Đối với những vận động viên, người hoạt động quá sức, phụ nữ mang thai…thì hiện tượng chuột rút đôi khi xảy ra khiến chân tay co rút, khó chịu…Hiện tượng chuột rút nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng trong một số trường hợp như: bơi lội, leo núi, lái xe… thì lại rất nguy hiểm đến tính mạng. Vậy, đâu là nguyên nhân gây chuột rút? Cách đề phòng chuột rút như thế nào? Hãy cùng Benh.vn tìm hiểu vấn đề này
Mục lục
Tìm hiểu về cơ
Cấu tạo
Cơ, còn được gọi là bắp thịt, là một phần của hệ vận động. Mô cơ là một loại mô liên kết trong cơ thể động vật. Mô cơ gồm 3 loại: mô cơ vân, mô cơ tim, mô cơ trơn.
Hệ cơ vân gồm các bắp cơ nối các xương ở các đầu xương (hay 1 đầu gắn với xương còn một đầu gắn với da, như cơ mặt), bắp cơ gồm các bó cơ, bó cơ gồm các tế bào cơ (sợi cơ), các sợi cơ gồm các tơ cơ. Tơ gồm hai loại: tơ cơ dày với các mấu lồi sinh chất và tơ cơ mảnh trơn. Đơn vị cấu tạo nhỏ nhất của cơ là Z (ở giữa là vùng tối và vùng sáng ở hai bên).
Chức năng
Chức năng của mô cơ là co, dãn, tạo nên sự vận động, tạo nhiệt cho cơ thể.
Hệ cơ của con người (Ảnh minh họa)
Hoạt động của cơ
Khi các tơ cơ mảnh xâm nhập vào vùng phân bố của các tơ cơ dày sẽ khiến tơ cơ rút ngắn về chiều dài và phình to tạo nên sự co cơ.
Cơ bắp là một mô mềm của động vật. Tế bào cơ bắp có chứa protein sợi có thể trượt qua nhau, nó tạo ra một lực co thay đổi cả chiều dài và hình dáng của tế bào, hoạt động này sản xuất ra lực gây chuyển động. Nó chịu trách nhiệm duy trì và thay đổi vận động hoặc duy trì tư thế cơ thể.
Cơ bắp được phân loại như cơ xương, cơ tim.. Sự co cơ trơn xảy ra mà không có ý thức là một sự cần thiết cho sự sống. Sự co cơ xương tạo di chuyển cơ thể được kiểm soát bởi não bộ.
Cơ bắp chủ yếu được phát triển nhờ quá trình oxy hóa chất béo và cacbonhydrat, nhưng xảy ra cả phản ứng hóa học kỵ khí khi cơ sợi co giật nhanh. Các phản ứng hóa học sản xuất adenosine triphosphate (ATP) phân tử được sử dụng để cung cấp năng lượng cho chuyển động của cơ bắp.
Thế nào là chuột rút?
Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là một cảm giác gây đau nhói do co rút cơ một cách đột ngột, liên tục làm cho sự cử động khó khăn, diễn ra ngoài ý muốn của con người.
Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường gặp ở bắp thịt của cẳng chân, bắp thịt đùi và hông, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Thời gian cơ co rút có thể diễn ra từ vài giây tới vài phút, nhưng hay tái diễn.
Chuột rút (Ảnh minh họa)
Triệu chứng
+ Khi bị chuột rút thường gây đau đớn, thậm chí rất đau (xuất hiện nhiều nhất ở các chi dưới).
+ Co quắp các ngón tay, ngón chân.
+ Đau cứng các bắp chân, bàn chân….
Nguyên nhân
+ Do thiếu ôxy cung cấp cho các cơ.
+ Rối loạn một số chất điện giải quan trọng như thiếu canxi hoặc kali máu.
+ Do vận động quá mạnh, quá lâu hoặc vận động khi thời tiết quá nóng, quá lạnh.
+ Do hoạt động thái quá của hệ thần kinh cơ bắp.
Chuột rút do hoạt động thái quá của hệ thần kinh cơ bắp (Ảnh minh họa)
+ Chuột rút xảy ra ban đêm do ban ngày đứng hoặc ngồi quá lâu làm cho cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc hoặc xảy ra ở người có dị dạng bàn chân.
