Mùa hè nhiệt độ cao, thời tiết nóng bức (35 đến 39oC) khiến cho làn da mỏng manh, yếu ớt của trẻ bị nổi rôm, mụn… gây ngứa ngáy, khó chịu khiến trẻ khó ngủ, ít bú, thậm chí giảm cân… Để giảm thiểu tình trạng này, cha mẹ cần vận dụng các bài thuốc dân gian để điều trị, vừa mang lại hiệu quả cao, lại không có tác dụng phụ, giúp bảo vệ làn da cho trẻ.
Mục lục
Tại sao trẻ bị rôm sảy
Trẻ mọc rôm sảy trong điều kiện nào
- Thời tiết nắng nóng kéo dài làm giãn các mao mạch trên da, khiến mồ hôi toát ra nhiều hơn bình thường.
- Khi mồ hôi không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, khi bị bụi hay chất cặn bã bịt kín làm da nổi các nốt viêm.
- Các vi khuẩn xâm nhập (trong điểu kiện thời tiết cho phép), gây hiện tượng viêm da (hay rôm sảy)…
Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến trẻ mọc rôm sảy
Rôm sảy thường mọc ở vị trí nào
- Rôm sảy là các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ, gây ngứa.
- Rôm sảy mọc thành đừng đám và tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như: lưng, ngực, trán, cổ, nách, bẹn…
Những bài thuốc dân gian trị rôm sảy cho trẻ
Có nhiều cách trị rôm sảy cho trẻ, tuy nhiên, tại Việt Nam phổ biến nhất là các bài thuốc dân gian trị rôm sảy cho trẻ được áp dụng và rất hiệu quả. Các mẹ cần lưu ý áp dụng trị rôm sảy cho trẻ ngay khi phát hiện thấy trẻ bị rôm sảy.
Tắm nước mướp đắng
Nguyên liệu:
Hai quả mướp đắng tươi.
Cách làm:
- Cho hai quả mướp đắng tươi, giã nát (hoặc đun chín), cho vào miếng vải sạch, lọc vắt lấy nước để tắm.
- Tắm liên tục trong 5 ngày.
Tắm nước sài đất & đắp sài đất tươi vào nơi có rôm
Nguyên liệu:
Sài đất tươi 300g.
Cách làm 1:
- Rửa sạch lá sài đất.
- Cho sài đất tươi vào nước để đun sôi và dùng tắm hàng ngày ( từ 3 đến 5 ngày)
Cách làm 2:
- Dùng 100g sài đất tươi (đã rửa sạch) giã với ít muối.
- Cho thêm 100ml nước đun sôi để nguội vào hỗn hợp sài đất vừa giã rồi vắt lấy nước, uống 2-3 lần trong ngày.
- Bã đắp vào nơi có rôm, dùng trong 4 ngày
Tắm nước dâu tằm
Nguyên liệu:
Lá dâu tằm 200g, 5 lít nước.
Cách làm:
- Rửa sạch lá dâu tằm rồi cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước.
- Dùng hỗn hợp nước dâu tằm (còn ấm) để tắm từ 3 đến 5 ngày.
Nước lá dâu tắm trị rôm sảy rất hiệu quả
Tắm lá bọ mẩy tươi
Nguyên liệu:
Lá bọ mẩy tươi 70 – 100g, bạc hà 15g.
Cách làm:
- Rửa sạch lá bọ mẩy tươi, cho nước vào và sắc lấy nước đặc.
- Trước khi bắc ra cho bạc hà vào, đun sôi lại là được.
- Dùng nước bôi, rửa nơi có rôm, ngày 2-3 lần. Dùng trong khoảng 3 – 5 ngày.
Hoặc lá bọ mẩy tươi 30g, rửa sạch đem sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống sáng và chiều tối, liên tục 3-5 ngày.
Bôi nước gừng, tắm nước gừng tươi
Nguyên liệu:
Gừng tươi 70g (để cả vỏ).
Cách làm 1:
- Rửa sạch gừng, giã nát cả vỏ sau đó dùng bông thấm nước gừng, bôi lên những chỗ da nổi rôm, ngứa ngáy.
- Bôi ngày 2 – 3 lần (trong 5 ngày).
Cách làm 2:
- Lấy 50g gừng tươi giã nhỏ, sắc với 2 lít nước rồi đun sôi
- Dùng hỗn hợp nước gừng (đã nguội) để tắm 1 ngày/1 lần vào buổi sáng, tắm trong 3 ngày
Uống bột sắn dây
Nguyên liệu:
20g bột sắn dây.
Cách làm:
- Cho 200ml nước đun sôi để ấm (35oC) đổ vào 20g bột sắn dây rồi hòa tan.
- Cho thêm ít đường, chanh và uống liên tục trong 10 ngày (uống vào buổi chiều hoặc sau giấc ngủ trưa là tốt nhất).
Nước sắn dây mát, bổ trong ngày hè
Những việc nên làm và tránh khi trẻ bị rôm sảy
Khi trẻ bị rôm sảy điều quan trọng là cha mẹ cần biết rằng rôm sảy không quá nguy hiểm với sức khỏe bé và cần được mẹ chăm sóc nhẹ nhàng, cẩn thận thay vì phải tìm mua những loại thuốc đắt tiền.
Những việc cần làm khi trẻ bị rôm sảy
- Cho trẻ mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng.
- Tắm cho trẻ mỗi ngày, lau sạch các vùng kẽ như nách, bẹn để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng.
- Không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy (khiến các lỗ chân lông bị bít lại, gây nhiễm khuẩn).
Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm khi trẻ bị rôm sảy
- Quần áo của trẻ cần giặt sạch và phơi ở nơi không có bụi khói.
- Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi để bù lượng nước đã mất trong quá trình thải nhiệt và giúp trẻ tăng sức đề kháng…
Những việc cần tránh khi bị rôm sảy
- Không vắt nhiều chanh vào nước tắm hoặc đun nước lá quá đặc (khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao, nước lá quá đặc khiến lượng tinh bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé…)
- Không tắm nước lá khi da bị trầy xước, mưng mủ (tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng ở vùng mặt, cổ, đầu….).
- Không tắm sữa tắm người lớn hay massage cho trẻ (sữa tắm người lớn chứa độ kiềm cao làm cho da bé bị khô, càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sẩy trên da của bé).
- Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ…
- Ngoài ra, cần cho trẻ tắm nước mát, uống đủ nước, hạn chế để trẻ đi ra nắng, tránh làm trầy xước các vết rôm sảy dẫn đến nhiễm trùng da…
Lời kết: Mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, đặc biệt, ở trẻ em rất dễ mắc các bệnh ngoài da, thường gặp nhất là rôm, sảy. Nguyên nhân, do thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây bệnh…
Trẻ bị rôm sảy thường quấy khóc, bỏ bú, tụt cân…Vì vậy, để phòng bệnh, cha mẹ cần: cho trẻ mặc quần áo thấm mồ hôi, không ủ trẻ quá kỹ, tắm cho trẻ hàng ngày, tăng cường lượng hoa quả, nước trái cây giúp bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng ở trẻ …
Ngoài ra, khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ cần tắm cho trẻ bằng nước mướp đắng, sài đất, gừng, lá dâu tằm… đặc biệt không bôi phấn rôm cho trẻ (khiến lỗ chân lông bị bít kín), không tắm nước lá khi da bị trầy xước, mưng mủ, không tự ý dùng thuốc bôi cho trẻ….