Thông tư số 30/2014/TT-BYT mới đây của Bộ Y tế quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục cho phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam, trừ hoạt động do Bộ Quốc phòng và một số hoạt động do Chữ thập đỏ tổ chức.
Các quy định mới theo thông tư này
– Các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo để được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế tương ứng với hình thức tổ chức quy định, có văn bản chứng minh có nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo. Biển hiệu của cơ sở phải ghi rõ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
– Các đoàn khám chữa bệnh nhân đạo trong nước khi hoạt động phải có giấy phép theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị y tế, thuốc men theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện đúng chuyên môn kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
– Các đoàn khám chữa bệnh nhân đạo nước ngoài, ngoài việc tuân thủ các quy định trên còn phải đáp ứng các điều kiện khác đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám chữa bệnh.
– Các cá nhân trong và ngoài nước thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện vật chất, nhân sự, trang thiết bị thuốc, phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định như trên.
Các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo để được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, tổ chức, cá nhân thực hiện phải gửi báo cáo kết quả hoạt động đến Bộ Y tế hoặc Sở Y tế hoặc Bộ, ngành cấp phép tổ chức hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo này.
Thông tư số số 30/2014/TT-BYT cũng quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cũng như hồ sơ, thủ tục cho phép cá nhân, đoàn trong nước và nước ngoài khám chữa bệnh nhân đạo. Theo đó thẩm quyền cấp giấy phép hoặc cho phép hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế hoặc lãnh đạo Bộ, ngành thuộc thẩm quyền quản lý chịu trách nhiệm.
Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014, thay thế cho Thông tư số 01/2002/TT-BYT ngày 6/2/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về tổ chức và hoạt của các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo. Cục quản lý khám chữa bệnh sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thông tư trên phạm vi toàn quốc.
Benh.vn (Theo SKĐS)