Chàm sữa là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, gây khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các bé. Bài viết sau đây sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh để có thể phòng ngừa và xử lý hiệu quả cho các bé.
Mục lục
Nhận biết chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa còn được gọi là eczema, lác sữa hoặc viêm da cơ địa. Đây là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường khởi phát sớm khoảng 3 tuần sau sinh. Việc nhận biết đúng các triệu chứng của bệnh giúp cha mẹ phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho trẻ, đồng thời hạn chế tái phát và biến chứng.
Dấu hiệu của chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu phổ biến của bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh sau đây:
- Khi bắt đầu, các vùng da ở hai má, da đầu, trán hoặc cổ của trẻ xuất hiện các đám đỏ da. Các vùng này sau mọc nhiều mụn nước nông, dễ vỡ và hình thành các vảy tiết vàng nhạt. Khi vảy bong ít để lại sẹo.
- Chàm sữa gây ngứa dữ dội, tăng lên khi không khí khô, đổ mồ hôi, kích ứng tại chỗ hoặc quần áo khô ráp.
- Hạch lân cận vùng chàm sữa có thể sưng to nếu trẻ bội nhiễm.
- Khi trẻ biết bò, tổn thương có thể xuất hiện ở đầu gối, nhưng không thấy tổn thương ở vùng tã lót.
- Ngứa khiến trẻ khó chịu, bứt rứt, hay cọ xát và gãi cho đỡ ngứa, khiến mụn nước vỡ ra, da tổn thương gây nguy cơ bội nhiễm cao. Trẻ bị chàm sữa thường khó ngủ, quấy khóc và biếng ăn.
- Ngoài ra, ở những trẻ có cơ địa dị ứng với sữa động vật, hải sản, thịt bò, thịt gà, triệu chứng chàm sữa này có thể giảm khi không dùng các thực phẩm này cho trẻ.
Đa số các trường hợp chàm sữa ở trẻ sơ sinh tự khỏi khi trẻ được 18 – 24 tháng. Tuy nhiên, chàm sữa ở trẻ sơ sinh có tự hết không còn phụ thuộc một phần không nhỏ vào chế độ dinh dưỡng của trẻ và sự chăm sóc của cha mẹ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường như:
- Tổn thương trên da gây khó chịu đến mức khiến trẻ không ngủ được trong dài ngày.
- Xuất hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng da như các mảng da đỏ cứng nhô cao, mụn nước lớn, nhiều mủ đục, chảy mủ hoặc có vảy dày màu vàng.
- Trẻ sốt cao, có hạch to gần vùng da viêm.
- Các triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày mà không có dấu hiệu giảm nhẹ.
Phân loại các thể chàm sữa
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh được phân thành 3 cấp độ:
Chàm sữa cấp tính
- Đây là thể phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh.
- Triệu chứng: Đỏ da, nổi mẩn đỏ như mẩn ngứa, sau đó hình thành mụn nước màu đỏ gây ra tình trạng khó chịu trong vài ngày đến vài tuần.
- Thể bệnh này thường tự giảm đi sau một thời gian ngắn khi được chăm sóc đúng cách. Việc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và duy trì làn da sạch sẽ có thể giúp hạn chế đáng kể việc tái phát.
Chàm sữa mạn tính:
- Chàm sữa mạn tính xảy ra khi thể cấp tính kéo dài trong nhiều tháng.
- Triệu chứng: Tổn thương lan rộng, da trẻ trở nên sần sùi, thô ráp, tróc vảy tạo thành nhiều rãnh ngang dọc.
- Chàm sữa mạn tính là thể khó trị nhất và cần điều trị dài hạn. Tuy bệnh thường không thể chữa hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát và giảm triệu chứng bằng cách sử dụng các loại thuốc chống viêm da và chăm sóc đúng cách.
Chàm sữa bán cấp tính:
- Đây là cấp độ trung gian giữa giai đoạn cấp sang mạn tính, có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.
- Triệu chứng: Mảng tổn thương lan rộng hơn nhưng da ít đỏ, phù nề và ít tiết dịch hơn.
- Điều trị tốt trong giai đoạn này có thể giúp trẻ khỏi hẳn, ít tái phát hay chuyển sang mạn tính.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị chàm sữa
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm sữa ở trẻ vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra các yếu tố như tính nhạy cảm di truyền, tình trạng rối loạn miễn dịch, rối loạn chức năng biểu bì và các yếu tố môi trường có liên quan mật thiết đến căn bệnh này.
Yếu tố di truyền từ cha mẹ
Trên 80% các trường hợp trẻ bị chàm sữa có bố, mẹ hoặc anh chị em mắc viêm da cơ địa hoặc mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… Do vậy, cơ địa dị ứng di truyền có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị chàm sữa.
Ngoài ra, gần đây các nhà khoa học đã xác định được những đột biến chức năng của gen mã hóa cấu trúc biểu bì Filaggrin có thể dẫn đến chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Gen này đóng vai trò giữ cho da ẩm và ổn định sự liên kết của da, do vậy khi đột biến gây thiếu hụt Filaggrin, khiến da khô, dễ nứt nẻ và kích ứng, gây các biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa. Những gia đình có bất thường về gen này có tỷ lệ cao mắc các bệnh viêm da như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa.
Bất thường trong hệ miễn dịch
Bên cạnh các yếu tố di truyền, một số nghiên cứu mới đã chỉ ra bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh cũng liên quan lớn đến tình trạng rối loạn miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải. Trẻ sơ sinh mắc bệnh tự miễn hoặc có bất thường trong hệ miễn dịch gây phản ứng quá mức thành dễ bị chàm sữa hơn so với bình thường.
Ngoài ra, hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh còn rất yếu và phụ thuộc nhiều vào miễn dịch thụ động từ mẹ. Do vậy, khi trẻ thể trạng yếu, cơ thể khó chống lại các tác nhân bên ngoài cũng khiến da nhạy cảm hơn và dễ khởi phát bệnh.
Tác nhân từ môi trường
Một số tác nhân từ môi trường kết hợp với có thể kích thích khởi phát chàm sữa ở trẻ có cơ địa nhạy cảm như như:
- Tác nhân gây dị ứng: Trẻ sơ sinh có thể bị chàm sữa do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như cát bụi, lông thú cưng, phấn hoa hoặc hạt thực phẩm.
- Hóa chất: Sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất như xà phòng, dầu gội, kem dưỡng da không phù hợp có thể gây kích ứng và dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh.
- Thời tiết: Trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc khô hanh, da trẻ sơ sinh dễ bị khô và viêm nhiễm, tăng nguy cơ bị chàm sữa.
- Da khô do tắm nhiều: Tắm quá nhiều hoặc sử dụng nước quá nóng có thể làm mất độ ẩm tự nhiên của da, dẫn đến da khô và dễ bị chàm sữa.
Lưu ý cho cha mẹ trong điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Cách trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh thường phối hợp điều trị bằng thuốc, chăm sóc da và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh. Cụ thể:
Điều trị bằng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ
Trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm và dễ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, kể cả khi dùng ngoài và dùng đường uống. Tuy nhiên, thuốc bôi dễ kiểm soát hơn, do vậy thường được ưu tiên khi điều trị chàm sữa cho trẻ. Các thuốc thường được dùng trong điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh:
- Thuốc bôi corticoid: dùng để giảm viêm, giảm ngứa nhanh chóng cho trẻ, thường dùng Hydrocortisone. Tuy nhiên cần lưu ý dùng đúng theo khuyến cáo của bác sĩ do làn da trẻ sơ sinh mỏng và nhạy cảm, thuốc dễ thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân.
- Thuốc bôi không chứa corticoid: kháng sinh (dùng trong trường hợp có bội nhiễm), thuốc kháng Histamin H1 như Diphenhydramin, Hydroxyzine (giảm ngứa, an thần), thuốc chứa Nano bạc chuẩn hóa như gel bôi PlasmaKare No5 (giảm viêm, sát trùng, thúc đẩy lành vết thương),…
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ
Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng trong quá trình điều trị chàm sữa. Dưới đây là hướng dẫn cách vệ sinh cho trẻ bị chàm sữa:
Bước 1: Chuẩn bị
- Phòng tắm kín đáo, không có gió, nhiệt độ phòng ấm.
- Nhiệt độ nước trong khoảng 37 – 40 độ.
- Chuẩn bị các sản phẩm tắm phù hợp: Sử dụng sữa tắm, gel tắm hoặc xà phòng dịu nhẹ ít kiềm, không chứa hương liệu và các thành phần gây kích ứng. Tránh sử dụng các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh hoặc chứa hóa chất có thể gây kích ứng cho da trẻ, khiến bệnh nặng hơn.
Bước 2: Tắm cho trẻ
- Gội đầu trước. Với chàm sữa ở đầu trẻ sơ sinh chỉ nên dùng bàn tay hoặc cọ mềm chải nhẹ trên da đầu bé.
- Tắm trẻ từ trên xuống dưới, bắt đầu từ mặt xuống cổ, tay, ngực, lưng, bụng, chân và vùng da đặc biệt như hậu môn hoặc khu vực có triệu chứng chàm.
- Tránh cọ xát quá mạnh và không sử dụng bọt biển hoặc găng tắm có thể làm tổn thương da.
Bước 3: Lau khô, bôi kem dưỡng và bôi thuốc
- Sau khi tắm, lau khô da trẻ bằng khăn mềm và sạch. Cần chú ý lau nhẹ nhàng.
- Ngay sau khi lau khô, thoa một lượng kem dưỡng ẩm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh. Có thể dùng các loại dưỡng ẩm chứa Ceramide, Urea,…
- Bôi thuốc cho trẻ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Vệ sinh môi trường nhà ở
Cha mẹ nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để giảm bụi bẩn và các chất gây dị ứng trong không khí. Đồng thời cha mẹ cũng cần thường xuyên giặt giũ, là quần áo, chăn ga gối đệm của trẻ sạch sẽ để trẻ thoải mái và tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Lưu ý khác khi điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh
Dưới đây là một số lưu ý không kém phần quan trọng khi điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần nhớ:
- Đưa trẻ đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
- Không được tự điều trị chàm sữa tại nhà bằng thuốc hoặc các mẹo chữa bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh như đắp lá, bôi rượu thuốc,…
- Không để trẻ gãi ở các vùng có tổn thương.
- Lựa chọn quần áo cho mềm mại, thoáng khí và không gây kích ứng cho da trẻ.
Trên đây là những thông tin về bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần lưu ý. Chàm sữa là căn bệnh có thể tái phát và ảnh hưởng đến sự phát triển của con, do vậy biết cách chăm sóc và điều trị hiệu quả cho con đóng vai trò rất quan trọng.