Thời điểm giao mùa, lúc mưa lúc nắng, sẽ tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển. Vì thế rất nhiều người gặp phải các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những ai có sức đề kháng yếu. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trong thời tiết “ẩm ương” này.
Đau mắt đỏ
Thời tiết giao mùa dễ tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát như bệnh đau mắt đỏ. Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc thậm chí gây mù lòa.
Các triệu chứng thường gặp là mắt đỏ, sưng nề, ngứa, rát, nóng, đau, chảy nước mắt…
Cách xử lý: nên nghỉ học, nghỉ làm, ngừng dùng máy tính, điện thoại, tivi… để tránh chói và chảy nước mắt. Tới bệnh viện kiểm tra và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng thuốc của người khác. Không đắp lá dâu, lá trầu… lên mắt vì có thể gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng hơn.
Cách phòng tránh:
- Tránh chạm tay vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Không dùng chung khăn mặt, khăn tay, khăn tắm.
- Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Khử trùng các bề mặt hay tiếp xúc như bàn ăn, bồn rửa mặt… để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Đau nhức xương khớp
Giai đoạn giao mùa cũng là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp. Tình trạng này không chỉ gặp ở người cao tuổi, hiện nay phụ nữ sau 35 tuổi đều có thể mắc bệnh.
Cách xử lý: người bệnh nên đi khám chuyên khoa để xác nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là viêm phản ứng) và điều trị sớm. Tuyệt đối không được chủ quan, xem thường và tự chẩn đoán. Không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa thăm khám bác sĩ. Một số loại thuốc nếu dùng không đúng chỉ định có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng tránh:
- Mặc đủ ấm, dùng khăn quàng, găng tay, tất. Điều quan trọng là giữ ấm trước khi đi ngủ vào buổi tối. Hạn chế chân tay bị ẩm ướt, nhanh chóng lau khô người khi đi mưa hoặc tiếp xúc với nước.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt… Hạn chế rượu bia và uống đủ nước.
Cảm cúm
Bệnh do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thời tiết lúc nóng lúc lạnh, hệ miễn dịch cơ thể suy yếu tạo điều kiện để bệnh cúm phát triển. Người bệnh bị cảm cúm thường sốt cao từ 38 – 39 độ C kèm theo mệt mỏi, đau nhức và sổ mũi.
Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị mà thường chỉ định các loại thuốc điều trị triệu chứng.
Cách xử lý: dành thời gian nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất. Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên nếu có biểu hiện trở nên nặng hơn như sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu và tắc mũi không khỏi, khó thở… hãy đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị.
Cách phòng tránh:
- Cần chú ý sự thay đổi của thời tiết để kịp thời giữ ấm cho cơ thể và tăng cường vận động nhằm tăng sức đề kháng.
- Về ăn uống, nên hạn chế ăn nhiều dầu mỡ; nên uống nhiều nước, ăn các món dễ tiêu, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C.
Dị ứng
Thời điểm giao mùa thường xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, lông động vật, khói…Đây là những tác nhân gây ra các bệnh dị ứng như mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản…
Cách xử lý: khi có các dấu hiệu dị ứng cần nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị.
Cách phòng tránh:
- Cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng.
- Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sạch sẽ, tinh thần thoải mái.