Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo nên uống từ 1,5-2 lít nước/ngày nhưng lại ít ai đưa ra cảnh báo về việc uống quá nhiều nước…
Mục lục
Hầu hết mọi người đều biết rằng, uống nhiều nước rất có lợi cho sức khỏe khi nó giúp dưỡng da, giải độc cơ thể, cung cấp năng lượng… Tuy nhiên, không phải cứ uống càng nhiều càng tốt mà thậm chí, nếu lượng nước được nạp vào cơ thể mỗi ngày quá nhiều sẽ có thể gây ra những tác hại tiêu cực tới sức khỏe.
Đổ nhiều mồ hôi
Việc uống quá nhiều nước sẽ khiến cho cơ thể tiết mồ hôi nhanh và nhiều hơn. Nếu bạn uống nhiều nước hơn bạn cần thì đổ mồ hôi là một trong những cách mà cơ thể cố gắng để loại bỏ lượng nước dư thừa.
Mất ngủ
Uống nhiều nước, đặc biệt là vào cuối ngày có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và gây khó ngủ hay mất ngủ. Theo các chuyên gia, khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, não sẽ giải phóng ADH – hormone chống lợi tiểu, làm chậm chức năng của thận, đồng nghĩa với việc chúng ta không có nhu cầu cần phải đi tiểu vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu lượng nước mà cơ thể hấp thụ trong ngày quá lớn thì sẽ ảnh hưởng tới tác dụng của ADH và kết quả là nhu cầu tiểu tiện vào ban đêm sẽ tăng cao, ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngộ độc nước dẫn đến tử vong
Vào năm 2008, bà Jacqueline Henson (40 tuổi) đang thực hiện chế độ giảm cân nghiêm ngặt thì đã tử vong đột ngột do ngộ độc nước sau khi uống đến 4 lít nước trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Các chuyên gia lý giải, việc uống một lượng lớn nước trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận và khiến nồng độ muối trong máu giảm, gây đau đầu hoặc ngộ độc nước.
Tiến sĩ Frankie Phillips của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh Quốc cho biết: “Nếu chúng ta uống nhiều nước trong một thời gian rất ngắn thì thận không thể kịp thời loại bỏ các chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, khiến máu trở nên loãng hơn so với bình thường và nồng độ muối trong máu cũng ở mức rất thấp. Điều đáng chú ý là nồng độ muối trong máu và các tế bào thường tương đương nhau. Nếu máu đột nhiên trở nên loãng hơn, nó có thể khiến các tế bào, đặc biệt là các tế bào não phình to lên, tạo ra áp lực trong sọ, dẫn đến hiện tượng đau đầu và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong”.
Làm sao để biết đã uống đủ nước mà cơ thể cần?
Nước ở đây có thể bao gồm cả trà, cà phê, sữa, các loại nước ép trái cây và thậm chí là cả nước có trong những loại thực phẩm như trái cây, rau củ… tuyệt đối tránh các loại nước ngọt có ga.
Lượng nước bạn cần uống trong ngày sẽ tùy thuộc vào ngoại hình, môi trường sống và khả năng hoạt động của bạn. Thông thường, một người nên uống từ 1,5-2 lít nước/ngày. Nếu bạn cao lớn, hoạt động nhiều hoặc sống ở môi trường có khí hậu ấm áp thì nên uống nhiều nước hơn một chút. Cách tốt nhất để biết khi nào bạn cần uống nước là khi bạn cảm thấy khát.
Bạn cũng có thể biết lúc nào cần uống nước nhiều hơn hoặc ít đi bằng cách theo dõi màu sắc của nước tiểu. Màu sắc “lý tưởng” nhất là màu vàng nhạt. Nếu màu đậm hơn thì có nghĩa là bạn đang bị mất nước và cần phải bổ sung, còn màu rất nhạt hoặc gần như không màu thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã uống quá nhiều và cần hạn chế bớt lượng nước cũng như tốc độ uống.
Benh.vn (Theo dailymail)