc bởi chế độ ăn kiêng và cảm thấy vui vẻ hơn đấy. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, luôn giới hạn ở mức 150 calo để giữ mình thật khỏe mạnh nhé!
Chế độ ăn điều độ
Khi đói, bạn sẽ thấy đường và chất béo hấp dẫn hơn nhiều và thật khó khăn để chống lại chúng. Chính vì vậy, nếu bạn không ăn uống một cách điều độ, bạn sẽ thấy thực sự khó khăn để kiềm chế đồ ngọt. Bạn có thể cải thiện điều này bằng cách chia nhỏ các bữa ăn với thời gian gần nhau (chẳng hạn như cách mỗi 3-5 giờ) để giữ lượng đường trong máu ổn định.
Sử dụng gia vị tự nhiên
Các loại gia vị tự nhiên như mùi, quế, đinh hương có tác dụng làm ngọt thực phẩm một cách tự nhiên mà không cần thêm bất kỳ chất làm ngọt nào, nhờ đó giúp giảm cảm giác thèm ngọt.
Đánh lạc hướng
Cảm giác thèm ngọt thường chỉ kéo dài trong khoảng 20 phút thôi bạn nhé! Khi cảm giác này ập đến, hãy nhanh chóng đánh lạc hướng nó bằng cách tập trung vào một việc gì đó để cơn thèm nhanh chóng đi qua.
Nghỉ ngơi hợp lý
Mệt mỏi thường khiến cơ thể muốn nạp thật nhanh năng lượng để chống kiệt sức. Và trong tình huống này, nhiều người đã nghĩ tới những món ăn ngọt. Để xóa xổ thói quen này, nên có một lối sống điều độ, ngủ đủ giấc và tăng cường vận động.
An Nguyên – Benh.vn