Bệnh tâm thần phân liệt – Nguyên nhân , chẩn đoán, điều trị, tiên lượng và phòng bệnh.
Mục lục
Bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một bệnh loạn thần nặng, có khuynh hướng mạn tính và hay tái phát. Tâm thần phân liệt có đặc điểm là người bệnh có những suy nghĩ, hành vi kỳ dị, khó hiểu; người bệnh dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu vào thế giới bên trong; tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng làm việc học tập ngày một sút kém; Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt là 1% dân số. Bệnh thường phát sinh ở lứa tuổi trẻ (18 – 35 tuổi), hai giới bị bệnh gần như bằng nhau.
Nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt hiện vẫn chưa được xác định và được cho là do nhiều yếu tố gây nên. Hiện nay, hai lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều nhất đó là bất thường về gen và những bất thường về chất dẫn truyền thần kinh.
Nhiều nghiên cứu cho tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở những người thuộc thế hệ thứ 1 (có bố, mẹ, anh chị em ruột bị TTFL) xấp xỉ 10% so với 1% ở dân số nói chung. Nghiên cứu về những cặp sinh đôi cho thấy nếu một người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh người còn lại ở cặp sinh đôi cùng trứng là 50%.. Một số nghiên cứu chứng minh rối loạn ở hệ thống dopamine trong giai đoạn bệnh cấp tính của bệnh tâm thần phân liệt.
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt
Các nhóm triệu chứng theo ICD-10
– Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị áp đặt hay bị đánh cắp và tư duy bị phát thanh.
– Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối hay bị động, có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hay các chi hoặc có liên quan với những ý nghĩ, hành vi hay cảm giác đặc biệt; tri giác hoang tưởng.
– Các ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của bệnh nhân hay thảo luận với nhau về bệnh nhân hoặc các loại ảo thanh khác xuất phát từ một bộ phận nào đó của thân thể.
– Các loại hoang tưởng dai dẳng khác không thích hợp về mặt văn hoá và hoàn toàn không thể có được như tính đồng nhất về tôn giáo hay chính trị hoặc những khả năng và quyền lực siêu nhân (thí dụ: có khả năng điều khiển thời tiết, hoặc đang tiếp xúc với nhưng người của thế giới khác).
– Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào, có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh, không có nội dung cảm xúc rõ ràng hoặc kèm theo ý tưởng quá dai dẳng hoặc xuất hiện hàng ngày trong nhiều tuần hay nhiều tháng.
– Tư duy gián đoạn hay thêm từ khi nói, đưa đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp hay ngôn ngữ bịa đặt.
– Tác phong căng trương lực như : kích động, giữ nguyên dáng hay uốn sáp, phủ định, không nói, hay sững sờ…
– Các triệu chứng âm tính như vô cảm rõ rệt, ngôn ngữ nghèo nàn, các đáp ứng cảm xúc cùn mòn hay không thích hợp thường đưa đến cách ly xã hội; phải rõ ràng là các triệu chứng trên không do trầm cảm hay do tác dụng của thuốc tác động tâm thần.
– Biến đổi thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân biểu hiện như mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhác, thái độ mê mải suy nghĩ về bản thân và cách ly xã hội.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt theo ICD-10
Hiện nay, chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt vẫn dựa vào triệu chứng lâm sàng là chính, chưa có một xét nghiệm cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán xác định bệnh . Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt của Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10:
– Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ít nhất phải có một triệu chứng rất rõ (nếu ít rõ phải có hai triệu chứng hay nhiều hơn nữa) thuộc vào một trong các nhóm liệt kê từ (a) đến (d) hoặc các triệu chứng thuộc vào ít nhất là hai trong các nhóm liệt kê từ (e) đến (h).
– Các triệu chứng trên phải tồn tại rõ ràng trong phần lớn khoảng thời gian 1 tháng hay lâu hơn.
– Không được chẩn đoán là tâm thần phân liệt nếu có các triệu chứng trầm cảm hay hưng cảm mở rộng trừ khi đã rõ là các triệu chứng phân liệt xuất hiện trước các rối loạn cảm xúc.
– Không chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi có bệnh não rõ rệt hoặc bệnh nhân đang ở trong trạng thái nhiễm độc ma tuý.
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên tắc chung
1) Khám xét toàn diện dựa trên tiếp cận sinh học- tâm lý- xã hội. Thầy thuốc và các nhà tâm lý lâm sàng ,cán sự xã hội cần kết hợp để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.
2 ) Kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân để giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị, đánh giá kết quả điều trị và phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát.
3) Điều trị bệnh tâm thần phân liệt cần theo 2 giai đoạn:
– Giai đoạn cấp tính: điều trị làm giảm đến mức tối thiểu các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân cần điều trị nội trú tại bệnh viện để có điều kiện đánh giá, chẩn đoán chính xác, chọn thuốc và liều thuốc, điều trị tấn công (liều cao, tiêm), hay sử dụng các biện pháp điều trị tích cực khác và theo dõi tác dụng phụ.
– Giai đoạn duy trì: cho thuốc liều thấp để điều trị duy trì phòng ngừa tái phát.
Điều trị cụ thể
Giai đoạn cấp tính (tốt nhất điều trị nội trú trong bệnh viện) có thể kéo dài tù 4 – 8 tuần với mục tiêu làm giảm các triệu chứng loạn thần nặng. Tuỳ theo tình trạng bệnh để chọn thuốc, liều và đường dùng cho phù hợp, thường dùng đường uống là phổ biến. Thường chọn một trong các thuốc sau:
– Thuốc an thần kinh điển hình
+ Clorpromazine (Aminazin, largactil…) liều trung bình 100-200mg/ngày.
+ Haloperidol (Haldol…) liều trung bình 5-15mg/ngày.
+ Levomepromazine (Tisercine…) liều trung bình 100-200mg/ngày.
– Thuốc chống loạn thần không điển hình
+ Zyprexa (Olanzapin), liều trung bình 10 -20mg/ngày.
+ Risperidone: liều dùng trung bình 2-4mg/ngày.
+ Amisulpride (Solian) liều trung bình 100 – 400mg/ngày.
+ Quetiapne (Seroquel), liều trung bình 100 -600mg/ngày.
Chú ý: Bệnh nhân kích động, có ý tưởng và hành vi tự sát, không chịu uống thuốc thì dùng đường tiêm.
Giai đoạn duy trì (điều trị tại nhà) có thể kéo dài nhiều năm, nhằm phòng tái phát và giúp bệnh nhân tái hoà nhập cộng đồng. Liều thuốc duy trì là liều thuốc thấp nhất có hiệu quả (thường bằng khoảng 20% liều giai đoạn cấp tính).
Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc an thần kinh có một số tác dụng phụ làm bệnh nhân khó chịu và ảnh hưởng tới sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân:
– Loạn trương lực cơ cấp (vẹo cổ, lè lưỡi, nuốt khó…); hội chứng giống Parkinson (nét mặt đờ đẫn, đi chậm chạp, run…); đứng ngồi không yên; loạn động muộn.
– Hội chứng an thần kinh ác tính: Sốt, cứng cơ, tim đập nhanh, bất thường về huyết áp, thở nhanh, suy giảm ý thức, ra mồ hôi nhiều, tăng bạch cầu, tăng tỷ lệ creatinine phosphokinase. Đây là một tình trạng cấp cứu.
Điều trị tâm lý – xã hội
Liệu pháp tâm lý
– Giải thích cho gia đình nhận thức được bệnh, xác định cần điều trị duy trì lâu dài, giúp bệnh nhân yên tâm tin tưởng vào điều trị, tránh mặc cảm, kỳ thị. Uống thuốc đều và biết tác dụng phụ của thuốc.
– Các liệu pháp tâm lý gồm: Trị liệu gia đình; trị liệu nhóm; trị liệu cá nhân…
Liệu pháp lao động và phục hồi chức năng
Hướng dẫn người bệnh tham gia các lao động đơn giản, vệ sinh cá nhân, các chức năng sinh hoạt, giao tiếp xã hội, lao động nghề nghiệp giúp phục hồi chức năng đã mất, dần đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống và hoà nhập với cộng đồng.
Tiên lượng bệnh tâm thần phân liệt
Sau khoảng 5-10 năm sau lần nhập viện đầu tiên, chỉ có khoảng 10 – 20% bệnh nhân được xem là có kết quả tốt, trên 50% phải tái nhập viện nhiều lần do tăng nặng các triệu chứng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh tâm thần phân liệt.
Tiên lượng tốt
– Khởi phát muộn – Có yếu tố thuận lợi – Khởi phát cấp tính – Quan hệ xã hội trước khi trị bệnh tốt – Có các triệu chứng rối loạn khí sắc – Có vợ (hoặc chồng) – Có tiền sử gia đình về rối loạn khí sắc – Có hệ thống nâng đỡ tốt – Các triệu chứng dương tính – Đáp ứng điều trị tốt |
Tiên lượng xấu
– Khởi phát bệnh sớm – Không có yếu tố thuận lợi – Khởi phát âm thầm – Quan hệ xã hội trước khi bị bệnh khép kín – Có các biểu hiện tự kỷ, tự thu rút – Độc thân, ly dị, goá – Có tiền sử gia đình tâm thần phân liệt – Có hệ thống nâng đỡ kém – Các triệu chứng âm tính – Đáp ứng điều trị kém |
Phòng bệnh tâm thần phân liệt
Cần theo dõi những trẻ có nguy cơ cao (con cháu các bệnh nhân tâm thần phân liệt…) để phát hiện sớm và can thiệp sớm.
Cần tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về bệnh nay trong nhân dân để xoá các định kiến sai lầm, góp phần cùng thầy thuốc phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị tích cực.
Phối hợp gia đình, cộng đồng trong tái hoà nhập và phục hồi chức năng bệnh nhân ở cộng đồng, đặc biệt trong theo dõi, điều trị duy trì, phòng tái phát.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai