Sau khi ra đời chương mục mới: “Câu lạc bộ trẻ tự kỷ”, chúng tôi đã nhận được một số thư của các bạn gửi đến để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình với những bà mẹ khác trong việc chăm sóc con cái.
Lá thư của mẹ bé P.L. đã gây xúc động cho cả ban biên tập về hành trình nuôi dạy và chăm sóc con mình. P.L. được ba mẹ đưa đến Đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 lần đầu lúc 2 tuổi 6 tháng, với các triệu chứng: không giao tiếp bằng mắt, gọi không quay lại, chơi một mình. Em không nói và chỉ hét khi muốn nói điều gì hoặc cầm tay ba mẹ để yêu cầu được giúp đỡ. Em không biết chơi, thường đổ tung đồ chơi, ngủ khó, hay đánh ba mẹ và chị. Sau một thời gian trị liệu với sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và gia đình, bé đã đi học ở trường mầm nom, đã hội nhập với bạn bè cùng lứa.
Chúng ta cùng nghe mẹ bé P.L. chia sẻ những kinh nghiệm quý báu qua lá thư đầy tâm huyết của mình:
Khi biết bệnh của bé, điều đầu tiên chúng tôi làm là chuyển bé về sống chung với đại gia đình của ba gồm có nhiều cô chú và các cháu nhỏ cùng tuổi với bé. Sau đó giúp bé cùng vui chơi sinh hoạt với các cháu cùng tuổi hoặc lớn hơn bé 4 – 5 tuổi, bé rất thích thú và bắt chước các bạn cũng như các anh chị rất nhiều.
Tiếp theo, chúng tôi phải sắp xếp chỗ sinh hoạt của bé, mua tranh ảnh về các con vật, chữ số, các bộ phận cơ thể người dán xung quanh phòng thấp ngang tầm nhìn của bé, đặt một tấm gương lớn nhìn toàn thân trên tường chỗ bé có thể thấy rõ mình. Bé thường đứng trước gương cử động và tự khám phá mình.
Về tài liệu, chúng tôi liên hệ với các Bệnh viện, Hội phụ huynh của các bé tự kỷ cũng như trên trang web www.vnspeechtherapy.com. Khi đọc các tài liệu đó tôi dùng bút màu highlight gạch đánh dấu vào những chỗ mà tôi cho là đúng và hợp với bé rồi rút ra áp dụng, làm cách này thỉnh thoảng nếu quên tôi cũng dễ dàng tìm lại được. Chúng tôi cũng phóng to những điều cần chú ý khi tập trẻ nói, cũng như các phương pháp dạy như 4S, các thứ tự công việc trẻ phải học …rồi chúng tôi dán xung quanh chỗ mà tôi có thể nhìn thấy dễ nhất.
Trong phòng của bé cũng có đầu máy, tivi, máy nghe đĩa. Chúng tôi mua tất cả những đĩa ca nhạc thiếu nhi và mỗi ngày cho cháu xem ít nhất là một đĩa. Thỉnh thoảng lúc bé nghỉ ngơi, chúng tôi cho bé nghe nhạc giao hưởng, hòa tấu không lời. Cháu rất thích xem ca nhạc thiếu nhi và bắt chước theo hành động, cũng như hát theo được vài đoạn.
Về đồ chơi thì theo tuổi của bé mà chúng tôi mua như bộ nấu ăn, bàn ghế, dĩa, tập cho bé giả bộ nấu ăn, làm bác sĩ khám bệnh, cho búp bê ăn, ngủ, đi chơi. Mua cho bé các khối gỗ hình vuông, tròn, tam giác, banh. Qua mỗi trò chơi chúng tôi đều dạy được cho bé thêm nhiều từ mới. Ví dụ: khi chơi bi-da, chúng tôi dạy bé đếm số bi, mỗi màu có bao nhiêu viên bi. Khi chơi khám bác sĩ, chúng tôi dạy cháu các bộ phận của thân thể.
Những ngày bé không đi học thì chúng tôi dẫn bé và chị đi ra ngoài, cố gắng cho bé tiếp xúc ở chỗ đông người càng nhiều càng tốt như công viên, nhà sách, hồ bơi. Ban đầu bé rất sợ và khóc thét khi đến đám đông. Nhưng chúng tôi thật kiên nhẫn và dịu dàng, không ép bé vào mà chở đi vòng phía ngoài nhiều tuần, nhiều tháng sau đó từ từ bé hết sợ. Chúng tôi cũng cho bé nhìn thấy anh chị vui chơi trong đám đông nhiều lần. Đến nay bé đã hòa nhập và vui chơi bình thường.
Sau mỗi lần tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý, chúng tôi thường lên kế hoạch chi tiết để dạy bé nói được thêm từ, xây dựng các trò chơi cần trí tưởng tượng hoặc sự khéo tay như tô màu. Chúng tôi không hạn định thời gian, mà làm đến khi nào đạt kết quả thì thôi.
Ban đầu, lúc hơn 2 tuổi, bé chưa nói được từ nào. Chúng tôi dạy bé học qua hình ảnh chụp các sinh hoạt hàng ngày của bé như ăn cơm, đánh răng, đi chơi công viên. Sau đó chúng tôi viết chữ chú thích bên dưới tấm ảnh đó rồi đi ép nhựa. Khi đem về, tôi dùng đồ bấm và cắt một miếng băng móc dính bằng khoảng đầu ngón tay bấm vào phía trên ảnh. Mỗi ngày chúng tôi dùng ảnh đó dán lên tấm bảng và sắp xếp ảnh theo chủ đề, ví dụ: người thân, đồ ăn, trái cây…đọc cho bé nghe trước và bé lặp lại rất tốt. Khi tiếp xúc nói chuyện với bé, chúng tôi luôn xưng tên và khuyến khích bé gọi tên tất cả như bé L., ba Đ., chị Ph., cô O..
Thời gian đầu bé chưa chịu nói, nhưng chúng tôi vẫn phải luân phiên nói chuyện với bé và yêu cầu tất cả mọi người trong gia đình vẫn nói chuyện, đặt câu hỏi rồi tự trả lời cho bé dù bé không đáp ứng gì. Nếu được thì khi đặt câu hỏi nên ngồi xuống đối diện với bé, nói chậm, lặp lại nhiều lần, dùng hình ảnh hoặc cử chỉ để minh họa cho đến khi bé hiểu. Điều này cần phải có một sự kiên nhẫn bền bỉ, không chán nản, kéo dài hàng tháng hàng năm cho đến khi bé bật nói những từ đầu tiên. Nhiều khi chúng tôi phải chờ gần một phút sau bé mới trả lời được.
Chúng tôi thường lựa chọn thời điểm lúc bé nằm chuẩn bị ngủ, hoặc ngồi bô để nói chuyện, đặt câu hỏi và bé đáp ứng rất tốt, vì những lúc đó bé không đi đâu được nên rất tập trung nhìn vào mặt ba mẹ, đó là thời điểm tốt nhất để dạy thêm từ đó cho bé.
Ngoài ra, sau nhiều năm chúng tôi cho bé đi học, tập nói, tập vật lý trị liệu ở rất nhiều nơi. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng chính cha mẹ chúng ta mới là người dạy bé tốt nhất và là nhân tố chính quyết định sự phát triển của bé. Các bạn không nên ỷ lại và phó mặc con bạn cho cô giáo, vì cô giáo có giỏi đến đâu cũng không đủ thời gian cho riêng con bạn. Về trường lớp, chúng tôi luôn theo dõi sát tâm lý của bé. Nếu gặp trường hợp bé không hợp tác với cô giáo, chúng tôi phải đổi lớp hoặc trường khác ngay, không để ảnh hưởng đến tâm lý làm bé sợ đến trường mà khóc thét không chịu vào lớp.
Vợ chồng chúng tôi luôn trao đổi lẫn nhau, hỏi thăm từng chi tiết nhỏ nếu có việc bận không theo sát bé được. Như vậy chúng tôi sẽ không bỏ sót những từ, câu nói mà bé nói được, để tiếp tục nhắc lại với bé câu nói đó và dạy tiếp những câu nói khác.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ là chúng tôi phải hy sinh toàn bộ thời gian rảnh của mình cho bé. Cả ba và mẹ thật sự yêu thương bé. Như thế các bậc phụ huynh sẽ tìm ra được cách tốt nhất để dạy cho con mình tiến bộ. Cả hai vợ chồng phải phân chia thời gian dạy con thật hợp lý thì mới đủ sức khỏe kéo dài năm này qua năm khác.
Theo CLB trẻ tự kỷ