Lâu nay, người dân đã trở nên quen thuộc với cụm từ “vỡ nợ”. Nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ có rất nhiều lý do: đầu tư kinh doanh, vay và cho vay nặng lãi, phá sản doanh nghiệp, buôn bán cổ phiếu, cờ bạc, lô đề…Hệ lụy từ vấn đề này đã len lỏi vào từng gia đình, cá nhân, tác động trực tiếp vào nền kinh tế và gieo rắc những hậu hoạ khôn lường cho xã hội.
Mục lục
Tín dụng đen là nguyên nhân gây nên vỡ nợ (Ảnh minh họa)
Các con nợ khi vướng vào vòng lao lý và bị áp lực phải thanh toán khiến tinh thần lo âu, sức khỏe giảm sút, nhiều trường hợp tâm lý hoảng loạn đã phát điên, một số khác tìm đến cái chết để giải thoát. Gia đình “khuynh gia bại sản”, cha, mẹ, vợ, con, anh chị em họ phải sống trong cảnh khổ sở khốn cùng khi phải giải quyết những rắc rối do vỡ nợ gây nên.
Đây cũng là những nguyên nhân khiến số bệnh nhân tâm thần và tự tử vì vỡ nợ ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Trường hợp chị Đ.Đ.M ở Thái Phiên, Hà Nội là một điển hình
Cuối năm 2012 nghe một số đối tượng rủ rê mách mối cho vay lãi, vì ham lợi, chị M đã đi vay rồi cho vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Thời gian đầu họ trả đúng hạn, nhưng sau 4 tháng các con nợ “biến mất” khiến chị trở thành con nợ mới với số tiền hơn một tỷ đồng.
Bị sốc khi phải gánh số tiền mà cả đời cũng không mơ tới, chị liên tục bị ngất và đi cấp cứu. Lo lắng khi bị các chủ nợ thúc ép, số nợ chưa có cách nào trả khiến chị mất ăn mất ngủ dẫn đến tình trạng cơ thể bị suy kiệt, 2 tháng sút 8 kg “thân tàn ma dại” khiến ai nhìn cũng phải chạnh lòng. Vì bức bách, 2 lần chị đã treo cổ tự tử nhưng cả 2 lần, gia đình đều kịp thời phát hiện và cứu sống.
Trên trang tuvanonline đưa tin: “ Ngày 5/12/2012 người giúp việc cho gia đình ông Lê Văn Vũ (SN 1970) phát hiện ông V. đã treo cổ tự vẫn ngay tại nhà riêng ở đường Hùng Vương, TT Đăk Hà, TP Kon Tum. Ông Vũ là chồng bà Trịnh Thị Ánh Ngọc, người đang bị cơ quan chức năng làm rõ nghi án liên quan đến việc vỡ nợ tín dụng đen”
Tìm cái chết để giải thoát khi không còn khả năng thanh toán (Ảnh minh họa)
Trên báo nguoiduatin ngày 5/5/2013 có viết “Anh Đoàn Ngọc S. (33 tuổi, trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã ra đường ray xe lửa tự sát vì không có tiền trả nợ. Nhiều người chứng kiến sự việc kể lại, trên bàn tay còn nguyên vẹn vắt lại bên đường ray xe lửa của anh S. còn nắm chặt giấy tờ vay nợ, giấy cầm đồ…
Trước đó, Ngày 23/6/2012, người dân sống ở khu vực đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) một phen hoảng hốt khi thấy một người đàn ông ngồi giữa đường bốc cháy ngùn ngụt. Sự việc xảy ra khiến người đàn ông này thiệt mạng ngay sau đó. Qua điều tra, cơ quan công an kết luận người đàn ông quẫn trí do gánh nợ từ cá độ bóng đá mùa Euro 2012, nên đã tự kết liễu cuộc đời để thoát nợ.”
Báo Vietnamnet ngày 14/4/2013, trong bài phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng điều trị Tâm thần phân liệt, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết “Trong vài tháng trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị vì sang chấn tâm lý do phá sản, vỡ nợ ngày một tăng… Có những bệnh nhân vào khoa điều trị sức khỏe tâm thần rồi mà chủ nợ còn vào theo để đòi nợ, khiến bệnh viện lúc nào cũng đông người.
Có trường hợp, trước sự đổ vỡ của bố mẹ, con cái họ đang tuổi lớn đã bị sốc, rồi bỏ nhà đi. Khi tìm được con, họ phải đưa con vào bệnh viện để điều trị tâm thần”
Từ thực trạng trên, Benh.vn đưa ra một số giải pháp giúp những người vỡ nợ ổn định tâm lý và sức khỏe, loại bỏ những suy nghĩ dại dột để làm lại cuộc đời.
