Từ trước đến nay, khi nó đến bệnh tiểu đường là người ta nghĩ đến là người cao tuổi, gầy yếu hoặc béo. Thực tế có rất nhiều trẻ em đã “dính” phải căn bệnh nguy hiểm này. Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân bệnh tiểu đường đang có dấu hiệu gia tăng.
Tiểu đường lan nhanh sang người trẻ
Theo PGS.TS Đỗ Trung Quân, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Bạch Mai)
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho bệnh nhi 8 tuổi mắc tiểu đường tuýp 2. Bệnh nhân đặc biệt này cao tới 1m48 và nặng 58kg. PGS.TS Đỗ Trung Quân, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chỉ số đường huyết trước khi ăn của bệnh nhân này lên tới 13 mmol/l, cao hơn gấp đôi so với chỉ số bình thường.
Gia đình bệnh nhân thuộc diện khá giả nên chăm con ăn uống quá mức, dẫn đến cân nặng tăng nhanh. Đây là trường hợp mắc bệnh tiểu đường nhỏ tuổi nhất tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân đã được áp dụng chế độ giảm cân và dinh dưỡng hợp lý nên đã giảm được 4kg, lượng đường huyết về chỉ số bình thường.
Tỷ lệ bệnh tiểu đường ở Việt Nam năm 2013 ở mức 5,7% và số lượng bệnh nhân đang có chiều hướng tăng gấp đôi vào năm 2030.
PGS.TS Đỗ Trung Quân cho biết, phần lớn các trường hợp trẻ em mắc tiểu đường đều liên quan đến béo phì. Nguyên nhân sâu xa chính là cha mẹ cho trẻ ăn uống không hợp lý, ăn nhiều chất béo, ít vận động dẫn tới béo phì. Có nhiều trường hợp phát hiện tiểu đường ngay từ giai đoạn sơ sinh (0,3%) hoặc trẻ dưới 2 tuổi (8%). Khi bị bệnh này, trẻ em thường gầy mòn dù ăn uống được, tiểu nhiều, nếu bị nặng sẽ xuất hiện rối loạn tri giác, suy hô hấp, hôn mê, co giật, nhiễm trùng…
Theo Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai)
Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, ăn vặt, ăn ngọt không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tiểu đường, mà chỉ làm gia tăng nguy cơ tiểu đường thông qua béo phì. Vì vậy, cần có kế hoạch kiểm soát cân nặng, không để trẻ tăng cân quá nhanh.
Lối sống không hợp lý
Theo PGS.TS Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư
Hiện tiểu đường không còn được coi là bệnh của nhà giàu nhưng bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. PGS.TS Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, tỷ lệ người từ 20-30 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng. Nguyên nhân chế độ dinh dưỡng không hợp lý nhưng cường độ vận động không nhiều, chủ yếu là ngồi và phụ thuộc nhiều vào máy tính, điện thoại, tivi.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trương Viện Dinh dưỡng quốc gia
TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trương Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm, tỷ lệ trẻ em béo phì trong những năm gần đây đang tăng mạnh, đặc biệt ở các thành phố, đô thị lớn cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ những người mắc hội chứng chuyển hóa, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu nguy cơ bị tiền đái tháo đường rất cao.
Biến chứng của tiểu đường không khác nhau giữa người trẻ và người lớn tuổi. Tuy nhiên, với trẻ em thường chỉ thấy xuất hiện biến chứng ở trẻ lớn (trên 10 tuổi) do tiểu đường đã tiến triển nhiều năm.
Lời kết
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh tiểu đường có thể phòng chống được, bằng cách thăm khám, sàng lọc phát hiện sớm để có hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt, cần duy trì chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý cùng với đó là vận động thể lực đều đặn, mỗi ngày chỉ cần dành 30-60 phút để luyện thể dục thể thao.
Benh.vn (Theo TPO)