Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học tại Copenhagen, Đan Mạch đã tiến hành nhiều thí nghiệm để khẳng định vai trò của chế phẩm probiotic trong việc cải thiện tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ.
Mục lục
Chế phẩm probiotic được định nghĩa như những vi sinh vật sống mà khi đưa vào cơ thể có thể đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng ngừa hoặc điều trị một tác nhân gây bệnh đặc biệt.
Vào năm 1991, 1 nhóm người Phần Lan đã chứng minh hiệu quả có lợi của chủng Lactobacillus GG ATCC 53103 (L. GG) ở trẻ em mắc viêm dạ dày – ruột do virus, điển hình là tiêu chảy cấp do rotavirus. Đặc biệt, 1 vài nghiên cứu sau đó có nhóm chứng placebo với L. GG và các chủng lợi khuẩn khác, ví dụ Lactobacillus reuteri đã được tiến hành, chủ yếu ở các trẻ em được chăm sóc tốt nhập viện phần lớn vì viêm dạ dày – ruột do rotavirus.
Nghiên cứu trên các trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp
Trong 1 nghiên cứu đa trung tâm trước đó, thời gian nằm viện đã giảm đáng kể ở các bệnh nhân sử dụng dung dịch bù nước và điện giải đường uống (ORS) chứa L. GG so với các bệnh nhân không dùng probiotic. Do vậy, các nhà khoa học tại Copenhagen đã tiến hành nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của 2 chủng lợi khuẩn Lactobacillus mới được nhận dạng trong bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.
Trong nghiên cứu này, 69 trẻ nhỏ được lựa chọn ngẫu nhiên trong thời gian nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp để sử dụng 1 hỗn hợp của Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và Lactobacillus reuteri DSM 12246. Liều dùng: 1010 đơn vị hình thành khuẩn lạc (cfu) của mỗi chủng hoặc placebo 2 lần/ngày trong 5 ngày. Trước khi lựa chọn những chủng này, các đặc tính lợi khuẩn tiềm năng của chúng đã được chứng minh trong thử nghiệm in vitro và trên các tình nguyện viên khỏe mạnh.
Kết quả
Kết quả thu được rất tích cực. Ở các bệnh nhân sử dụng chế phẩm probiotic, thời gian tiêu chảy đã giảm 20%. Thời gian bị tiêu chảy là 82h ở nhóm điều trị so với 101h ở nhóm chứng (không có ý nghĩa thống kê, P = 0.07). Tuy nhiên, 3 trong 30 bệnh nhi từ nhóm điều trị bằng probiotic và 13 trong 39 từ nhóm chứng vẫn đi ngoài phân lỏng ở giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu (P = 0.03).
Ở các bệnh nhân mắc tiêu chảy < 60h trước khi bắt đầu điều trị bằng probiotic (can thiệp sớm), lợi khuẩn đã được chứng minh hiệu quả rõ ràng (80h ở nhóm điều trị so với 130h ở nhóm chứng, P = 0.003). Sau khi can thiệp sớm, khoảng thời gian nhập viện đã giảm 48% (3.5 so với 1.7 ngày, P = 0.03). Ở giai đoạn can thiệp cuối, kháng nguyên rotavirus được tìm thấy ở 12% bệnh nhi từ nhóm điều trị và 46% từ nhóm chứng (P = 0.02).
Kết luận
Từ những kết quả tích cực trên, nhóm tác giả kết luận: 2 lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và Lactobacillus reuteri DSM 12246 đã cải thiện tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em nhập viện và làm rút ngắn giai đoạn thải trừ rotavirus. Liệu pháp điều trị bằng vi khuẩn đường uống đã giúp làm giảm thời gian nằm viện. Các hiệu quả có lợi dễ thấy nhất ở những trẻ em được điều trị sớm trong giai đoạn tiêu chảy.
Nghiên cứu trên các trẻ bị tiêu chảy nhưng điều trị ngoại trú
Nhóm các nhà khoa học từ Copenhagen, Đan Mạch tiếp tục tiến hành nghiên cứu về hiệu quả của chế phẩm probiotic trên các trẻ bị tiêu chảy nhẹ và không cần nhập viện.
Nghiên cứu được tiến hành ngẫu nhiên có đối chứng giả dược ở 1 nhóm trẻ em được chọn từ các nhà trẻ ở địa phương bị tiêu chảy cấp tại Copenhagen, Đan Mạch. Chế phẩm probiotic được sử dụng chứa Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và Lactobacillus reuteri DSM 12246 đông khô. Các bệnh nhi được sử dụng 1010 đơn vị nuôi cấy khuẩn lạc (cfu) mỗi chủng 2 lần/ngày hoặc dùng giả dược trong 5 ngày. Thời gian tiêu chảy và độ cứng của phân được ghi chép lại bởi các phụ huynh.
Kết quả
Kết thúc nghiên cứu, kết quả thu được cũng rất phù hợp với những báo cáo trước đó:
Ở những bệnh nhi được điều trị bằng các chủng Lactobacillus chọn lọc, thời gian tiêu chảy trung bình sau can thiệp đã giảm (76 giờ ở bệnh nhi được điều trị với chế phẩm probiotic so với 116 giờ ở nhóm dùng giả dược; P = 0.05).
Ở những bệnh nhi bị tiêu chảy < 60h trước khi bắt đầu điều trị (can thiệp sớm), hiệu quả của lợi khuẩn rõ ràng hơn. Thời gian hồi phục sau điều trị sớm là 79 giờ so với 139 giờ ở nhóm dùng giả dược (P = 0.02); chỉ có 1 trên 17 bệnh nhi được điều trị sớm có phân lỏng sau 120 giờ kể từ khi bắt đầu điều trị so với 6 trên 13 bệnh nhi trong nhóm chứng (P = 0.03).
Kết luận
Qua đó, các nhà khoa học kết luận: Với các trẻ em ở nhà trẻ bị viêm dạ dày – ruột nhẹ, sự kết hợp giữa Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và Lactobacillus reuteri DSM 12246 đã có hiệu quả trong việc làm giảm thời gian tiêu chảy. Các lợi khuẩn có thể hiệu quả nhất nếu được sử dụng khi mới bị tiêu chảy.
Tóm lại, các nghiên cứu trên chỉ ra rằng chế phẩm probiotic kết hợp từ hai chủng Lactobacillus đã cho thấy hiệu quả đặc biệt trên các trẻ bị tiêu chảy cấp. Tiêu chảy vốn là một bệnh rất dễ lây lan khi trẻ đi học hoặc đến nơi đông đúc như nhà trẻ. Nếu như được dự phòng và điều trị sớm, cũng như hỗ trợ điều trị bằng chế phẩm probiotic chuyên biệt, các em có thể sẽ giảm nhẹ được triệu chứng và mau khỏi bệnh hơn.
Benh.vn