Giờ đây, bạn đã có thể thường xuyên ăn món lẩu yêu thích mà không lo bị ngấy và béo nếu chú ý thực hiện theo một số gợi ý mà chúng tôi mang đến sau đây.
Thói quen ăn uống hàng ngày là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như vóc dáng cơ thể. Trong đó, lẩu được coi là món ăn khoái khẩu của hầu hết mọi người, đặc biệt là trong tiết trời lạnh giá của mùa đông. Thông thường, chúng ta không thể dùng món này thường xuyên bởi độ đạm, độ béo khá cao dẫn đến gây ngấy mà những thực phẩm bao gồm như thịt bò, thịt gà, hải sản… mang lại. Bên cạnh đó, vóc dáng mà bạn chăm sóc và giữ gìn bấy lâu cũng sẽ “phì” ra trông thấy.
Vậy làm thế nào để có thể ăn món này với tần suất nhiều hơn mà không lo ngấy, béo và ảnh hưởng đến sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài bí quyết sau.
Tốt nhất nên chọn nước lẩu thanh đạm hoặc nước sôi rồi cho gừng, hành, tôm và gia vị.
Lựa chọn thực phẩm
1. Nước dùng là nước sôi hoặc thanh đạm
Đa phần chúng ta đều ăn nước dùng được hầm từ xương, tuy nhiên không nên ăn những loại nước dùng có hàm lượng dầu mỡ cao hoặc chất điều vị đậm đặc, cay nồng… Tốt nhất nên chọn nước lẩu thanh đạm hoặc nước sôi rồi cho gừng, hành, tôm và gia vị. Loại nước lẩu này không có nhiệt lượng nên nếu bạn thích ăn cay thì có thể thêm một chút sa tế là được.
2. Ăn nhiều hạt sen
Hạt sen không chỉ chứa nhiều dưỡng chất phong phú mà còn là loại thuốc tốt để giúp cơ thể bổ sung thêm chất bổ. Khi ăn, chúng ta nên cho một lượng hạt sen thích hợp vào trong lẩu, không quá nhiều nhưng không quá ít. Thực phẩm này rất có lợi cho sức khoẻ, giúp chúng ta cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, cũng chú ý không nên bỏ tâm sen bởi nó có tác dụng giải trừ nhiệt trong cơ thể và giúp an thần.
Ăn nhiều đậu phụ khi ăn lẩu giúp phát huy được tác dụng giải khát, thanh nhiệt, giải độc của thạch cao.
3. Ăn nhiều đậu phụ
Đậu phụ là một sản phẩm từ đậu nành có chứa thạch cao. Nếu cho lượng đậu phụ thích hợp vào trong lẩu sẽ giúp bổ sung nhiều loại nguyên tố vi lượng, đồng thời phát huy được tác dụng giải khát, thanh nhiệt, giải độc của thạch cao.
4. Nguyên liệu thanh đạm
Nguyên liệu dùng để điều vị như tương ớt quá cay có kích thích rất lớn cho dạ dày, vì vậy khi ăn lẩu chúng ta nên dùng nguyên liệu thanh đạm như dầu mè, dầu tương để giảm khí nóng, tránh kích thích cho dạ dày.
5. Thêm gừng không gọt vỏ
Gừng tươi giúp điều vị, chống hàn lạnh cho nước lẩu. Vì vậy, khi nấu nên thêm một ít gừng tươi không gọt vỏ bởi vỏ gừng tính mát, có tác dụng sản nhiệt giải trừ nóng.
Gừng tươi giúp điều vị, chống hàn lạnh cho nước lẩu.
Ăn lẩu đúng cách
1. Ăn rau và tinh bột trước
Khi ăn lẩu, đa phần chúng ta đều ăn thực phẩm nhiều chất đạm và béo như thịt, hải sản… trước, ăn đến lửng bụng rồi mới ăn thực phẩm “hút mỡ” là rau. Kết quả là đã nạp phần lớn mỡ vào cơ thể. Chuyên gia khuyến cáo, đầu tiên nên ăn rau xanh và tinh bột, cuối cùng mới ăn đến thịt có dầu mỡ, đồng thời hãy giảm nhẹ lượng dung nạp của chất béo. Tốt nhất là nên ăn các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp như cá, tôm, thịt nạc hoặc thịt dê, cừu không mỡ…
2. Không nên ăn lẩu quá nóng
Do khoang miệng, đường thực quản, niêm mạc dạ dày thông thường chỉ có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 50-60℃ nên đồ ăn quá nóng sẽ tổn thương niêm mạc, gây viêm thực quản cấp tính và viêm dạ dày mãn tính. Khi lấy thức ăn từ nổi lẩu ra, tốt nhất nên cho vào bát, chờ nguội một chút rồi mới ăn.
