Trước việc liên tục phát hiện bệnh nhân bị viêm não mô cầu, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, viêm não mô cầu là bệnh cấp tính nên các triệu chứng, biểu hiện của bệnh rất đột ngột. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước bọt và các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Sau khi ủ bệnh 3 – 4 ngày, người bệnh sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, cổ cứng, mắt nhạy cảm với ánh sáng và có thể xuất huyết chấm hồng hoặc mụn nước.
Người bệnh cảm thấy mệt lử rất nhanh, có thể hôn mê, có mảng xuất huyết và sốc. Vì thế, ngay khi nghi ngờ người bệnh bị viêm não mô cầu, cần khẩn trương đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được điều trị sớm.
Não mô cầu là bệnh truyền nhiễm ít gặp. Tuy nhiên nếu xuất hiện ca bệnh thì bệnh có khả năng phát triển thành dịch vì dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi.
Bệnh có khả năng gây tử vong trong vòng 48 tiếng, với tỷ lệ tử vong rất cao nếu bị nhiễm khuẩn huyết mặc dù được dùng thuốc kháng sinh sớm. Ngược lại, nếu phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh nhạy cảm, tỷ lệ tử vong sẽ giảm chỉ còn khoảng 5% – 15%.
Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay sau khi biết thông tin về ca mắc não mô cầu đầu tiên ở miền Bắc (một bệnh nhân 21 tuổi, quê Nam Định) trước khi phát bệnh đã làm việc ở Hà Nội nên Trung tâm đã chủ động giám sát ca bệnh.
Theo ông Cảm, bệnh nhân này đang bán hàng tại quầy tạp hóa ở 141 Hồng Mai, Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) thì xin về quê ở Nam Định. 3 ngày sau đó có biểu hiện của bệnh não mô cầu. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh nhiệt đới Trung ương, đến chiều 16/1 bệnh nhân dần ổn định và có thể xuất viện trong tuần này.
Tại TP HCM trong tuần qua cũng đã phát hiện một số ca bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Hiện sức khỏe các bệnh nhân này đều ổn định.
Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành một số phương án phòng chống bệnh, điều tra dịch tễ. Đồng thời khuyến cáo người dân, khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng cần đi khám bệnh kịp thời, tránh tự ý dùng kháng sinh.
Cụ thể, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân và các trường hợp nghi ngờ. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, thu dung điều trị kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tử vong và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Benh.vn (Theo VGP)