Bilirubin là sản phẩm thoái hóa của Heme, một thành phần trong Hemoglobin của hồng cầu, ở lưới nội mạc võng mô như gan, lách, tuỷ xương. Chỉ số này trong máu có thể có ích trong chẩn đoán bệnh lý liên quan tới máu, cơ quan tạo máu, bệnh gan mật, bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi…
Mục lục
Xét nghiệm Bilirubin máu rất cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau
Bilirubin ở điều kiện bình thường
Bilirubin toàn phần huyết thanh gồm Bilirubin gián tiếp (70%) và Bilirubin trực tiếp (30%), có thể viết như sau:
Bilirubin TP = Bilirubin GT + Bilirubin TT).
(<17,1 mmol/l) (<12 mmol/l) (< 5,1 mmol/l)
Bilirubin gián tiếp độc, không tan trong nước, nó liên kết với Albumin, hoặc a1-Globulin, là dạng vận chuyển của Bilirubin trong máu. Bilirubin trực tiếp còn gọi là Bilirubin liên hợp (liên hợp với acid Glucuronic), nó cho phản ứng Diazo nhanh, tan trong nước và qua được màng lọc cầu thận.
Chỉ số này tăng cao trong máu sẽ xâm nhập vào tổ chức và gây nên vàng da.
Bilirubin trong điều kiện bệnh lý
3 dạng vàng da bệnh lý tương ứng với 3 giai đoạn chuyển hóa của Bilirubin
Xét nghiệm Bilirubin toàn phần, Bilirubin trực tiếp có ý nghĩa chẩn đoán phân biệt một số bệnh vàng da. Bilirubin toàn phần tăng hơn 2 lần so với bình thường (> 42,75 mmol/l) gây nên vàng da trên lâm sàng.
Vàng da do tắc mật
Alkaline phosphatase huyết tương là tiêu chuẩn tốt nhất để đánh giá tắc mật. Nếu nó tăng hơn 5 lần bình thường thì hướng tới tắc nghẽn đường dẫn mật.
Bilirubin trực tiếp tăng rất cao trong máu, bilirubin TP cũng tăng, có bilirubin niệu.
Vàng da do tắc mật gặp trong tắc đường dẫn mật do sỏi, u đầu tụy, giun chui ống mật. Trong tắc đường mật ngoài gan, bilirubin có thể tăng dần đến tới mức 513 – 684 mmol/l (30 – 40 mg/dl).
Tăng bilirubin huyết thanh và alkaline phosphatase (ALP) có thể gặp trong tan máu. Ngược lại, bilirubin huyết tương bình thường nhưng tăng ALP gợi ý tắc nghẽn đường mật trong gan, hay bệnh chuyển hóa hoặc bệnh gan thâm nhiễm. Rối loạn chuyển hóa của gan gây tăng ALP huyết tương 1,5- 3 lần so với bình thường.
Vàng da do tan máu (hủy huyết)
Trẻ có thể bị vàng da do tan máu
Trong tan máu, bilirubin TP huyết tương hiếm khi tăng hơn 5 lần so với bình thường, trừ khi có kết hợp với bệnh lý của gan.
Trong lâm sàng có thể sử dụng tỷ lệ bilirubin TT/bilirubin TP để chẩn đoán phân biệt:
- < 20% gặp trong tình trạng huyết tán.
- 20 – 40% bệnh bên trong tế bào gan hơn là tắc nghẽn đường mật ngoài gan.
- 40 – 60% xảy ra ở cả trong và ngoài tế bào gan.
- > 50% tắc nghẽn ở bên ngoài gan hơn là bệnh ở trong tế bào gan.
Bilirubin GT tăng rất cao trong máu, bilirubin TP tăng có khi tới 30-40 lần, thậm chí có thể tới 80 lần so với bình thường. Bilirubin niệu âm tính (có urobilinogen niệu).
Vàng da do tan máu gặp trong vàng da hủy huyết ở trẻ sơ sinh (vàng da sinh lý), sốt rét ác tính, rắn độc cắn (hổ mang) do nọc rắn có nồng độ enzym phospholipase A quá cao biến đổi lecithin thành lysolecithin là một chất làm giảm độ bền của màng, nhất là màng hồng cầu gây tan máu, gây các rối loạn chuyển hóa, nặng có thể tử vong.
Vàng da do tổn thương gan
Trong viêm gan virut cấp (viêm gan truyền nhiễm điển hình) bilirubin tăng sớm và xuất hiện ở nước tiểu trước khi có vàng da; Có urobilinogen niệu.
Do gan tổn thương làm giảm chuyển hóa bilirubin thành bilirubin LH (TT) nên bilirubin TP tăng cao trong máu nhưng bilirubin TT giảm.
Trong suy gan, xơ gan nặng bilirubin LH giảm do chức năng gan giảm, làm giảm quá trình liên hợp bilirubin với acid glucuronic tạo bilirubin liên hợp ở gan.
Trong ung thư gan bilirubin TP huyết thanh tăng rất cao có thể từ 10 đến 20 lần so với bình thường (171- 342 mmol/l).
Xem thêm: Xét nghiệm sinh hóa Bilirubin trong máu