Cảm cúm là một “hội chứng tổng hợp” lây qua đường hô hấp do virus gây ra, có hơn 100 loại virus có thể gây ra cảm cúm. Cảm cúm không phải là căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng nó gây ra nhiều phiền toái, thời gian trị bệnh kéo dài. Để khắc phục bệnh cảm cúm chúng ta cần phải làm gì? Benh.vn sẽ giúp chúng ta giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
Các triệu chứng cảm cúm
– Đau họng.
– Hắt hơi, chảy nước mũi.
– Cơ thể mệt mỏi, người đau, khó chịu.
Phương pháp điều trị cảm cúm
1.Nghỉ ngơi
Khi bị cảm tốt nhất nên nằm nghỉ, không nên miễn cưỡng đi làm, tụ tập với bạn bè hay chơi thể thao…Lúc này giấc ngủ là liều thuốc tốt nhất cho cơ thể vì vậy cần ngủ đủ 8h/ngày.
Tốt nhất xin phép cơ quan nghỉ 1 đến 2 ngày, vừa có thời gian nghỉ ngơi vừa không lây bệnh cho người khác.
2.Bổ sung Vitamin C
Vitamin C là loại thuốc hữu hiệu giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, vì vậy cần bổ sung vitamin C kể cả là uống thuốc hay các loại hoa quả như táo, cam, quýt, bưởi…đều có tác dụng làm giảm triệu chứng của cúm.
Nước cam có tác dụng rất tốt khi điều trị cảm cúm (Anh minh họa)
3. Ăn kẹo sô cô la
Kẹo sô cô la ngoài việc bổ sung thêm chất antioxidants (thuốc chống ô xy hóa) mà theo một nghiên cứu của trường đại học Luân Đôn (Anh) cho biết trong nó còn chứa chất theobromine có tác dụng trị ho rất hiệu quả.
4. Tạo độ ẩm trong không khí
Tạo độ ẩm trong không khí sẽ tốt hơn cho hệ hô hấp, giảm bớt khó chịu khi ở trong phòng. Tuy nhiên, cần vệ sinh máy tạo ẩm thật sạch trước khi sử dụng, tránh virus gây bệnh (nếu có) phát tán trong không khí.
5. Uống đủ nước
Khi cơ thể bị cảm cúm, cần đảm bảo đủ lượng nước mỗi ngày khoảng 2000ml nước.
6. Uống sữa bò hoặc sữa chua
Tránh xa các sản phẩm từ sữa như phomat là loại đồ ăn rất khó tiêu hóa, khi bị cảm cúm tốt nhất không nên ăn. Có thể uống sữa bò hoặc một chút sữa chua.
7. Ngậm kẹo trị ho
Có thể ngậm kẹo trị ho. Tuy kẹo trị ho không thể chống lại virus gây bệnh nhưng nó có thể giảm bớt triệu chứng cảm cúm giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
8. Ăn cháo tía tô
Khi cảm cúm nên ăn cháo hoặc nước canh nóng đều rất tốt, đặc biệt là cháo tía tô nóng có tác dụng giải cảm và giảm chứng sổ mũi.
Cháo tía tô “thần dược” trị cảm (Ảnh minh họa)
9. Kiên nhẫn
Thông thường thời gian bị cảm cúm kéo dài khoảng 1 tuần, vì vậy cần kiên nhẫn chờ đợi bệnh cúm đi qua. Nếu sau đến 2, 3 ngày thấy bệnh tiến triển nặng hơn, nhất là đối với trẻ nhỏ thì cần đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh.
Những nhóm thực phẩm có công dụng kháng cúm thần kỳ
1. Rau, củ có màu xanh sẫm và vàng cam tăng vitamin A
Theo các chuyên gia, rau, củ có màu vàng cam (bí đỏ, cà rốt…) rất giàu carotenoid, có thể chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, loại vitamin này có thể tăng cường chức năng tế bào biểu mô, tạo ra sức đề kháng đối với virus cúm.
Ngoài ra, chúng còn tăng cường màng nhầy cho họng và phổi, bảo đảm sự trao đổi chất ở bộ phận này hoạt động bình thường, tránh được cảm cúm.
Rau có màu xanh lục đặc biệt giàu axit folic – nhân tố cần thiết để tổng hợp chất miễn dịch. Loại rau này cũng như chứa một lượng lớn flavonoid và vitamin C có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, thúc đẩy sự tổng hợp các chất kháng virus như interferon nên giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc cúm.
2. Hoa quả bổ sung nhiều loại vitamin
Ăn hoa quả là lựa chọn sáng suốt nhất để bổ sung nhiều loại vitamin. Hơn nữa, trong hầu hết các loại hoa quả đều chứa chất cyanidin có tác dụng trong việc kích thích hoạt động của hệ miễn dịch.
Vì vậy, nên thường xuyên lựa chọn hoa quả giàu vitamin C và cyanidin như chuối, cam, kiwi, dâu tây , táo mèo… để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình.
3. Trứng, đậu bổ sung protein chất lượng cao
Protein là chất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và được coi là chất kháng thể chính có chức năng đặc biệt trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại virus.
Vì vậy, cần bổ sung một lượng nhất định protein chất lượng cao vào cơ thể. Protein chất lượng cao chủ yếu có từ các loại : sữa, trứng, cá, thịt nạc và các sản phẩm từ đậu.
4. Ăn các loại khoai để tăng cường hệ miễn dịch
Các loại khoai (khoai tây, khoai sọ, khoai môn, củ từ…) có thể chế biến trong các bữa ăn chính vì chúng cung cấp một lượng vitamin C, vitamin B1, kali, chất xơ… phong phú cho cơ thể.
Các loại khoai tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể (Ảnh minh họa)
Khoai lang, khoai môn, củ từ còn chứa chất mucin giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
5. Bổ sung kẽm bằng ngũ cốc và hải sản
Trong các nguyên tố vi lượng, kẽm có quan hệ mật thiết nhất với chức năng miễn dịch. Kẽm có thể tăng cường khả năng kiểm soát tế bào, từ đó phát huy tác dụng diệt khuẩn. Bổ sung kẽm có thể nâng cao sức đề kháng, điều tiết nội tiết tố trong cơ thể.
Thực phẩm chứa kẽm bao gồm ngũ cốc, hàu, gan gà, lạc, cá, trứng, hạt mè đen… Tuy nhiên, ăn bao nhiêu thì bạn nên tham khảo và hỏi ý kiến bác sĩ.
6. Sữa chua bổ sung lợi khuẩn
Sữa chua có chứa những vi khuẩn tốt (lợi khuẩn) nên có thể giúp hệ miễn dịch hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, có thể chọn các loại thức uống như trà xanh, trà hoa, trà hoa cúc… để thay thế vì chúng cũng có tác dụng tương tự sữa chua.
Lời kết
Cảm cúm thực ra không cần phải chữa trị bằng thuốc. Công dụng chủ yếu của các loại thuốc cảm cúm giúp giảm bớt các triệu chứng khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nhưng không thể rút ngắn thời gian bị bệnh.
Phương thức điều trị cảm cúm tốt nhất là nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
ĐHA – Benh.vn