Những vết thương tầng sinh môn là mối quan tâm đặc biệt của phụ nữ khi sinh đẻ, không chỉ với phụ nữ đẻ mổ mà cả phụ nữ đẻ thường cũng đặc biệt quan tâm.
Mục lục
Các tổn thương tầng sinh môn
Tất cả những trường hợp rách tầng sinh môn sau sinh, ngoại trừ những vết rách tầng sinh môn cạn đều có thể kèm theo những tổn thương khác nhau của phần dưới âm đạo.
Những vết thương như thế có thể đạt đến độ sâu gây tổn thương cho cơ vòng hậu môn và có thể lan rộng đến những độ sâu khác nhau xuyên qua vách âm đạo.
Các vết rách ở hai bên thành âm đạo thường có độ dài không bằng nhau và ngăn cách bằng một phần niêm mạc âm đạo có hình lưỡi.
Rách tầng sinh môn được chia ra làm 4 độ:
Độ 1: Tổn thương lớp da, niêm mạc âm đạo.
Độ 2: Tổn thương cơ âm đạo, tổn thương âm đạo nặng với rách âm đạo hai bên.
Độ 3: Rách rộng liên quan đến rách vỏ bao ngoài hoặc đứt cơ vòng hậu môn.
Độ 4: Tổn thương phức tạp, tổn thương niêm mạc ống hậu môn trực tràng.
Để tránh các tổn thương khi sinh bác sĩ thường chủ động rạch tầng sinh môn (Ảnh minh họa)
Để tránh những tổn thương này trong lúc sinh, nữ hộ sinh, bác sĩ thường chủ động cắt tầng sinh môn nhất là ở những người sinh con so, do tầng sinh môn còn rắn chắc. Khi thực hiện các thủ thuật phải đúng chỉ định, đủ điều kiện và đúng kỹ thuật.
Tổn thương cơ nâng hậu môn sau sinh là hậu quả của sự dãn nở quá mức của đường sinh dục, có thể dẫn đến tách các sợi cơ hoặc giảm trương lực ảnh hưởng đến chức năng của hoành chậu.
Trong những trường hợp như thế, người phụ nữ có thể bị dãn sàn chậu, sa sinh dục. Nếu các tổn thương này liên quan đến cơ mu cụt thì có thể gây tiểu không tự chủ. Khả năng xảy ra những chấn thương như thế cũng có thể giảm thiểu bằng cách cắt tầng sinh môn.
Phục hồi hội âm (đáy chậu) cần được xem là một phần trong các thủ thuật. Tất cả các trường hợp cắt hoặc rách tầng sinh môn sau sinh đều phải may phục hồi lại.
Kỹ thuật may phục hồi và chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh
Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh (Ảnh minh họa)
Sau khi gây tê tại chỗ, tầng sinh môn được may làm 3 lớp: lớp thành âm đạo, lớp cơ tầng sinh môn và lớp da. Lớp da có thể may bằng chỉ không tiêu hoặc may luồn dưới da bằng chỉ tiêu. Khi may tầng sinh môn phải đảm bảo nguyên tắc là không bị chồng mép, không so le và không còn khoảng trống giữa các lớp.
Nếu chỉ may ở phía ngoài mà không lấy sâu vào tổ chức vùng đáy chậu, niêm mạc âm đạo và lớp cơ có thể đưa đến dãn rộng âm đạo và có thể là một yếu tố góp phần gây ra sa trực tràng, sa bàng quang, sa tử cung.
Thường sản phụ được may phục hồi tầng sinh môn sau khi sổ nhau và đã kiểm tra: buồng tử cung sạch, tử cung co tốt, cổ tử cung bình thường hoặc nếu bị rách thì đã được may lại. Vết may tầng sinh môn sẽ được kiểm tra (xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ…)
Sau khi may phải dùng thuốc 3 lần mỗi ngày bằng thuốc sát trùng, sản phụ được hướng dẫn tự rửa thêm khi đi tiểu, thay băng vệ sinh sạch nhiều lần trong ngày, khuyên nên tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón… kháng sinh được cho sử dụng trong 5 đến 7 ngày. Nếu vết may tốt và lớp da may bằng chỉ không tiêu thì thường sẽ được cắt chỉ vào ngày thứ 5 sau sinh.