Mới đây các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số cơ sở sử dụng hóa chất “vàng ô” (VAT Yellow) trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng cho gà trong thời gian vỗ béo gà.
Mục lục
Chất cấm trong chăn nuôi
Các chất vàng ô thuộc nhóm anthraquinone – một trong những chất hóa học có tiềm năng gây ung thư ở động vật. Tồn dư chất vàng ô nguy hiểm trong các sản phẩm chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 42 về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, bổ sung 5 loại vàng ô vào danh mục này gồm: VAT YELLOW 1, VAT YELLOW 2, VAT YELLOW 3, VAT YELLOW 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm.
Chất vàng ô độc như thế nào ?
Vậy chất vàng ô được trộn lẫn là gì, độc hại ra sao, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Vàng-ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thịt có tồn dư chất này.
“Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-Ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt”, ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, việc cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất Vàng-ô để tạo màu thịt gà xuất phát từ tập quán tiêu dùng của người Việt Nam hay thích ăn những thực phẩm có màu sắc bắt mắt. Các loại thịt sử dụng chất này có màu vàng bắt mắt trên thực tế không làm tăng chất dinh dưỡng ở thịt. Thực tế cho thấy người châu Âu họ ăn các loại thịt màu trắng nhưng họ vẫn cao lớn, thông minh.
Bột vàng ô được hòa nước bôi vào giấy cho màu vàng đẹp mắt.
Tính chất của chất vàng ô
Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau khi nhận được công văn của Thanh tra Bộ NNPTNT đã có văn bản trả lời cụ thể về chất vàng ô. Theo đó, bản chất của chất vàng ô (VAT YELLOW) là tên gọi một nhóm hóa chất được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất giấy và công nghiêp dệt (nhuộm màu vàng sợi nhân tạo, vải, len, cotton…).
Các chất thuộc nhóm vàng ô thường tồn tại ở dạng tinh thể, có ánh kim, màu từ vàng nhạt đến vàng nâu. Ngoài ra, một số chất thuộc nhóm này còn có thể thấy ở dạng dung dịch đặc nhớt màu vàng. Các chất vàng ô có độ tan ở nước kém nhưng tan nhiều trong các dung môi hữu cơ, thường được sử dụng như một chất tạo màu công nghiệp.
Dự thảo các kháng sinh, hóa dược sử dụng trong chăn nuôi
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư ban hành danh mục kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Thông tư này sẽ bãi bỏ quy định sử dụng kháng sinh, hóa dược trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT ngày 25.12.2009 và Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25.6.2012 của Bộ NNPTNT.
Theo đó, có 16 loại kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu dùng để kích thích sinh trưởng và phòng cầu trùng (bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm giảm tốc độ lớn của gia cầm). Thông tư cũng quy định rõ hàm lượng sử dụng kháng sinh và thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Chất cấm vàng ô bị phát hiện tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương).
Chất vàng ô ảnh hưởng tới người như thế nào ?
Về bản chất hóa học, các chất vàng ô thuộc nhóm anthraquinone – một trong những chất hóa học có tiềm năng gây ung thư ở động vật. Các triệu chứng đã được ghi nhận trên người khi bị nhiễm các anthraquinone bao gồm: nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, thận gây hôn mê. Tại vùng ra bị phơi nhiễm trực tiếp với các anthraquinone, độ kích ứng quan sát được có thể ở mức từ nhẹ đến trung bình như: sưng, phồng rộp, tấy đỏ và đau; đặc biệt ở những tế bào niêm mạc miệng, mũi và mắt.
Nếu hít phải những chất này có thể gây khó thở. Bởi vậy, những chất vàng ô ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng nếu phơi nhiễm kéo dài.
Bộ NNPTNT đã chính thức bổ sung 5 loại vàng ô vào danh mục cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Hành vi sử dụng chất cấm trong gia công sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 70 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 1 đến 3 tháng.
Benh.vn