3. Không nên ăn lẩu quá lâu
Việc ăn lẩu kéo dài trong vòng mấy tiếng đồng hồ sẽ làm tăng cao lượng cholesterol trong máu. Nếu ăn quá lâu có thể dẫn tới rối loạn đường tiêu hóa. Tốt nhất, khoảng 30 phút sau khi ăn là nên thay nước lẩu vì lúc đó thực phẩm đun lâu đã biến chất, sản sinh ra chất nitrit (chất gay ung thư) và những chất có hại khác. Các chất này sẽ càng tăng lớn nếu nồi nước lẩu được sử dụng hơn 60 phút.
Khoảng 30 phút sau khi ăn là nên thay nước lẩu vì lúc đó thực phẩm đun lâu đã biến chất, sinh ra chất gây ung thư.
Bên cạnh đó, không nên ngồi ăn lẩu quá lâu vì dạ dày sẽ phải làm việc liên tục bởi các loại dịch vị, dịch mật, dịch tụy phải tiết ra nhiều, liên tục, dễ sinh đau bụng, đi ngoài, viêm dạ dày, viêm lá lách mãn tính… Chỉ nên ăn bữa lẩu khoảng 2h trở lại và một tuần không nên ăn quá một lần.
4. Nhúng thực phẩm đúng cách
Thực phẩm cho nồi lẩu dù là rau hay thịt, cá, tim cật… thì điều quan trọng nhất là phải tươi ngon. Nếu nhúng thực ăn quá kỹ sẽ làm mất vị tươi ngon và chất dinh dưỡng vốn có. Nhúng quá tái cũng gây khó tiêu hóa, khó hấp thu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thực phẩm tươi sống và tái có thể chưa diệt được hết vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào nên dẽ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Vì vậy, nên nhúng thức ăn chín hẳn rồi hãy ăn. Riêng các loại rau xanh thì không nên nhúng quá lâu để bảo toàn chất xơ và khoáng chất có sẵn.
Bí quyết mách nhỏ
1. Giải quyết năng lượng dư thừa nhờ lúa mạch và vỏ cam
Khi ăn lẩu, chúng ta có xu hướng ăn quá nhiều thịt cùng một lúc dẫn đến cơ thể dễ rơi vào tình trạng thừa đạm và chất béo nên dễ bị đầy bụng, chướng hơi kèm theo đó là cân nặng gia tăng chóng mặt. Để giải quyết vấn đề này, hãy tìm đến một món đồ uống đơn giản: pha bột lúa mạch với nước ấm theo tỉ lệ 1:1, sau đó thả vỏ cam thái chỉ vào là xong. Tinh dầu có trong vỏ cam sẽ làm tăng quá trình tiết dịch vị dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột khiến lượng thức ăn chúng mình nạp vào được tiêu hóa nhanh và tốt hơn.
Sau bữa ăn, ăn một hộp sữa chua niêm mạc đường tiêu hóa của bạn sẽ được bảo vệ ngay lập tức.
2. Sữa chua cho món lẩu Thái cay nồng
Chỉ cần sau bữa ăn, chúng ta chịu kết thân với một hộp sữa chua là niêm mạc đường tiêu hóa của bạn sẽ được bảo vệ ngay lập tức. Ngoài ra, sữa chua còn giúp kích thích quá trình chuyển hóa năng lượng, giải phóng các chất đạm, protein khi ăn lẩu một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể quên đi nỗi lo tăng cân khi lỡ ăn… hơi nhiều.
3. Uống nước gừng sau món lẩu hải sản
Ăn lẩu hải sản quá nhiều khiến lượng đạm sẽ được đưa vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn. Vì vậy, sau bữa ăn ngon lành, hãy uống một cốc nước gừng với đường nâu. Nó sẽ giúp ấm bụng hơn và làm hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả cực kỳ.
4. Một vài khuyến cáo
Để dạ dày không phải làm việc quá tải, trước khi ăn lẩu nên uống nửa cốc nước hoa quả hoặc nước giải khát, rượu trắng, rượu nho, sữa chua… sau đó ăn rau và cuối cùng mới ăn thịt, cá, nội tạng… Nếu ăn lẩu hải sản thì nên chấm với mù tạt vì trong mù tạt có chứa dầu hạt cải cay rất hợp vị và không sợ bị lạnh hay đầy bụng.
Ngoài ra, những người bị viêm khoang miệng, có tiền sử viêm tuyến tụy hay đã từng phẫu thuật những bộ phận trên tốt nhất không nên ăn lẩu. Các bà bầu không nên ăn nhiều vì một số nghiên cứu y học cho thấy món lẩu nhúng không cẩn thận có thể dẫn đến các bệnh về ký sinh trùng như sán lá. Việc ăn lẩu quá nhiều cũng dễ làm tổn thương đến dạ dày và đường ruột.
An Nguyên – Benh.vn (Tổng hợp)