Bệnh rối loạn tiền đình tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Để giảm thiểu triệu chứng tiền đình, người bệnh cần sắp xếp công việc hợp lý. Bên cạnh đó việc áp dụng chế độ ăn hợp lý, chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể cũng góp phần cực kỳ quan trọng trong việc điều trị bệnh.
Mục lục
Vai trò của vùng tiền đình
Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.
Vùng tiền đình
Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh. Các chuyển động như quay mình, nghiêng qua phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhận.
Biểu hiện rối loạn tiền đình
+ Có cảm giác cơ thể hoặc sự vật chung quanh đang quay hoặc di động.
+ Mất thăng bằng, đi đứng không vững.
+ Phải vịn vào vật tựa nào đó mới đứng lên và bước tới được.
+ Muốn xỉu ngã.
+ Yếu, mệt.
+ Kém tập trung.
+ Buồn nôn, ói mửa…
Lưu ý: triệu chứng xuất hiện bất thường trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài lâu hơn.
Chế độ ăn giảm thiểu triệu chứng tiền đình
+ Tăng cường các loại rau xanh cho cơ thể như rau cải cúc, cải xoong, rau ngót, các loại đỗ, đậu…
+ Bổ sung hoa quả tươi chứa các loại vitamin có trong táo, cam, lê, chuối …tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
+ Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, muối cao, các đồ ăn nhanh.
Không sử dụng đồ uống có chứa cafein
+ Không sử dụng các thực phẩm và đồ uống có chứa chất kích thích cafein (cafein khiến tình trạng ù tai tăng lên).
+ Hạn chế rượu, bia (bia tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra các cơn đau đầu).
+ Uống đủ lượng nước từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày (bù lượng nước cơ thể bị mất).
+ Không hút thuốc lá (Nicotine trong thuốc lá làm giảm cung cấp máu cho tai trong bằng cách thắt mạch máu, gia tăng ngắn hạn huyết áp).Bên cạnh đó cần cẩn trọng với các loại thuốc kháng axit, kháng viêm không steroid NSAIDs, Aspirin…
Bổ sung các vitamin khi bị rối loạn tiền đình
Vitamin B-6
Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin B-6 có thể khắc phục chứng chóng mặt, tạo sự cân bằng cho hệ thống tiền đình.
Phương pháp: Bổ sung vitamin B6 có trong thịt gia cầm, các loại hải sản, sữa, pho mát, đậu khô, rau bina…
Vitamin C
Vitamin C có tác dụng giảm bớt các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do hội chứng rối loạn tiền đình gây ra.
Vitamin C có trong hoa quả rất tốt cho bệnh nhân tiền đình
Phương pháp:
+ Bổ sung 600mg vitamin C/ngày/người (trong 8 tuần liên tục) có thể kiểm soát bệnh rối loạn tiền đình.
+ Bổ sung vitamin C có trong các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, ớt xanh, đu đủ…
Vitamin D
Một điều kiện được gọi là xơ cứng tai có thể gây ra tổn thất do tăng trưởng bất thường trong hệ thống tiền đình nghe.
Phương pháp:
+ Bổ sung vitamin D có thể giúp giảm bớt tình trạng tiền đình.
+ Vitamin D có trong các loại cá gồm cá hồi, cá nục, cá trắm, cá quả, các loại trứng.
Axit folic
Axit folic là một vitamin giúp giảm bớt các vấn đề cân bằng ở người lớn tuổi có tác dụng sửa chữa những khiếm khuyết trong hệ thống tiền đình.
Các loại rau củ chứa Axit folic
Phương pháp:
+ Tăng cường sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt như: ngô, kê, gạo tím, cao lương, yến mạch, kiều mạch, lúa mỳ và các loại đậu khô như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ…
+ Bổ sung các thực phẩm chứa Folate như rau lá xanh, trái cây, các sản phẩm từ sữa và thịt.
Lời kết
Rối loạn tiền đình là căn bệnh thường gặp đối với những người làm việc trong văn phòng, tiếp xúc thường xuyên với máy tính… Để giảm thiểu những tác nhân gây bệnh, người mắc chứng rối loạn tiền đình cần tập thể dục thường xuyên, không ngồi liên tục quá lâu, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích, những thực phẩm chứa nhiều muối, đường…
Đặc biệt, người bệnh không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh dẫn đến choáng váng, cần giảm căng thẳng, lo âu, hoảng hốt, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô…
Hải Yến – Benh.vn