Men vi sinh và men tiêu hoá rất khác nhau nhưng lại thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau dẫn đến sử dụng sai mục đích. Sau đây, benh.vn sẽ giúp bạn đọc phân biệt rõ ràng giữa Men vi sinh và Men tiêu hóa, tác dụng của từng loại men và lưu ý khi sử dụng.
Mục lục
Men vi sinh và men tiêu hoá hoàn toàn khác nhau
Hiện nay, rất nhiều người đang có sự nhầm lẫn khi gọi chung các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa là: men tiêu hóa. Thực chất có 2 nhóm hoàn toàn khác nhau là men vi sinh và men tiêu hoá.
Thế nào là men vi sinh và men tiêu hoá
Men tiêu hóa là các loại men (enzym) do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Sử dụng men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hay khi bị giảm bài tiết như: viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày.
Men vi sinh không phải là Men mà là các sản phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi, nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh. Men vi sinh được dùng khi sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến các rối loạn với biểu hiện: tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa…
Vì sao men vi sinh và men tiêu hoá hay bị nhầm lẫn với nhau
Từ trước tới nay, men vi sinh và men tiêu hoá thường bị nhầm lẫn khái niệm bởi người mua, thậm chí cả người bán (hoặc do cố tình nhập nhằng 2 khái niệm). 1 số nguyên nhân được đưa ra gồm:
- Người mua không có định nghĩa chính xác về men vi sinh và men tiêu hoá, không biết thành phần của chúng có những gì. Do không hiểu biết chính xác về men vi sinh và men tiêu hoá, người tiêu dùng không nắm được thành phần và công dụng nên đặt niềm tin hoàn toàn vào nhà thuốc và sử dụng vô tội vạ. Việc tìm hiểu thông tin cũng có nhiều khó khăn khi nhiều bài báo, hoặc các kênh truyền thông đưa thông tin không rõ ràng, sai sự thật gây hoang mang cho người tiêu dùng.
- Cả men vi sinh và men tiêu hoá đều được sử dụng khi bị một số vấn đề đường tiêu hoá như đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng và táo bón. Bản thân các lợi khuẩn trong men vi sinh cũng có tác dụng sản sinh các enzym tiêu hoá (men tiêu hoá) nên giúp phân giải thức ăn như việc bổ sung men tiêu hoá. Đây là nguyên nhân chính gây nhầm lẫn men vi sinh và men tiêu hoá ở cả người mua và người bán.
- Nhân viên tư vấn tại nhà thuốc gọi tên sản phẩm theo thói quen khi tư vấn cho người mua thuốc.
Đừng để nhầm lẫn tai hại khiến việc điều trị sai cách và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và kinh tế (do điều trị mãi không khỏi). Phân biệt nhanh men vi sinh và men tiêu hoá với 3 điểm khác nhau cực cơ bản, chỉ cần đọc hướng dẫn sử dụng hoặc xem bao bì là có thể phân biệt được.
3 Điểm khác biệt chính của Men vi sinh và men tiêu hoá
Như vậy có thể thấy, men vi sinh và men tiêu hoá khác nhau về thành phần và mục đích sử dụng (công dụng). Nhưng cụ thể để phân biệt men vi sinh và men tiêu hoá bạn cần đọc kỹ nhãn chai hoặc hướng dẫn sử dụng để tìm các thông tin về thành phần, công dụng và cách dùng
Thành phần men vi sinh và men tiêu hoá
Nếu như men vi sinh sử dụng các vi khuẩn sống (lợi khuẩn) hoặc bào tử lợi khuẩn có lợi cho đường ruột nhằm giải quyết các vấn đề do loạn khuẩn gây ra (rối loạn tiêu hoá, hấp thu kém) thì men tiêu hoá sử dụng các loại enzym tiêu hoá giúp phân giải thức ăn.