1. Bình tĩnh
Khi tâm trạng hoảng loạn, con người chỉ biết khóc, đau khổ, than thân, trách phận vì sao mình lại ra nông nỗi này. Vô hình chung việc chính để tìm ra phương pháp giải quyết bạn không thực hiện được mà càng làm cho mọi việc rối rắm hơn. Vì vậy, bình tĩnh là yếu tố cực kỳ quan trọng để tháo gỡ và giải quyết dần các vấn đề đã xảy ra.
2. Chia sẻ với gia đình, người thân
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” câu tục ngữ này đúng trong mọi trường hợp (kể cả dùng sức và dùng trí).
Khi chia sẻ với mọi người trong gia đình, bạn có cơ hội giải tỏa những bế tắc và tìm ra phương án hay nhất từ ý kiến của tập thể để giải quyết sự việc. Chia sẻ với người thân ngoài việc giúp bạn nhẹ lòng hơn còn khiến vợ chồng, con cái, anh chị em … hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn.
3. Trung thực về số nợ hiện tại
Một điều rất lạ là những người vỡ nợ thường hay dấu những thông tin liên quan như: vay của ai? bao nhiêu tiền? số nợ hiện tại? hình thức thanh toán ra sao? ….
Chính điều này là rào cản khiến họ càng “chìm sâu” không lối thoát. Có trường hợp gia đình, anh em, họ hàng đã giúp một số tiền lớn để trả nợ, nhưng thực chất chỉ để trả “nợ đậy”. Sau một thời gian số nợ vẫn y nguyên, vấn đề chính không giải quyết được mà còn khiến mọi người mất niềm tin và xa lánh.
4. Lộ trình giải quyết các số nợ
Khi đã trung thực với chính bản thân và gia đình, mọi người sẽ cùng đưa ra những phương án khả thi nhất để giải quyết số nợ.
Thanh toán theo tháng, quý, năm….và những công việc phải làm để có số tiền đảm bảo khoảng thời gian giãn nợ.
5. Chăm sóc và dành tình yêu thương cho con
Trong lúc đầu óc bấn loạn vì tiền và các khoản nợ phải trả….chúng ta thường quên đi những giá trị tinh thần vô cùng quý giá. Đó là tình cảm vợ chồng, tình yêu thương, chăm sóc các con…
Những việc tưởng trừng như là đơn giản trong đời thường thì lại là vô cùng khó khăn vào lúc này: cho con ăn, dạy con học, đọc chuyện cho con nghe….và sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của trẻ sẽ là động lực giúp chúng ta vượt qua thử thách để sống và làm lại cuộc đời.
6. Chăm sóc sức khỏe bản thân
Khi tinh thần suy sụp trước những biến cố lớn của cuộc đời thì sức khỏe của bạn giảm sút một cách nghiêm trọng. Lo lắng, buồn rầu, không ăn, không ngủ khiến con người bạn suy kiệt … Các căn bệnh về hệ tiêu hóa, tiền đình, tim mạch……. bắt đầu tấn công mạnh. Lúc này chúng ta cần tỉnh táo để biết quý trọng bản thân và cho mình cơ hội làm lại cuộc đời
Vì vậy, bạn cần đảm bảo sức khỏe bằng một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất: ăn các loại thức ăn mềm và các loại rau củ quả nhiều chất xơ vừa đảm bảo tiêu hóa vừa dễ ăn hơn.
“Ăn để duy trì cuộc sống và làm lại cuộc đời” là phương châm để bạn vượt qua thử thách.
7. Không hủy hoại cuộc đời của mình
Cha mẹ sinh cho ta một hình hài với bao nhiêu vất vả, khó nhọc, mồ hôi và nước mắt. Nếu đã làm sai, bạn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra và trả giá cho sai lầm của mình.
Hủy hoại cuộc đời của mình, ngoài việc có lỗi với các chủ nợ, bạn còn có lỗi với cha mẹ đã sinh thành ra bạn và có lỗi với các con của mình.
8. Ra cơ quan công an trình báo
Nếu số nợ quá lớn, không có cách gì giải quyết được thì bạn nên nói thẳng với gia đình, (chồng hoặc vợ) và các con để mọi người cùng biết và đón nhận sự thật này.
Giải pháp đến cơ quan trình báo và phải chịu án đôi khi cũng là giải pháp tốt để tránh sự truy sát của các con nợ. Mặt khác thời gian chịu án giúp bản thân bạn xám hối vì việc làm tội lỗi của mình đã gây nên.
Lời kết
Châm ngôn Việt Nam có câu “Quay đầu là bờ”; “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” để chỉ những người biết ăn năn, hối lỗi vì việc làm sai trái của mình.
Vì vậy, nếu không may rơi vào những trường hợp trên, chúng ta cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Gia đình và xã hội vẫn tạo điều kiện để bạn trở về với cuộc sống và làm lại cuộc đời.
ĐHA – Benh.vn