Viêm nướu là tình trạng viêm nhưng chưa xuất hiện sự phá hủy mô. Nguyên nhân chính gây viêm nướu là do mảng bám răng, viêm nướu do mảng bám răng còn được gọi là viêm nướu do mảng bám.
Mục lục
Viêm nướu nếu được điều trị tốt sẽ làm đảo ngược quá trình viêm. Vậy, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và cách phòng chống bệnh viêm nướu là gì? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nha chu. Bệnh thường khiến cho phần nướu quanh chân răng đỏ và sưng. Bệnh cần được điều trị kịp thời trước khi tiến triển thành bệnh nha chu hay thậm chí mất răng. Nguyên nhân phổ biến nhất cho bệnh viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém. Giữ cho răng miệng sạch sẽ bằng cách chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa và kiểm tra răng miệng thường xuyên giúp ngăn chặn và đảo ngược quá trình bị bệnh viêm nướu.
Triệu chứng bệnh viêm nướu
Nướu khỏe thường có bề ngoài săn chắc và có màu hồng nhạt, bám chặt vào răng. Trái lại, nướu bị viêm sẽ có những biểu hiện như sau: Sưng, nướu có màu đỏ sậm, chảy máu chân răng khi chải hoặc khi dùng chỉ nha khoa, hơi thở có mùi, nướu bị tụt, nướu mềm, không còn săn chắc.
Nguyên nhân bệnh viêm nướu
Nguyên nhân phổ biến nhất cho bệnh viêm nướu là do vệ sinh răng miệng kém khiến cho các mảng bám hình thành trên răng gây viêm các mô nướu xung quanh. Dưới đây là con đường mà mảng bám gây viêm nướu:
- Đầu tiên, các mảng bám hình thành trên răng khi ăn đồ ăn có chứa nhiều đường và tinh bột, những loại đồ ăn này tương tác với vi khuẩn sống trong miệng và hình thành một lớp màng sinh học (mảng bám răng). Mảng bám răng không thể thấy bằng mắt và bám chặt vào răng. Cần phải loại bỏ mảng bám răng hằng ngày vì chúng hình thành lại rất nhanh chóng.
- Tiếp theo, mảng bám răng chuyển thành vôi răng (cao răng). Nếu mảng bám răng không được loại bỏ sẽ chuyển thành vôi răng. Vôi răng thường khó loại bỏ hơn mảng bám do có một lớp bảo vệ chắc chắn.
- Nướu bắt đầu viêm. Mảng bám và vôi răng nằm trên răng càng lâu, khiến cho nướu phần nướu quanh chân răng bị ảnh hưởng càng nhiều, cuối cùng dẫn đến viêm nướu. Lúc này, nướu bắt đầu sưng và dễ bị chảy máu hơn. Viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến viêm quanh răng hay thậm chí gây mất răng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu
Viêm nướu là tình trạng phổ biến, bất cứ ai cũng có thể bị viêm nướu. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu bao gồm: Vệ sinh răng miệng kém, hút hoặc nhai thuốc, tuổi tác (người già có nguy cơ bị viêm nướu cao hơn), khô miệng, chế độ ăn thiếu chất (đặc biệt là vitamin C), răng khấp khểnh hoặc răng giả không vừa, một số bệnh làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể như ung thư máu, HIV/AIDS hay điều trị ung thư, một số loại tuốc như phenytoin (Dilantin, Phenytek) để điều trị bệnh động kinh, một số loại thuốc chẹn kênh canxi để điều trị đau tức ngực, huyết áp cao, thay đổi hóc môn do mang thai, tới kỳ kinh nguyệt hoặc do sử dụng thuốc tránh thai, yếu tố di truyền, nhiễm một số loại nấm hoặc virus.
Biến chứng thường gặp khi bị viêm nướu
Viêm nướu nếu không được điều trị có thể tiến triển thành bệnh nha chu và đi sâu hơn vào các mô bên dưới hay xương gây viêm quanh răng. Đây là tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều và có thể dẫn đến mất răng vĩnh viễn.
Viêm nướu mãn tính thường được cho là kết quả của một số bệnh toàn thân như bệnh đường hô hấp, tiểu đường, bệnh động mạch vành, đột quỵ, viêm khớp dạng thấp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng loại vi khuẩn gây nên bệnh viêm quanh răng có thể đi vào máu qua mô nướu ảnh hưởng tới tim, phổi và các cơ quan khác trên cơ thể. Nhưng điều này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (NUG) là một dạng viêm nướu nặng thường gây đau, loét và chảy máu nướu. Viêm lợi loét hoại tử cấp thường hiếm gặp ở những nước phát triển, trái lại bệnh phổ biến ở những nước đang phát triển do những nơi này thường có chế độ dinh dưỡng và điều kiện sống kém hơn.
Cách phòng bệnh viêm nướu
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Điều này có nghĩa là chải răng trong ít nhất 2 phút, ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ và dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ ngày. Tuy nhiên, tốt nhất là nên chải răng sau mỗi bữa ăn. Dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng giúp loại bỏ bớt các phân tử thức ăn và vi khuẩn.
- Kiểm tra răng miệng định kỳ: Kiểm tra răng miệng định kỳ mỗi 6-12 tháng. Đối với những người có nguy cơ cao hơn, có các dấu hiệu như khô miệng hay sử dụng thuốc hoặc có thói quen hút thuốc lá cần đi kiểm tra thường xuyên hơn. Chụp X quang nha khoa có thể giúp xác định các thay đổi ở răng không thể phát hiện được bằng mắt thường.
- Thay đổi thói quen: Bắt đầu thói quen ăn uống lành mạnh và kiểm soát đường huyết (nếu là bệnh nhân tiểu đường) rất quan trọng trong việc duy trì răng miệng mạnh khỏe.
Chẩn đoán bệnh viêm nướu
Việc chẩn đoán bệnh viêm nướu được xác định bằng cách:
- Kiểm tra tiền sử mắc các bệnh về răng miệng và các bệnh khác
- Kiểm tra răng, nướu, miệng và lưỡi để xác định dấu hiệu mảng bám hoặc viêm
- Đo độ sâu của túi nướu ở rãnh nướu, phần nằm giữa nướu và răng bằng cách sử dụng cây đo túi nướu. Nướu khỏe thì độ sâu của túi nướu thường từ 1-3 mm. Túi nướu sâu hơn 4mm cho thấy dấu hiệu của bệnh nha chu.
- Chụp X quang nha khoa: Chụp X quang nha khoa giúp kiểm tra phần xương bị mất.
- Những kiểm tra khác: Nếu nguyên nhân viêm nướu không được xác định, bệnh nhân có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm để kiểm tra bệnh ẩn. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chuyển đến một bác sĩ chuyên bệnh nha chu.
Điều trị bệnh viêm nướu
Điều trị đúng cách giúp đảo ngược quá trình viêm nướu và ngăn viêm nướu tiến triển thành bệnh nha chu và mất răng. Điều này còn tốt hơn nếu kết hợp với thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ngừng hút thuốc lá.
Điều trị viêm nướu bao gồm các bước:
- Làm sạch răng miệng tại bệnh viện: Bác sĩ sẽ loại bỏ hết các mảng bám, vôi răng và vi khuẩn ra khỏi răng bệnh nhân bằng cách thiết bị chuyên dụng, quy trình này được gọi là làm sạch cao răng và chân răng (SRP).
- Chỉnh răng (nếu cần thiết): Răng không đều hoặc răng giả không vừa cọ vào nướu và khiến cho việc loại bỏ mảng bám răng khó hơn. Bệnh nhân có thể được yêu cầu chỉnh lại răng để khắc phục tình trạng này.
- Chăm sóc tại nhà: Sau khi điều trị, tình trạng răng miệng của bệnh nhân lúc này đã rất tốt, nhưng thói quen chăm sóc răng miệng cần được duy trì tại nhà và kết hợp với kiểm tra và làm sạch răng định kỳ tại bệnh viện.
Một số lưu ý khi bị bệnh viêm nướu
Dưới đây là một số lưu ý về việc chăm sóc răng miệng tại nhà, ngăn viêm nướu tái phát:
- Chải răng 2 lần/ ngày, lý tưởng nhất là sau mỗi bữa ăn
- Sử dụng bàn chải mềm và thay định kỳ 3-4 tháng/ lần
- Nên sử dụng bàn chải đánh răng điện, vì loại bàn chải này giúp loại bỏ mảng bám và vôi răng hiệu quả hơn
- Dùng chỉ nha khoa hằng ngày
- Dùng nước súc miệng giúp loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng
- Sử dụng tăm nha khoa để làm sạch kẽ răng
- Làm sạch răng định kỳ tại các phòng khám nha khoa hoặc bệnh viện (được thực hiện bởi các bác sỹ nha khoa)
- Không hút hoặc nhai thuốc
Theo Benh.vn