Ung thư buồng trứng (UTBT) là khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng. Đây là một ung thư phụ khoa hay gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Phụ nữ Bắc Mỹ và châu Âu có tỷ lệ mắc UTBT cao nhất, tỷ lệ mắc bệnh thấp ở châu Á.Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh là 5,9/100.000 dân.
Mục lục
Ung thư buồng trứng gồm hai loại chính có nhiều đặc điểm khác nhau: ung thư biểu mô buồng trứng và ung thư tế bào mầm. Ung thư biểu mô buồng trứng là loại hay gặp nhất (80 – 90%), phần lớn gặp ở lứa tuổi hậu mãn kinh, tiên lượng xấu; ngược lại, ung thư tế bào mầm (chiếm 5 – 10%) thường gặp ở người trẻ, tiên lượng tốt.
Ung thư buồng trứng (ảnh minh họa)
Các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư buồng trứng
Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn sớm: mơ hồ, thầm lặng, không đặc hiệu.
Giai đoạn muộn: Các triệu chứng có thể gặp
- Cảm giác khó chịu, ậm ạch vùng bụng dưới, đau (ung thư tế bào mầm).
- Bụng chướng.
- Có thể sờ thấy khối ở ổ bụng.
- Chảy máu âm đạo.
- Các triệu chứng về ruột, tiết niệu (do u chèn ép, xâm lấn).
- Một số rất ít có các triệu chứng về nội tiết (u có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục).
Các xét nghiệm
Chẩn đoán hình ảnh
– Siêu âm ổ bụng: đánh giá mức độ xâm lấn cũng như phát hiện di căn ổ bụng, hạch sau phúc mạc, di căn gan. Siêu âm còn giúp chẩn đoán phân biệt với một số u khác như u mạc treo, u bàng quang…
– Siêu âm đầu dò âm đạo: đánh giá mức độ tổn thương rõ ràng hơn.
– Nội soi ổ bụng: đánh giá tình trạng tiểu khung, các túi cùng, các nhân di căn phúc mạc, bề mặt gan và qua đó tiến hành sinh thiết làm chẩn đoán mô bệnh học.
– Nội soi dạ dày và đại tràng: nếu có triệu chứng gợi ý di căn từ đường tiêu hoá.
– Chụp CT scaner, MRI: có giá trị chẩn đoán và đánh giá giai đoạn.
– Chụp phổi: vì UTBT rất hay di căn lên phổi.
– Chụp xạ hình SPECT, PET-CT: đánh giá tình trạng khối u cũng như phát hiện sớm, chính xác những di căn xa.
Xét nghiệm về tế bào, mô bệnh học
– Chọc hút dịch ổ bụng, dịch màng phổi, hạch nếu có để làm chẩn đoán tế bào.
– Mô bệnh học: được thực hiện qua sinh thiết, qua phẫu thuật: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định, phân loại týp mô học từ đó có hướng xử trí thích hợp.
Chỉ điểm u (Tumor marker)
– CA125: rất có giá trị trong định hướng chẩn đoán, đánh giá kết quả điều trị, theo dõi tái phát di căn (đối với ung thư biểu mô buồng trứng). Khoảng 85% ung thư biểu mô buồng trứng có CA125 tăng cao.
– βHCG, αFP để tìm ung thư tế bào mầm.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh với các yếu tố: môi trường, chế độ ăn, sinh sản, nội tiết, virus và di truyền trong đó yếu tố gia đình đã được xác nhận. Khoảng 7% UTBT mang tính chất gia đình. Những phụ nữ có mẹ và chị em gái bị UTBT có nguy cơ mắc tăng cao gấp 20 lần so với cộng đồng.
Chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ giảm nguy cơ mắc UTBT.
Tuổi cao cũng là yếu tố nguy cơ vì tỷ lệ mắc tăng dần theo số lần rụng trứng. Những nguời có thai trước 25 tuổi, mãn kinh sớm cũng liên quan đến giảm tỷ lệ mắc UTBT.
Liệu pháp hormon thay thế cũng không làm tăng nguy cơ mắc UTBT. Gần đây, một số nghiên cứu về gen cho thấy sự đột biến gen BRCA1 (nằm trên NST 17), gen p53 làm tăng nguy cơ UTBT.
Chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng
Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng
- Lâm sàng mang tính chất gợi ý.
- Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CT Scanner, MRI.
- CA125: không đặc hiệu, phải phối hợp với các phương pháp khác.
- Tế bào học: có giá trị chẩn đoán.
- Giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định cũng như phân loại týp mô học để có hướng điều trị thích hợp.
Chẩn đoán giai đoạn bệnh
Chẩn đoán giai đoạn theo UICC và FIGO (Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế). Có ý nghĩa quan trọng giúp tiên luợng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Tuỳ theo vị trí, kích thước, mức xâm lấn, di căn hạch, di căn xa mà phân giai đoạn theo UICC (từ T1-4, N0-1, Mo-1) và theo FIGO I-IV.
Chẩn đoán mô bệnh học
Theo WHO 2010:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: hay gặp nhất chiếm 80 -90%.
- Ung thư tế bào mầm: chiếm 5 – 10%, hay gặp ở người trẻ.
- U có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục.
- U có nguồn gốc trung mô: sarcom xơ, sarcom cơ trơn, sarcom mỡ, sarcom mạch, u lympho ác.
- Ung thư di căn đến buồng trứng: từ đường tiêu hoá (hội chứng Krukenberg), phổi,…
Điều trị bệnh ung thư buồng trứng
Nguyên tắc điều trị
– Điều trị UTBT phải dựa vào thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh và tình trạng chung của người bệnh.
– Điều trị đa mô thức: kết hợp phẫu thuật, hoá chất, xạ trị, miễn dịch phóng xạ.
Các phương pháp cụ thể
– Phẫu thuật: là phương pháp chủ yếu, bao gồm phẫu thuật chẩn đoán, phẫu thuật triệt căn và phẫu thuật giảm khối lượng u.
– Hoá chất: đóng vai trò ngày càng quan trọng nhất là từ khi có các loại thuốc mới góp phần cải thiện tiên lượng bệnh.
– Xạ trị: ít sử dụng trong UTBT, xạ trị cho những người bệnh không đáp ứng với hoá chất, hoặc điều trị vớt vát.
– Điều trị miễn dịch phóng xạ: HMFG2 hoặc HI7E2 đánh dấu 131I, Y-90.
Phòng bệnh
Không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu
- Giảm lượng mỡ trong chế độ ăn.
- Thức ăn giàu vitamin A và chất xơ.
- Tăng cường tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ.
- Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ UTBT vì làm giảm số lần phóng noãn.
- Khám sức khoẻ định kỳ đối với phụ nữ. Đặc biệt là các phụ nữ có mẹ, chị em gái mắc bệnh UTBT.
Những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư buồng trứng
Chụp PET/CT đánh giá chính xác mức độ, giai đoạn bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Các tác nhân hoá chất mới như: paclitaxel, docetaxel, gemcitabine, lipodoxorubicin.
Tiến bộ trong điều trị miễn dịch phóng xạ: sử dụng các kháng thể đơn dòng gắn đồng vị phóng xạ như Y-90, I131 những kháng thể đặc hiệu với khối u này mang phóng xạ đến tận các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai