Từ ngày 22.01.2012, Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết hiện đã có 60/63 tỉnh và TP đã được HĐND phê duyệt giá viện phí mới, còn 3 tỉnh và thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh chưa được HĐND đồng ý áp dụng mức mới.
Theo đó, Sở Y tế thành phố Hà Nội sẽ thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế mới đến năm 2015. Vì thế, các bệnh viện ở thủ đô vẫn thu theo mức viện phí cũ.
Cụ thể các bệnh viện vẫn thực hiện mức cũ gồm: Xanh pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, Đa Khoa Sơn Tây, Trung tâm y tế dự phòng, Tâm thần Hà Nội, Đa khoa Đức Giang…
Khi điều chỉnh viện phí, BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người bệnh chỉ phải chi trả các khoản theo luật quy định (cùng chi trả 5% hoặc 20% tùy đối tượng) chứ không còn phải thanh toán các khoản thiếu hụt mà bệnh viện bị “lỗ” do bảo hiểm không thanh toán như trước khi điều chỉnh giá.
Vì vậy, người có thẻ BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi hơn. Giải thích điều này, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Hữu nghị (HN) Việt Đức cho biết: Ví dụ trước đây, khi thông tiểu với mức giá là 6 ngàn đồng/lần. Như vậy, bệnh nhân được bảo hiểm chi trả số tiền này nhưng thực tế, người bệnh sẽ phải trả tiền vật tư để thông tiểu bên ngoài.
Còn với khung giá mới, nói là tăng giá nhưng bản chất là đưa thêm vật tư vào danh mục viện phí. Từ đó, bảo hiểm phải trả cả tiền vật tư. Như vậy người bệnh được lợi, không phải mua thêm ngoài.
Tương tự, trước đây, khi thay băng, vết thương ngắn dài, người bệnh có bảo hiểm đều được bảo hiểm chi trả số tiền là 10 ngàn đồng. Nhưng vật tư thì lại phải mua ngoài.
Còn với giá viện phí mới, trong bảng giá mà Bộ Y tế duyệt đều rất chi tiết. Ví dụ, thay băng dưới 15cm, bệnh nhân được bảo hiểm chi trả 55 ngàn đồng, hơn 50cm và nhiễm trùng thì được chi trả 180 ngàn đồng.
Benh.vn tổng hợp theo vtc