+ Do ra nhiều mồ hôi hoặc trường hợp bị nôn nhiều.
+ Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh bị đau bụng cũng là một dạng chuột rút tại vùng bụng gây nên hiện tượng đau lan tỏa vùng thắt lưng và đùi…
Đối tượng nào dễ bị chuột rút
+ Chuột rút xảy ra đối với bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi.
+ Đối tượng dễ mắc chuột rút là phụ nữ có thai, người hoạt động nặng, vận động viên, cầu thủ đá bóng…
+ Chuột rút cũng xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp trạng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật…
+ Chuột rút cũng có thể xảy ra ở những người bệnh đang dùng một số thuốc như albuterol, niacin, thuốc lợi tiểu hoặc một số thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần…
Phụ nữ mang thai bị chuột rút do cơ thể thiếu chất canxi… (Ảnh minh họa)
Cách xử trí khi bị chuột rút
Mỗi khi bị chuột rút, nên tìm mọi cách làm cho hiện tượng chuột rút giảm hoặc mất đi nếu không sẽ rất đau, khó chịu, thậm chí nguy hiểm.
+ Chuột rút ở cơ bắp chân thì cần duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân ra phía sau, ép mạnh một tay vào gót chân.
+ Khi mới áp dụng sẽ thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại.
+ Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn.
Cách xử lý khi bị chuột rút (Ảnh minh họa)
Chuột rút có thể gây tử vong trong một số trường hợp
+ Vận động viên bơi lội.
+ Vận động viên leo núi.
+ Lái xe đường trường.
+ Thợ lặn.
+ Phi công lái máy bay…
Các phương pháp đề phòng chuột rút
+ Tập thể dục đều đặn, thường xuyên để lưu thông khí huyết.
+ Vận động các cơ bắp nhẹ nhàng.
+ Mỗi ngày nên tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần.
+ Đối với vận động viên nên tập các bài tập về kéo căng cơ chân, tay.
Tập thể dục hàng ngày giúp lưu thông khí huyết, phòng tránh chuột rút (Ảnh minh họa)
+ Những người phải ngồi lâu để làm việc thì giữa giờ làm việc nên đứng dậy, đi lại, vận động nhẹ khoảng từ 5 – 10 phút (lên xuống cầu thang bằng hình thức đi bộ).
+ Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh.
+ Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung thêm nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung nước muối sinh lý).
+ Cần uống đủ lượng nước trong một ngày/đêm (khoảng trên 1,5lít).
+ Ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung thêm các loại quả như: chuối, cam, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê, táo…
+ Đối với phụ nữ mang thai cần bổ sung các loại canxi, axít folic, magiê, sắt và có thể đi bộ hàng ngày từ 15 – 20 phút (trừ những trường hợp thầy thuốc sản khoa khuyên không được đi bộ).
+ Phụ nữ không nên đi giầy quá cao, nếu đi tất cần chọn loại tất đàn hồi tốt để tránh máu ứ đọng ở tĩnh mạch chi dưới.
+ Có thể dùng thuốc điều trị chuột rút với các loại: quinin sulfat, diphenhydramin hydrochlorid, vitamin E, thuốc thư giãn cơ, veramil hydrochlorid, chloroquin phosphat…
Phụ nữ không nên đi giầy quá cao đề phòng bị chuột rút (Ảnh minh họa)
Lời kết
Trong cuộc sống đời thường, hiện tượng chuột rút rất hiếm khi xảy ra đối với mọi người. Tuy nhiên, đối với những người lao động nặng, vận động viên, phụ nữ mang thai….do yếu tố công việc, thay đổi nội tiết, sinh lý…nên hiện tượng chuột rút xảy ra nhiều hơn và hay lặp đi lặp lại.
Chuột rút không kéo dài và không gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc thì có thể bị tai nạn, chuột rút khi đang bơi lội có thể làm bệnh nhân bị chết đuối…
Vì vậy, với bất kỳ ai, nếu chuột rút xảy ra nhiều lần cần đến cơ sở y tế khám để được tư vấn và trong trường hợp cần thiết sẽ được chỉ định dùng thuốc.
ĐHA – Benh.vn