Trong chúng ta ai cũng biết thói quen ăn mặn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và cao huyết áp.
Thành phần chính của muối ăn là natri do vậy khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
Những tổn thương đối với mạch máu có thể khiến nó bị vỡ hoặc bị vón cục lại, nếu xảy ra ở não thì có thể gây ra đột quỵ. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chế độ ăn nhiều muối có thể gây cứng động mạch chủ và huyết mạch.
Ngoài ra, ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen suyễn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy việc tiếp nạp quá nhiều muối có thể là một yếu tố làm gia tăng các bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng như bệnh đa xơ cứng ở người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên vào các tiệm thức ăn nhanh nhiều hơn 1 lần/ tuần, số lượng tế bào viêm nhiễm tăng lên. Khi cơ thể cần được bảo vệ, các tế bào viêm nhiễm sẽ được hệ miễn dịch sản sinh nhằm chống lại các tổn thương, song chúng đồng thời cũng tấn công các tế bào có lợi, do đó dẫn đến các bệnh tự miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành xem xét sự ảnh hưởng của lượng muối được đưa vào cơ thể các con chuột thí nghiệm. Họ nhận thấy rằng ở những con chuột có khẩu phần ăn nhiều muối, cơ thể của chúng sản sinh ra các tế bào miễn dịch T helper 17 (Th17).
Tế bào Th17 có khả năng tạo ra các phản ứng giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh, song nó còn là nguyên nhân gây ra một số chứng rối loạn khả năng tự miễn dịch, dẫn đến các bệnh vẩy nến, đa xơ cứng, thấp khớp, viêm khớp và viêm đốt sống. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những con chuột ăn thức ăn có chứa muối cũng có nguy cơ mắc nh iều bệnh nguy hiểm hơn những con có khẩu phần ăn bình thường.
Thực tế, cần phải nghiên cứu thêm để có thể đưa ra kết luận chính xác về mối liên hệ này, song chuyên gia này khuyến cáo những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cần giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của mình cũng như hạn chế các thực phẩm đóng hộp.
Bệnh tự miễn dịch là những bệnh mà những tổn thương bệnh lý gây ra do sự đáp ứng miễn dịch chống lại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể.
Nói cách khác là trong cơ thể người bệnh xuất hiện những tự kháng thể chống lại các thành phần của các bộ phận trong cơ thể gây nên tổn thương ở các bộ phận đó.
Những chú ý khi về muối trong bữa ăn hàng ngày
Đối với người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn cũng chỉ nên ăn 6-8 g muối một ngày. Như vậy thì một gia đình 3 người mỗi tháng tiêu thụ khoảng một gói muối 500gr – 600gr. Với lượng muối như vậy thì ta vẫn có thể chế biến những món ăn ngon không cần phải ảnh hưởng đến khẩu vị.
Riêng đối với trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo; vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Lưu ý
– Không nên dùng quá nhiều gia vị chứa nhiều muối như nước xốt.
– Dùng ít các loại đồ ăn ướp lạnh, thực phẩm chế biến sẵn…
– Nếm đồ ăn trước khi bạn nêm muối. Mọi người thường có thói quen nêm muối khi chưa thử. Nếu ăn thử trước khi cho muối, bạn sẽ biết được muối và những gia vị khác đã đủ chưa.
– Tránh đặt lọ muối trên bàn ăn. Tạo hương vị cho món ăn bằng những gia vị và thảo mộc để thay muối.
– Bỏ thói quen chấm muối các loại món ăn như trái cây…
Benh.vn (theo Vnmedia)