Bệnh thủy đậu đa số tiến triển lành tính, tuy nhiên có thể lây lan thành dịch bệnh và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, người dân cần nắm chắc các cách phòng ngừa và điều trị bệnh.
Điều trị bệnh thủy đậu
Để điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả cần kết hợp giữa việc sử dụng các loại thuốc uống kháng virus, điều trị triệu chứng và biện pháp chăm sóc tại chỗ thích hợp.
Trước hết, người bệnh cần giữ vệ sinh hàng ngày bằng cách tắm rửa, tránh ủ kín để không bị nhiễm trùng. Theo dõi bệnh nhân thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ biến chứng như sốt cao, mụn nước ửng đỏ xung quanh hay có mủ.
Acyclovir: là một thuốc kháng virus được sử dụng để rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
- Trẻ dưới 12 tháng: 10mg/kg 1 lần, nhân 3 lần /ngày.
- Trẻ trên 12 tháng; 20mg/kg 1 lần, nhân 4 lần /ngày, tối đa 800mg/ lần.
- Trung bình 5-7 ngày hoặc đến khi không có bong bóng nước mới xuất hiện nữa
- Trường hợp nặng hơn hoặc có biến chứng như viêm màng não, trẻ suy giảm miễn dịch, có thể dùng Acyclovir đường tĩnh mạch. Liều 10-20 mg/kg/ lần, nhân 3 lần, dùng 7-10 ngày (theo chỉ định của bác sĩ)
Dùng các thuốc giảm ngứa như Chlorpheniramine, fexofenadine v.v. hoặc các loại thuốc kháng histamine. Có thể dùng Acetaminophen (Tylenol) để giảm sốt và đau nhức thường đi kèm các bệnh nhiễm siêu vi trong giai đoạn đầu. Không bao giờ được dùng aspirin hoặc những thuốc cảm có chứa aspirin cho trẻ em do nguy cơ xảy ra hội chứng Reye (một bệnh chuyển hoá nặng gồm tổn thương não và gan dẫn đến tử vong).
Ngoài thuốc men, cần áp dụng một số biện pháp dự phòng khác. Với trẻ nhỏ, nên cắt sát móng tay để tránh tổn thương da do gãi và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.
Sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng làm lành các nốt thủy đậu, sát trùng, kháng virus, để giúp tránh vỡ các nốt và lây ra các vùng da lành. Có thể sử dụng các loại gel bôi có chứa Nano bạc chuẩn hóa nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tốt nhất như gel bôi PlasmaKare No5 bôi trực tiếp lên da, các nốt lành và các nốt đã vỡ để giúp sát trùng, kháng virus, lành da và không để lại sẹo.
Cách ly bệnh nhân thủy đậu
Khi trong gia đình, trường học, công sở… có người mắc bệnh, cần cách ly bệnh nhân 7-10 ngày để tránh lây lan cho cộng đồng xung quanh. Nếu trẻ ở độ tuổi đi học, khi mắc bệnh phải nghỉ học và người lớn phải nghỉ làm 1-2 tuần. Tuy nhiên, việc cách ly bệnh nhân không bảo đảm ngừa được bệnh cho người khác vì siêu vi có thể lây lan từ trước khi phát mụn nước và sau khi mụn nước đã lành.
Biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu
Tiêm văcxin để ngừa thủy đậu là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên cần lưu ý việc tiêm chủng phải được thực hiện trước khi mắc bệnh vì khi đã mắc bệnh rồi cơ thể sẽ tự sản sinh ra miễn dịch không cần tiêm nữa. Nếu tiêm muộn văcxin chưa kịp tạo ra miễn dịch cho cơ thể thì đã mắc bệnh. Văcxin ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ.
Người đã bị thuỷ đậu sẽ có miễn dịch suốt đời và không bao giờ bị lại. Nhưng nhiều khi về sau, virus có thể bộc phát lên bề mặt trở lại dưới dạng zona (giời leo). Hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm tiêm phòng thuỷ đậu cho hầu hết các trẻ em. Chỉ cần tiêm 2 mũi. Mũi đầu tiên tiêm lúc trẻ 1 tuổi và mũi thứ hai (tiêm nhắc lại) lúc 4 tuổi. Đối với người lớn chưa bị thuỷ đậu, có thể tiêm phòng vào bất cứ lúc nào. Phản ứng phụ khi tiêm phòng thuỷ đậu xảy ra không đáng kể. Tất cả trẻ em, trừ những trẻ suy giảm miễn dịch, đều nên được tiêm phòng thuỷ đậu.