Thành phần men vi sinh
Men vi sinh chứa các chủng vi khuẩn có lợi hoặc dạng bào tử của chúng đưa vào cơ thể nhằm cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột trong các trường hợp loạn khuẩn do nguyên nhân nội sinh (nguyên nhân do cơ thể) và nguyên nhân ngoại sinh (Thực phẩm bẩn, ngộ độc, dùng kháng sinh…)
1 số chủng lợi khuẩn thường được sử dụng trong men vi sinh mà bạn có thể nhìn thấy ngay trên thông tin bao bì. Các chủng lợi khuẩn đó là:
- Lợi khuẩn chi Bifidobacterium: 1 số lợi khuẩn thuộc nhóm Bifidobacterium trong men vi sinh nhằm ức chế cạnh tranh, tái thiết cân bằng. Các lợi khuẩn thuộc chi này hay được sử dụng trong men vi sinh gồm: Bifidobacterium difidum, Bifidobacterium breve, Bifidobacterium infantis, Bifidobacterium longum…
- Lợi khuẩn chi Lactobacillus: Lợi khuẩn nhóm Lactobacillus trong men vi sinh có tác dụng tái thiết cân bằng hệ vi sinh, sản sinh các enzym tiêu hoá lactose giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu và dị ứng với lactose trong sữa và các chế phẩm tử sữa. 1 số lợi khuẩn chi Lactobacillus được sử dụng trong men vi sinh gồm: Lactobacillus gasseri, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus Feacalis, Lactobacillus reuteti…
- Lợi khuẩn chi Bacillus: Các lợi khuẩn chi Bacillus sử dụng trong men vi sinh ở 2 dạng là vi khuẩn sống và bào tử lợi khuẩn. Chi Bacillus khi đưa vào cơ thể có nhiều tác dụng đặc biệt như: Sản sinh các enzym tiêu hoá chất xơ, mỡ, protein…; Tiêu diệt vi khuẩn nội bào gây bệnh đường ruột Proteus. 1 số lợi khuẩn chi Bacillus phổ biến gồm Bacillus subtilis, Bacillus clausii
- Nấm men saccharomyces: Một loại nấm men được bổ sung vào men vi sinh nhằm tiêu diệt các vi khuẩn nội bào gây nhiễm trùng tiêu hoá như Clostridium Dicifile, E.Coli; Sản sinh nhiều loại enzym tiêu hoá (men lactase, sucrase, maltase, and N-aminopeptidase…) và kích thích miễn dịch dịch thể.
Sản phẩm men vi sinh trên thị trường thường chứa 2-3 chủng lợi khuẩn. Rất ít sản phẩm có thể kết hợp nhiều loại lợi khuẩn khác nhau
Thành phần men tiêu hoá
Khác với men vi sinh, men tiêu hoá chứa các enzym tiêu hoá nhằm bổ sung cho cơ thể do thiếu hụt các enzym gây rối loạn hoạt động phân giải và hấp thu dinh dưỡng. Các loại men tiêu hoá thường được bổ sung nhằm phân giải các nhóm chất nhất định:
- Men tiêu hoá sữa: caseinogen (Lact – ferment remin). Loại men này thường kết hợp với các ion Ca++ trong men tiêu hoá nhằm phân giải các protein hoà tan trong sữa thành các caseinat canxi. Chất này kết tủa được giữ lại trong dạ dày. Phần lỏng còn lại gọi là nhũ thanh đưa đưa xuống ruột non. Nhờ đó, dạ dày có thể tiếp nhận một thế tích sữa lớn, thậm chí là hơn dung tích của chính tạng này
- Men tiêu hoá Protein: Các loại men tiêu hoá Protein được đưa vào cơ thể nhằm phân giải các Protein trong thức ăn thành dạng dễ tiêu hoá và hấp thu là các a xít amin. Quá trình này diễn ra thành 1 chuỗi phản ứng từ Protein thành Polypeptid, Polypeptid tiếp tục phân giải thành có tripeptid hoặc dipeptid rồi thành a xít amin. Một số men tiêu hoá protein được biết đến gồm: trypsin, chymotrysin và carboxypeptidase…
- Men tiêu hoá Glucid: Men tiêu hoá Glucid nhằm phân giải các loại tinh bột sống hoặc chính thành các loại đường nhanh cung cấp năng lượng cho cơ thể là maltose và glucose. Các men tiêu hoá hay enzym tiêu hoá này chủ yếu là amylaza
- Men tiêu hoá Lipid: Men tiêu hoá lipase nhằm phân giải các glycerid trong thức ăn đã được trộn với mật (từ túi mật) để nhũ tương hoá. Men tiêu hoá Phopholipase phân giải các phospholipid trong thức ăn. Và Cholesterol eseterase giúp phân giải các cholesterol đã ester hoá thành sterol và a xít béo.
Một chế phẩm men tiêu hoá thường bổ sung hầu hết các loại men trên thay vì chọn lựa từng loại men cho vào các sản phẩm khác nhau.
Mục đích sử dụng men vi sinh và men tiêu hoá
Men vi sinh và men tiêu hoá được sử dụng với các mục đích điều trị và bệnh lý hoàn toàn khác nhau:
Sử dụng men vi sinh điều trị loạn khuẩn
Men vi sinh sử dụng khi cơ thể mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột do yếu tố bên trong như (cơ thể yếu ớt miễn dịch kém khiến vi khuẩn nội bào gây bệnh) hoặc yếu tố bên ngoài (ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng tiêu hoá, uống kháng sinh). Khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng có thể dẫn tới rối loạn tiêu hoá (Đầy bụng khó tiêu, táo bón, tiêu chảy), hấp thu kém, chán ăn mệt mỏi.
Bạn có thể quan sát các biểu hiện đầu tiên và dễ gặp của rối loạn cân bằng hệ vi sinh bằng triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy, không đi kèm tình trạng ăn không tăng cân, ăn không tiêu, đi ngoài sống phân.
