Bệnh lang ben(pityriasis versicolor) do loại nấm Malassezia furfur, còn gọi là nấm Pityrosporum ovale gây nên. Bình thường nấm Malassezia furfur sống hoại sinh trên da người, lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, giường chiếu…
Nấm gây bệnh khi có các điều kiện thuận lợi như đổ mồ hôi nhiều, xoa kem có chất béo trên da, tăng cortisone máu… Ngoài ra, bệnh còn có vai trò của yếu tố di truyền.
Ngoài bệnh lang ben thường hay gặp, loại nấm Malassezia furfur cũng có thể gây bệnh viêm nang lông (pityriasis folliculitis), viêm da tăng tiết bã (seborrhoeic dermatitis), gầu (dandruff); đôi khi chúng xâm nhập vào máu gây nên nhiễm nấm máu.
Bệnh lang ben thường gây tổn thương trên da chủ yếu ở vị trí 1/2 phía trên thân người như mặt, cổ, lưng, ngực…; hiếm gặp ở đùi chân và cẳng chân. Nấm ngăn cản sự hấp thu tia cực tím trong ánh sáng mặt trời nên càng ra nắng, phần da lành của người bệnh càng bị sẫm màu, nơi tổn thương càng nổi rõ.
Triệu chứng bệnh
Thương tổn thường không có triệu chứng, trừ một vài bệnh nhân có ngứa nhẹ. Thương tổn là những dát mịn có màu thẫm, màu hồng, màu trắng hoặc màu nâu, có kích thước 4 – 5 mm khu trú ở một vùng rộng, thoạt nhìn thương tổn như không có vảy, nhưng cạo thì sẽ có vảy. Thương tổn khu trú ở thân mình, cẳng tay, cổ, mặt và bẹn.
Xét nghiệm
Nhiều sợi nấm lớn và bào tử vách dày có chỗ (hình mì ống với thịt viên) có thể nhìn thấy được dưới kính hiển vi ở vật kính có độ phóng đại nhỏ, bệnh phẩm là vảy được làm rõ ra trong dung dịch KOH 10%. Nuôi cấy không có giá trị vì P. Ovale và P. Orbiculare đòi hỏi phải có điều kiện đặc biệt và chúng thường có mặt ở da của người bình thường.
Chẩn đoán phân biệt
Dát nhạt màu cần chẩn đoán phân biệt với bạch biến, dựa vào sự xuất hiện các thương tổn. Bạch biến thường khu trú ở vùng quanh hốc tự nhiên và đầu ngón tay. Đặc điểm của thương tổn bạch biến (chứ không có ở thương tổn lang ben) là sự mất sắc tố hoàn toàn, không còn tý sắc tố nào. Dát màu nâu và màu hồng ở ngực cần phân biệt với viêm da tiết bã nhờn ở vùng vị trí bằng kỹ thuật xét nghiệm KOH.
Điều trị và tiên lượng
Thuốc sử dụng bao gồm:
– Dung dịch selenium sulfit, có thể bôi hàng ngày từ cổ xuống đến vùng thắt lưng trong 5 – 15 phút liên tục trong 7 ngày; điều trị như vậy được nhắc lại hàng tuần trong một tháng, rồi điều trị duy trì hàng tháng.
– Shampoo ketoconazol cũng được điều trị duy trì hằng tuần.
– Cũng có thể dùng propylen glycol hoà trong nước với tỷ lệ 1:1, nếu kích thích da có thể hoà loãng thuốc bằng nước.
– Một thuốc khác cũng được chọn để dùng là acid salicylic 3% trong cồn và dung dịch Tinver (có chứa sodium thiosulfat). Bệnh nhân thường phàn nàn về sự kích thích da và mùi hôi của những loại thuốc này. Tái phát hay gặp.
– Xà phòng hoặc shampoo acid sulfursalicylic (Sebulex) dùng một cách liên tục có thể có tác dụng.
– Ketoconazol, 200mg/ngày, uống trong 1 tuần hoặc 400mg liều duy nhất, kết quả điều trị khỏi trong thời gian ngắn là 90% trường hợp. Nếu không điều trị duy trì thì bệnh sẽ tái phát sau 2 năm vào khoảng 80% các trường hợp đã được chữa khỏi. Nên hướng dẫn cho bệnh nhân không được tắm trong vòng 12 – 18 giờ sau khi uống ketoconazol, vì thuốc được bài tiết ra tuyến mồ hôi ở da.
– Thuốc bôi mới imidazol dạng kem, dung dịch, và dịch treo có tác dụng rất tốt đối với thương tổn khu trú nhưng quá đắt nếu dùng cho vùng rộng lớn như ngực và lưng.
Nhân viên y tế cũng cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rằng sự nổi gờ lên và có vảy của dát sẽ được điều trị khỏi, còn sự thay đổi màu sắc ở các thương tổn có thể kéo dài hằng tháng để trở lại bình thường.
Benh.vn