Trứng là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên với người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là thực phẩm có lợi nên không được ăn. Điều này có đúng không?
Máu nhiễm mỡ có được ăn trứng không?
Cho đến nay việc giảm cholesterol vẫn là một khuyến cáo quan trọng của rất nhiều hiệp hội tim mạch trên thế giới nhằm dự phòng các bệnh tim mạch. Trứng là một trong những thực phẩm giàu cholesterol (khoảng 141-234 mg/quả). Trong những năm 1970, chế độ ăn cho người mỡ máu cao khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ trứng, người khỏe mạnh chỉ nên ăn 2-4 quả/ tuần.
Tuy nhiên, từ những năm 2015 trở lại đây, nhiều hội tim mạch đã giới hạn lượng cholesterol nạp vào hàng ngày là 300 mg vì thế bạn có thể ăn một quả trứng mỗi ngày mà không hề bị vượt quá hàm lượng cholesterol nếu không nạp quá nhiều cholesterol từ các thực phẩm khác.
Không chỉ vậy, protein của trứng là protein tốt. Ngoài ra trứng chứa lutein và zeaxanthin là hai chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ăn một quả trứng mỗi ngày không làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, kể cả đối với những người có nguy cơ cao.
Do vậy, bạn nên cân đối để vừa được ăn đúng sở thích, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chế độ ăn cho người tăng mỡ máu
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong điều trị tăng cholesterol máu nhằm ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
Các nguyên tắc cần tuân thủ:
- Giảm năng lượng dưới 1.800kcal
- Chế độ ăn giàu protein, hạn chế chất béo ≤ 15% năng lượng khẩu phần.
- Ăn nhiều rau xanh: 400 – 500g/ngày
- Tăng sử dụng các chế phẩm của đậu tương, cá
- Nếu không tăng huyết áp có thể dùng tương, nước mắm như bình thường.
- Sử dụng dầu thực vật: dầu vừng, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu cám 15g/ngày.
- Gạo tẻ, bánh mì, gạo nếp dưới 300g/ngày
Các loại rau quả tốt cho người tăng mỡ máu: Rau cải, rau muống, rau dền, dưa chuột, dưa gang, xà lách, mướp, mùng tơi, rau đay, bí xanh, bí đỏ, giá đỗ, măng, cà rốt, su hào; các loại quả mận, bưởi, đào…, khoai các loại
Các thức ăn cần hạn chế: đường mía, mứt kẹo dưới 20g/ngày; hạn chế hoa quả ngọt. Không nên dùng: óc, tim, gan, dạ dày (bò, lợn), dồi lợn, tôm, lươn, thịt mỡ, nước dùng nhiều mỡ, bơ, pho mát, sôcôla, sữa bột toàn phần, dầu dừa.