Để đảm bảo chính xác, giảm thiểu các biến chứng cho bệnh nhân trong phẫu thuật cột sống, vừa qua bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã sử dụng hệ thống máy chụp O-arm cung cấp hình ảnh không gian 3 chiều của cột sống, khớp, sọ não kết hợp với hệ thống định vị giúp xác định vị trí cần giải phẫu chính xác gần như tuyệt đối.
Khi phẫu thuât cột sống, hệ thống máy chụp O- arm hiện đại cung cấp hình ảnh không gian 3 chiều của cột sống, khớp, sọ não kết hợp với hệ thống định vị giúp xác định vị trí cần giải phẫu chính xác gần như tuyệt đối. Độ chính xác về vị trí bắt vít lên đến 93-100%; so với tỷ lệ 72-92% của phương pháp thông thường.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là bệnh viện đầu tiên đưa hệ thống chụp O-arm hiện đại vào hoạt động trong phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến cột sống. Kết quả, 3 bệnh nhân đầu tiên đã được mổ can thiệp cột sống với sự hỗ trợ của hệ thống máy hiện đại này.
Hệ thống chụp O-arm giúp xác định gần như chính xác vị trí cần giải phẫu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Hiện tại, các bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, chấn thương, dị tật… chiếm phổ biến. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau, không đi lại được mà chỉ có cách bò hoặc nằm bất động tại chỗ. Tuy nhiên nhiều người không dám phẫu thuật can thiệp vào cột sống vì sợ bị liệt.
Nói về sự khó khăn của các bác sĩ trong phẫu thuât cột sống, tiến sĩ Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ “Trong phẫu thuật cột sống chỉ sai số 1 mm thôi là vị trí cần can thiệp đã đi rất xa; lúc đó chiếc ốc vít nhằm can thiệp vào cột sống sẽ đi vào mạch máu và dây thần kinh, gây tai biến cho bệnh nhân. Tai biến nặng nhất là gây liệt, nhẹ thì mất máu”.
Không chỉ vậy, trong khi phẫu thuật, bác sĩ vừa phải đảm bảo tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu không bị tổn thương… vừa xử lý được các tổn thương do bệnh: tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo… Tuy nhiên, thiết bị cũ là hệ thống C-arm chỉ cho phép nhìn cột sống trên mặt phẳng một chiều nên phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít. Vì thế nó có thể gây tai biến nếu để ốc, vít, nẹp chọc vào tủy xương, mạch máu hoặc dây thần kinh.
Từ những phân tích trên, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, sau 30 ca phẫu thuật ứng dụng công nghệ mới này, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng quốc gia theo quy định xem xét và nghiệm thu kết quả ứng dụng công nghệ mới. Sau đó chính thức đưa vào áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện có bản quyền chuyển giao kỹ thuật và đăng ký về sở hữu trí tuệ.
Benh.vn (Theo vnexpress.net)