Hạn dùng được định nghĩa là “khoảng thời gian sử dụng ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô), sau thời hạn này thuốc đó không còn giá trị sử dụng”.
Mục lục
Ý nghĩa của con số trên thuốc
Theo quy định của Bộ Y tế, hạn dùng được ghi bằng số hoặc chữ chỉ tháng và năm: Số chỉ tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ. Số chỉ năm là hai con số cuối của năm.
Trong trường hợp của bạn hạn dùng của thuốc được ghi là 09/2014, nghĩa là từ ngày 01/09/2014 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không được sử dụng.
Tình trạng các hoạt chất trong thuốc khi hết hạn
Khi thuốc đã hết hạn sử dụng, dù trông vẻ bề ngoài thường không có sự thay đổi, nhưng bạn không nên sử dụng bởi chúng sẽ hoặc là mất tác dụng điều trị do giảm hoặc mất đi lượng hoạt chất cần thiết hoặc có thể gây độc vì hoạt chất của một số thuốc theo thời gian có thể chuyển sang một dạng mới, khác xa với dạng ban đầu và nếu dạng này có độc tính sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.
Đối với thuốc không phân liều, phải sử dụng nhiều lần như: Thuốc nhỏ mắt, mũi, tai, hay ở bệnh viên nhi, trẻ hay được cho dùng các loại thuốc dung dịch, hỗn dịch; các loại thuốc tiêm, phải dùng nhiều liều, nhiều lần mới hết một lọ thì bạn nên lưu ý những loại thuốc này còn có thêm một hạn dùng cho thuốc sau khi đã khui, đã pha. Hạn sử dụng này thường tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất, có thể là 1 hoặc 2 ngày, 1 tuần hoặc phải hủy ngay… vì lượng thuốc có thể giảm đi nhưng điều lo ngại nhất là vi trùng, nấm mốc làm hư lọ thuốc khiến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc người bệnh chưa hết bệnh này đã được “tặng” thêm bệnh khác.
Bảo quản thuốc không tốt làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc
Có thể có một số loại thuốc thông dụng như cảm cúm, đi ngoài, hạ sốt… bạn có thể mua sẵn để dự phòng ở nhà. Tuy nhiên, khâu bảo quản thuốc rất quan trọng. Bạn nên để thuốc ở nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào, đối với thuốc cần bảo quản lạnh thì cho vào ngăn mát tủ lạnh. Không nên để thuốc ở nơi quá nóng, quá ẩm, ánh sáng chiếu trực tiếp…