Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (RLCXLC) là một rối loạn cảm xúc mạn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hay đi kèm với các giai đoạn trầm cảm.
Mục lục
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực gặp với tỷ lệ 1,5% – 2,5% dân số, thường khởi phát ở tuổi trẻ (20- 30 tuổi). Có khoảng 50% bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm đơn cực. Sự chậm trễ từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi được chẩn đoán và điều trị đúng thường từ 8 đến 10 năm.
Các biểu hiện lâm sàng rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực có biểu hiện lâm sàng tương đối phức tạp tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Chính vì vậy cần nắm rõ chi tiết giai đoạn bệnh và theo dõi trong 1 thời gian để có các kết luận chính xác.
Giai đoạn hưng cảm
Một thời kỳ rõ rệt với khí sắc tăng, với các biểu hiện:
– Tự đánh giá cao bản thân hay tự cao.
– Giảm nhu cầu ngủ.
– Nói nhiều hơn thường lệ hay bị thôi thúc phải nói.
– Tư duy phi tán hoặc cảm thấy các ý nghĩ xuất hiện dồn dập.
– Đãng trí.
– Gia tăng hoạt động có mục đích hay kích động tâm thần vận động.
– Bị lôi cuốn quá mức vào những hoạt động mang lại thích thú song lại có nhiều khả năng đề lại hậu quả đau khổ.
Các rối loạn khí sắc trên phải:
– Đủ nặng để gây ra suy giảm rõ rệt trong hoạt động nghề nghiệp hoặc các hoạt động xã hội thường ngày hoặc các mối quan hệ với những người khac.
– Cần phải nhập viện để ngăn ngừa sự thiệt hại cho bản thân hay những người khác.
– Có các biểu hiện loạn thần.
Các triệu chứng không phải do tác động sinh lý trực tiếp của một chất hoặc một bệnh cơ thể.
Giai đoạn trầm cảm
– Khí sắc trầm cảm hầu như suốt ngày thể hiện qua lời khai của người bệnh hay qua sự quan sát của người khác.
– Giảm rõ sự quan tâm thích thú trong các hoạt động và gần như suốt ngày.
– Sụt cân đáng kể khi không ăn kiêng hoặc tăng cân.
– Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
– Kích động hoặc chậm chạp tâm thần vận động.
– Mệt mỏi hoặc mất sinh lực.
– Cảm gác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức hay không hợp lý.
– Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung hoặc thường do dự.
– Suy nghĩ về cái chết, ý tưởng muốn tự tử tái diễn nhiều lần (có hoặc không có một kế hoạch cụ thể cho việc tự tử).
– Các triệu chứng gây ra nỗi đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng, suy giảm rõ các hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
– Các triệu chứng không phải do tác động sinh lý trực tiếp của một chất hoặc một bệnh cơ thể.
– Các triệu chứng không phải là sự đau buồn do tang tóc.
Nguyên tắc chẩn đoán bệnh rối loạn cảm xúc
Để chẩn đoán rối loạn này cần có:
– Có đầy đủ các tiêu chẩn của một giai đoạn trầm cảm (F32) hoặc hưng cảm (F30).
– Phải có ít nhất một giai đoạn rối loạn cảm xúc khác trong quá khứ: nếu hiện tại là giai đoạn trầm cảm thì trong quá khứ phải có ít nhất một giai đoạn hưng cảm. Nếu hiện tại là giai đoạn hưng cảm thì trong quá khứ có một giai đoạn hưng cảm khác hoặc trầm cảm.
– Giữa 2 giai đoạn phải có thời gian hoàn toàn ổn định.
– Loại trừ các rối loạn tâm thần khác có trước: tâm thần phân liệt, phân liệt cảm xúc…(F20; F25).
– Loại trừ các nguyên nhân do tổn thương thực thể tại não hay bệnh cơ thể ảnh hưởng tới não (F0X), hay do sử dụng chất (F1X): rượu, amphetamin…
Điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Giai đoạn hưng cảm
* Đơn trị liệu: Trong trường hợp hưng cảm chỉ ở mức nhẹ đến trung bình
– Các thuốc chỉnh khí sắc: chọn một trong các thuốc sau
+ Valproate: depakin 200 – 600mg/ngày hoặc
+ Carbamazepine: 200 – 600mg/ngày
– Các thuốc chống loạn thần: chọn một trong các thuốc sau
+ Olanzapine: 20- 30mg/ngày
+ Chlorpromazine: 200- 400mg/ngày
+ Haloperidone: 10- 20mg/ngày
+ Risperidone: 2- 6mg/ngày
+ Amisulpride: 400- 800mg/ngày
* Đa trị liệu: Trong trường hợp hưng cảm mức độ nặng hoặc có biểu hiện loạn thần.
Có thể phối hợp thuốc chống co giật (valproate,carbamazepam) với thuốc chống loạn thần.
Giai đoạn trầm cảm
Có thể phối hợp thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần không điển hình với thuốc chống trầm cảm.
* Điều trị cụ thể: chọn một trong các thuốc sau
– Lamotrigine: 200- 400mg/ngày
– Valproate: depakin 200- 400mg/ngày
– Carbamazepine: 200- 400mg/ngày
Phối hợp với các thuốc chống loạn thần:
– Quetiapine: 100- 300mg/ngày hoặc
– Olanzapine: 10- 30mh/ngày
Phối hợp với các thuốc chống trầm cảm:
– Amitriptylin: 50- 100mg/ngày
– Sertaline: 50- 100mg/ngày
– Mirtazapine: 30- 60mg/ngày
Trong trường hợp trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát mãnh liệt hoặc không đáp ứng trị liệu, cần nhập viện điều trị nội trú và sử dụng liệu pháp sốc điện kết hợp sẽ cho kết quả tốt..
Phòng bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần điều trị dự phòng tái cơn (đặc biệt là những cơn hư¬ng cảm) bằng thuốc ổn định cảm xúc carbamazepin hoặc valproat. Khuyến cáo thời gian điều trị từ 6 tháng đến 2 năm.
Cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, công tác, nghỉ ngơi của người bệnh, đặc biệt tránh căng thẳng về cảm xúc.
Phát hiện và điều trị sớm ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên: rối loạn giấc ngủ, tăng hoạt động, tăng nhu cầu giao tiếp, tăng sức mạnh và nghị lực rõ rệt so với trạng thái thông thường.
Giáo dục cho gia đình và bệnh nhân hiểu biết, quan tâm về tầm quan trọng của điều trị thuốc lâu dài rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai