Điều trị bệnh trĩ là một trong những vấn đề nan giải hiện nay do chưa có thuốc đặc trị và việc điều trị khỏi phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh khi bắt đầu điều trị, khả năng tuân thủ của bệnh nhân.
Chẩn đoán xác định bệnh trĩ
Trước khi điều trị cần phải chẩn đoán xác định bệnh trĩ để phân biệt với các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự.
Có hay không có bệnh trĩ
Chẩn đoán xác định trĩ bằng hỏi bệnh bằng quan sát vùng hậu môn. Trong những trường hợp lâm sàng gợi ý mà không khẳng định phải soi hậu môn và soi trực tràng đại tràng.
Trĩ bệnh hay trĩ triệu chứng
Trĩ triệu chứng được thấy trong:
Hội chứng áp lực ở tĩnh mạch cửa. Ở các đám rối trĩ có sự thông nối giữa hai hệ thống tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ. Khi áp lực tĩnh mạch cửa tăng lên các đám rối tĩnh mạch trĩ giãn ra tạo thành trĩ
Ung thư hậu môn trực tràng. Khi khối u ở ống hậu môn hay ở phần thấp ở bóng trực tràng phát triển to có thể chèn ép mạch máu ở ống hậu môn trở về làm các đám rối tĩnh mạch giãn ra tạo thành trĩ.
Tình trạng mang thai nhiều tháng.
Thương tổn bệnh trĩ
Không lầm lẫn trĩ nội với trĩ ngoại. Trĩ ngoại không bị chẩn đoán lầm trĩ nội. Sai lầm thường mắc phải là trĩ nội sa bị chẩn đoán nhầm là trĩ ngoại vì thấy nằm ngoài ống hậu môn. Khi chẩn đoán trĩ nội hay trĩ ngoại không căn cứ vào vị trí búi trĩ nằm mà căn cứ vào cái gì bao bọc nó: da hay niêm mạc. Bao bọc trĩ ngoại là da, bao bọc trĩ nội là niêm mạc,
Mức độ thương tổn của trĩ nội độ 1 bằng soi hậu môn. Chẩn đoán trĩ nội độ 2, độ 3, độ 4 bằng hỏi bệnh và quan sát thương tổn
Biến chứng bệnh trĩ
Trĩ ngoại tắc mạch: nhìn thấy da căng phồng, có thể thấy một diện nhỏ màu tím. Ấn thấy cứng và rất đau.
Trĩ nội tắc mạch: khi thăm hậu môn trực tràng, ngón trỏ miết nhẹ vào thành ống hậu môn cảm giác được những cục cứng nằm ở bất cứ vị trí nào của chu vi ống hậu môn, ấn rất đau.
Trĩ nội sa nghẹt chẩn đoán rất dễ dàng: bệnh nhân rất đau đớn. Nhìn thấy một khối trĩ vòng nằm ngoài ống hậu môn phù nề, màu tím thẫm.
Khối trĩ sa nghẹt, nếu không xử trí sẽ bị lở loét, nhiễm trùng.
Các biến chứng trên làm bệnh nhân rất đau đớn, khổ sở, nhất là khi ngồi tì hậu môn trên ghế. Bệnh nhân chỉ dám ngồi một mông.
Thương tổn đi kèm với bệnh trĩ
Thương tổn đi kèm thường thấy là
- Nứt hậu môn: thương tổn nứt hậu môn thường thấy ở vị trí 6h, rất thường có một búi trĩ đi kèm che lấp thương tổn nứt. Vì vậy khi thấy một búi trĩ nhỏ ở vị trí này phải xem ở cạnh búi trĩ đó có thương tổn nứt hậu môn hay không
- Rò hậu môn chẩn đoán không khó.
Chẩn đoán phân biệt bệnh trĩ
Ung thư ống hậu môn và ung thư bóng trực tràng; Triệu chứng này hay gặp của ung thư hậu môn trực tràng là đại tiện ra máu. Nếu thăm khám không đúng phương pháp và nhận định không tinh rất dễ nhầm lẫn chẩn đoán. Máu chảy trong ung thư máu không đỏ thắm mà thường đỏ lờ lờ kèm theo ít chất nhầy, máu trộn lẫn với phân. Có khi đi đại tiện ra rất nhiều máu cục do máu chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng, sau đó mới đi ra ngoài. Vì vậy, thăm hậu môn trực tràng là động tác bắt buộc trong chẩn đoán trĩ.
Polyp hậu môn trực tràng, polyp đơn độc và bệnh đa polyp đại trực tràng: có triệu chứng đại tiện ra máu. Những polyp nằm ở phần thấp của bóng trực tràng và ống của hậu môn, nhất là khi có cuống dài, khi đại tiện có thể lòi ra ngoài ống hậu môn, nên khi có thể chẩn đoàn lầm với bệnh trĩ. Khi có nghi ngờ, nhất thiết phải soi hậu môn trực tràng
Sa trực tràng: thương tổn này gặp không nhiều. Chẩn đoán phân biệt không khó. Trong sa trực tràng, khi đại tiện lòi ra ở hậu môn một khối. Tính chất của khối trực tràng sa rất khác với búi trĩ sa. Đã có dịp gặp, khó quên. Khối sa của trực tràng có hình thù đều đặn, phủ bởi niêm mạc hồng tươi, trên khối sa lồi có những nếp niêm mạc hình vòng tròn đồng tâm. Tâm vòng tròn là lỗ hậu môn. Chiều dài của khối trực tràng sa có thể chỉ 1-2cm, có thể 10-15cm. Khi dài, ở tư thế ngồi xổm, khối sa có thể chạm mặt giường, trong khi đó chiều dài của búi trĩ tối đa chỉ khoảng 1cm.
Ngoài ra còn cần phân biệt với một số bệnh khác như lỵ, lồng ruột, viêm loét đại trực tràng chảy máu, viêm do tia xạ, bệnh Corhn…vì chúng có triệu chứng đại tiện ra máu.
Những chi tiết về chẩn đoán thương tổn và chẩn đoán phân biệt này rất quan trọng vì chúng quyết định thái độ điều trị và phương pháp điều trị.
Điều trị bệnh trĩ
Điều trị bệnh trĩ cần kết hợp sử dụng thuốc với điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, ăn uống. Tuân thủ nghiêm ngặt lời khuyên của bác sỹ để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh trĩ.
Nguyên tắc điều trị bệnh trĩ
- Không điều trị trĩ triệu chứng, trừ khi có biến chứng.
- Chỉ điều trị trĩ khi bệnh nhân có những rối loạn ảnh hưởng tới cuộc sống lao động và sức khoẻ.
- Trước khi điều trị bệnh trĩ, phải điều trị các rối loạn được coi là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ.
- Bệnh trĩ có nhiều loại thương tổn, nhiều hình thái, nhiều mức độ, khi điều trị phải chọn phương pháp thích hợp cho từng loại
- Không gây nên các hậu quả xấu hơn những rối loạn của bệnh trĩ.
- Ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ
Chế độ ăn uống khi điều trị bệnh trĩ
Ăn chế độ nhuận tràng: đồ ăn dễ tiêu, nhiều nhau, trái cây. Uống nhiều nước. Hạn chế cà phê, trà đặc. Kiêng rượu, thuốc lá. Nếu có táo bón phải dùng thuốc nhuận tràng, dùng từng đợt, không nên kéo dài lâu
Chế độ sinh hoạt khi điều trị bệnh trĩ
Tránh ngồi lâu một chỗ, tránh đi lại nhiều. Tập thói quen đại tiện đúng giờ giấc. Tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao vừa sức.
Chế độ làm việc khi điều trị bệnh trĩ
Tránh những công việc nặng nhọc quá sức. Những động tác mạnh bạo làm áp lực ổ bụng tăng lên đột ngột.
Điều trị các rối loạn đại tiện trong bệnh trĩ
Đa số bệnh nhân mắc bệnh trĩ có các rối loạn đại tiện do viêm đại tràng mãn tính, do hội chứng ruột bị kích thích. Trước khi chữa trĩ bao giờ cũng phải điều trị các chứng bệnh này.
Điều trị các bệnh mãn tính hiện có khi điều trị bệnh trĩ
Bệnh mãn tính thường có là viêm phế quản, nhất là người lớn tuổi, bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường..
Ở người cao tuổi phải đánh giá tình trạng tuyến tiền liệt. Can thiệp ở vùng hậu môn trực tràng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của tuyến tiền liệt. Ở người cao tuổi, bí tiểu kéo dài rất dễ xảy sau can thiệp bệnh trĩ.
Điều trị nội khoa bệnh trĩ
Dùng các thuốc có tác dụng
- Tăng cường thành mạch: các chất có chứa vitamin P họ flavonoide, rutoide, datton, ginkor fort…
- Giảm đau và chống ngứa.
Điều trị qua nội soi: thắt búi trĩ bằng vòng cao su, áp lạnh, laser, tiêm xơ
Điều trị bằng mổ ngoại khoa