Làm cha – làm mẹ là thiên chức mà bất kể ai cũng muốn. Từ khi mang thai đến lúc đứa trẻ được sinh ra đời là sự mong chờ, niềm hạnh phúc của cả gia đình. Nhưng với những người mẹ không may mắn bị bệnh trong khi đang mang thai, đó lại là cả một cuộc chiến sinh tử. Mời bạn đọc cùng Benh.vn theo dõi câu chuyện sau đây.
Vợ chồng tôi lấy nhau đã được ba năm mà vẫn chưa có thai. Sau khi chạy chữa khắp nơi tôi đã mang bầu. Nhưng tháng đầu thai nhi phát triển tốt, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Vì là con đầu và sau bao thời gian cố gắng nên chúng tôi đều rất chăm sóc sinh linh bé nhỏ này. Tôi nghỉ làm ở nhà và hàng ngày tuân thủ đúng giờ ăn uống, thuốc men và cho bé nghe nhạc.
Đến tháng thứ 5, sau một lần siêu âm bác sĩ báo cháu bé nhẹ cân hơn bình thường và những lần siêu âm kế tiếp bác sĩ cũng vẫn nói như vậy. Vợ chồng tôi bắt đầu lo lắng nhưng vẫn không tìm ra lời giải đáp. Đến tháng thứ sáu tôi bắt đầu có dấu hiệu huyết áp cao và nguyên nhân dần lộ ra, tôi bị nhiễm độc thai nghén. Huyết áp tôi ngày càng cao và phải nhập viện, xuất hiện protein niệu trong nước tiểu. Thận của tôi bắt đầu có vấn đề.
Chồng tôi là một bác sĩ nên anh biết rằng đây là ca khó và nguy cơ cao cho cả mẹ lẫn con và rằng nếu có lỡ….thì có thể chúng tôi cũng khó có con lần sau vì nguy cơ nhiễm độc hoàn toàn có thể lại xảy ra. Điều trị không cẩn thận tôi có thể phải chịu cảnh uống thuốc huyết áp suốt đời và nguy nữa thì bị luôn bệnh thận. Hai bên gia đình chạy đôn chạy đáo chăm sóc cho tôi.
Hôm quyết định đình chỉ thai nghén tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc, tôi sợ rằng không dữ được đứa bé, tôi sợ rằng chúng tôi không thể có con trở lại mà không hề hay biết rằng nhiều nguy cơ nguy hiểm khác đang rình rập.
Chồng tôi không nói gì anh chỉ im lặng và tìm cách để cứu mẹ con tôi. Thế rồi đã có một bác sĩ nhận lời làm việc đó, người đó là bác sĩ Sinh – Phó trưởng khoa sản lúc bấy giờ. Lên bàn đẻ ở tháng thứ 7 với huyết áp lên gần 200mmHg. Mặt và người tôi biến dạng, phù to và đầy nước là nước. Tình trạng vô cùng nguy hiểm, cái thai thì càng ngày càng bé đi, rất yếu vì không thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Tim thai không thể nghe được. Mọi lược lượng cho cuộc chiến sinh tử này đã được chồng tôi âm thầm chuẩn bị kể cả việc phải chuyển bé sang viện nhi thư thế nào, xe cấp cứu ra sao, giờ nào cho hợp lý để khỏi tắc đường? Bác sĩ viện nhi được mời sang để đón bé là ai v.v.
13h tôi lên bàn mổ với một tâm trạng chưa bào giờ rối bời và đau khổ đến thế. Tôi răm rắp làm theo lời bác sĩ và luôn chỉ có một nguyện cầu cho mọi việc xuôn xẻ. Ca mổ diễn ra trong vòng gần 2 giờ với sự tập trung cao độ của cả e kíp. Khi tiếng khóc của bé vang lên tôi mừng không thể nào tả xiết vì không biết rằng còn cả một chặng đường gian nan phía trước mà sự sống của con tôi còn tuỳ thuộc vào đó. 1,2kg là cân nặng mà tôi được thông báo.
Bé được chuyển sang viện nhi vào phòng cách ly đặc biệt. 10 ngày sau cháu được ra với gia đình với cân nặng vẫn 1,2kg. Bế con trên tay mà tôi không giám tin là cháu có thể vượt qua được. Bác sĩ cho về mà tôi cứ xin ở lại, tôi không dám tin là với cân nặng như vậy tôi có đủ khả năng để chăm cháu. Vậy mà bản năng người mẹ nhiều khi cũng tuyệt với là thế. Tôi đã tự tay tắm cho cậu bé 1,2kg. Ngồi kiên nhẫn hàng giờ đồng hồ để đút cho con từng thìa café sữa. Cứ như vậy ba tháng sau cháu được 3kg. Niềm vui vỡ oà khi kiểm tra các chỉ số của cháu bình thường. Tôi cám ơn trời đất và tổ tiên nhiều lắm và tôi nguyện sẽ làm nhiều việc thiện để bù lại phép màu mà ông trời đã ban cho chúng tôi.
Câu chuyện là hoàn toàn có thật, quá trình chăm sóc cháu rất vất vả, đảm bảo nhiều yếu tố vô trùng nhưng đã được tác giả sơ lược đi. Hiện tại cậu bé trong chuyện đã học lớp 6 và liên tiếp đạt học sinh giỏi các năm.
Cám ơn bạn đọc đã theo dõi câu chuyện của tôi.
Hoa sữa – Benh.vn