Thị trường làm giá đỗ hiện nay ngày càng nhộn nhịp, làng làm giá đỗ T.C ở Từ Liêm, Hà Nội người dân đua nhau làm giá đỗ, bởi đây là một nghề nhàn nhưng lại thu được nhiều tiền. Theo một số người dân ở đây, nhiều gia đình chỉ trong vài năm đã giàu lên nhờ nghề làm giá đỗ. Để có những cọng giá đỗ (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt…, người làm giá không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối.
Mục lục
Chỉ một liều SHS nhỏ là giá đỗ sẽ được phù phép, lớn như thôi chỉ trong 2 – 3 ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên loại thuốc này được bán khá “công khai” ở khu vực chợ Đồng Xuân, với giá chỉ 10.000 đồng/tuýp, 1 tuýp có thể pha với 5 lít nước, phun cho cả tạ hạt đỗ. Không chỉ vậy, loại thuốc này còn khiến trọng lượng của giá đỗ tăng lên gấp rưỡi, mẫu mã đẹp, cây to, ít rễ.
Trong vai người đi buôn giá đỗ, chúng tôi được anh T- một người tự xưng là có gần 5 năm làm giá, ở làng T.C khoe: “Anh cần bao nhiêu cũng có, chỉ cần báo trước cho tôi 2 – 3 ngày”. Chỉ 2 – 3 ngày thôi sao, tôi hỏi. Như sợ bị lộ, anh này chèo chống: “Nhà tôi làm nhiều, chỉ cần báo trước vài ngày là có thể điều chỉnh được mối đổ”.
Anh này cũng khẳng định không biết loại thuốc SHS hay loại thuốc lọ tuýp nước của Trung Quốc mà cơ quan chức năng vừa bắt giữ. Tuy nhiên, nhìn những thùng giá đỗ trắng nõn, cây mập, ít rẽ, chúng tôi tin chắc đây không thể là giá đỗ tự nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng – Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, việc cơ quan chức năng bắt được 80.000 tuýp thuốc kích thích tăng trưởng, chúng tôi cũng vừa được biết qua báo chí.
Về việc người dân sử dụng thuốc kích thích để làm giá, ông Hồng cho biết chưa phát hiện trường hợp nào. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra, chi cục cũng đã thu hồi rất nhiều thuốc kích thích nằm trong danh mục cấm từ các quầy thuốc BVTV trên địa bàn. Mặc dù chi cục đã tuyên truyền đến cấp xã, nhưng vì lợi nhuận nhiều người dân vẫn cố tình làm. Cũng theo ông Hồng, thời gian gần đây không chỉ sử dụng thuốc kích thích vào làm giá, mà người dân còn sử dụng thuốc phun cho các loại rau ăn lá như xà lách, rau cải thảo, bắp cải, rau muống…
Phân biệt các loại rau đã bị dùng thuốc tăng trưởng
Có nhiều đặc điểm giúp phân biệt rau và giá đỗ sạch. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, rau và giá đỗ dùng chất kích thích thường có màu nhạt, lá mềm, dễ bị nhàu. Còn nếu ăn phải rau có chứa dư lượng thuốc cao thường có dấu hiệu mắt đỏ, da đỏ, nôn, run tay. Ngoài ra, còn có triệu chứng ngứa, buồn nôn, hôn mê, nếu nặng có thể tử vong. Ông Hồng cho biết: “Trước việc nông dân có thể dùng thuốc tăng trưởng cho sản xuất, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để người dân không sử dụng. Còn kiểm tra thì phải thành lập đoàn và phải kiểm tra trong giờ hành chính. Đa số các hộ làm giá đỗ làm đêm, hoặc trồng rau rất kín đáo, nên chúng tôi không thể kiểm tra. Do đó, việc này phải có nhiều ngành chức năng cùng tham gia”.
Giá đỗ dùng thuốc tăng trưởng có thân mập tròn, ít rễ, trông bắt mắt
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc sử dụng thuốc tăng trưởng sẽ cho để thúc rau mầm, giá đỗ là hành vi rất nguy hiểm. Rau mầm ngâm hóa chất sẽ mọc nhanh; giá đỗ được ngâm với hoá chất sẽ rút ngắn thời gian sản xuất xuống chỉ còn 3 ngày, cọng trắng, mập và ngắn nhìn rất bắt mắt.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, các loại hóa chất này, chúng tôi đã có kiểm nghiệm, thành phần trong thuốc “thúc” rau mầm, giá đỗ thường bao gồm các chất pchlorophenoxyacetic axit và 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. “Cả 2 hợp chất này, đều không có trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng được phép sử dụng do Bộ NNPTNT quy định. Nếu ăn phải các sản phẩm có chất kích thích này thì sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm”- TS Thịnh nói.
Quy trình ủ giá bằng hóa chất
Bản thân người sản xuất cũng không cần biết đó là chất gì, cứ sử dụng miễn là có lời.
Benh.vn (Theo 24h)