Sử dụng men tiêu hoá khi bị thiếu hụt
Khác với men vi sinh, men tiêu hoá được sử dụng khi cơ thể bị thiếu hụt các enzym tiêu hoá gây tình trạng không hấp thu được một hoặc một số nhóm chất dinh dưỡng gây ra tình trạng suy dinh dưỡng hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. Khi bổ sung các nhóm men này, trẻ ăn ngon hơn, tiêu hoá khoẻ và tăng trưởng cân đối.
Tình trạng thiếu hụt men tiêu hoá biểu hiện rõ rệt bằng việc ăn nhiều không béo, phát triển không đều lượng cơ, mỡ, hoặc trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, cảm thấy biếng ăn chán ăn, giảm hấp thuvới 1 số nhóm thực phẩm nhất định
Để sử dụng đúng men vi sinh và men tiêu hoá bạn cần chắc chắn về tình trạng của bản thân để mô tả lại cho bác sỹ, dược sỹ chuyên môn. Và để sử dụng men tiêu hoá và men vi sinh hiệu quả, bạn tham khảo 1 số lưu ý khi sử dụng 2 loại men này.
Nên và không nên sử dụng men tiêu hóa
Nên sử dụng men tiêu hoá trong các trường hợp sau:
- Trong một số trường hợp cụ thể, trẻ biếng ăn kèm theo suy dinh dưỡng, đi ngoài phân sống…
- Các trường hợp giảm tiết dịch tiêu hóa, bệnh nhân bị chứng thiểu toan, giảm toan trong dạ dày, bệnh nhân bị viêm dạ dày thể teo đét…
- Trường hợp hay bị rối loạn tiêu hóa, bụng ậm ạch, ăn lâu tiêu, một chút men tiêu hóa có thể sẽ có lợi.
- Người mới ốm dậy, trong những ngày đầu tiên, nên dùng men tiêu hóa để việc tiêu hóa được bình thường.
Không nên sử dụng men tiêu hoá nếu:
- Với những trẻ bình thường có biểu hiện chán ăn
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Không được dùng liên tục, kéo dài, thời gian dùng chỉ tối đa là 2 tuần
- Không nên dùng trước bữa ăn, cũng không nên dùng sau khi ăn chừng 2 tiếng đồng hồ. Tốt nhất dùng cùng bữa ăn hoặc ngay sau ăn.
- Trường hợp bị sống phân hoặc bị tiêu chảy có đau bụng kèm theo, trường hợp đại tiện phân có máu hoặc nôn ra máu, bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm độc các hợp chất hóa học hoặc bị bỏng axit
- Không lạm dụng men tiêu hoá để kích thích ăn ngon trong thời gian dài
- Đọc kỹ thành phần men tiêu hoá trước khi sử dụng.
Nên và không nên sử dụng men vi sinh
Nên sử dụng men vi sinh nếu
- Được dùng khi sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn tạp khuẩn, với biểu hiện đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa… Men vi sinh có thể dùng dài ngày.
- Muốn tăng khả năng hấp thu vitamin; tăng cường hệ miễn dịch; ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn…
- Dùng trực tiếp hoặc pha với nước đun sôi để nguội
- Sử dụng men vi sinh khi dùng kháng sinh dài ngày. Nên uống men vi sinh sau khi uống kháng sinh khoảng 2 tiếng, tránh việc vi khuẩn có lợi vô tình bị kháng sinh tiêu diệt nếu dùng 2 thuốc sát giờ nhau.
- Có thể sử dụng hàng ngày nếu cần tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ
Không nên sử dụng men vi sinh theo cách này:
- Không nên pha vào nước, cháo hay sữa còn nóng bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm hoạt lực của men
- Không pha buổi sáng rồi buổi chiều mới uống, vì như thế vi sinh vật bị chết sẽ không có tác dụng.
- Không nên dùng quá liều men vi sinh so với chỉ định trong hướng dẫn
- Không sử dụng men vi sinh khi không được bảo quản ở điều kiện tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Không sử dụng khi hết hạn dùng.
Việc sử dụng loại men tiêu hóa và men vi sinh nào, số lượng, liều lượng bao nhiêu, đều phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi.
Hậu quả khi lạm dụng men vi sinh và men tiêu hoá
Việc nhầm lẫn giữa hai loại men vi sinh và men tiêu hoá trên sẽ khiến cho tình trạng tiêu hóa của trẻ không được cải thiện, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn.
Khi dùng men tiêu hóa trong một thời gian dài, cơ thể bé sẽ “lười biếng” không tự sản sinh ra men. Lúc này, bé sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào men tiêu hóa. Do đó, thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10-15 ngày.
Hi vọng, bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích giúp bạn phân biệt men vi sinh và men tiêu hoá cũng như cách sử dụng đúng 2 loại men này. Việc sử dụng men vi sinh và men tiêu hoá không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ và sử dụng cho đúng.