Ngày 14/4, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC), BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực và tập thể bác sĩ BV Bạch Mai đã cứu sống thành công thai phụ Bùi Thị Hương, 31 tuổi, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả mang thai ở tuần thứ 35, bị cúm A/H1N1 biến chứng nặng.
Mục lục
Đây là trường hợp đầu tiên BV Bạch Mai đặt thành công kỹ thuật Ecmo hỗ trợ về phổi và điều đặc biệt ở ca bệnh này là bệnh nhân bị cúm A/H1N1 trong thai kỳ nhưng các bác sỹ đã cứu sống thành công cả mẹ và con.
Lần đầu thực hiện kỹ thuật ECMO hỗ trợ về phổi
Theo người nhà bệnh nhân cho biết, khi thấy người bị sốt, ho, khó thở nhưng chị Hương đã không đến bệnh viện khám ngay mà tự mua thuốc và điều trị, đến khi không thể thở được gia đình đưa chị đến BVĐK Bãi Cháy, qua hình ảnh chụp phim cho thấy phổi đã bị tổn thương rất nặng và được chị được chuyển lên các khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai.
PGS.TS Nguyễn Gia BÌnh cho biết, bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, xét nghiệm khí oxy trong máu thấp 50, nồng độ này trên người bình thường là 100. Do vậy, nguy cơ tử vong là rất lớn. Hơn thế, đây lại là phụ nữ mang thai ở những ngày cuối thai kỳ nên nếu không mổ cứu bé thì sẽ tử vong cả mẹ và con.
Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng của các bác sỹ liên khoa HSCC, Sản, Nhi, Huyết học, Gây mê.. đã diễn ra nhanh chóng và các bác sỹ quyết định mổ bắt con để cứu đứa trẻ và giảm áp lực oxy cho người mẹ.
Các bác sĩ đến thăm cháu bé và tận hưởng niềm vui
sau bao nỗ lực dành lại sự sống cho bệnh nhân nhí này
Kết quả của nỗ lực cứu sống bệnh nhân
Đúng như tiên lượng, khi cháu bé được bắt ra đã bị ngạt, toàn thân tím tái. Nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng khẩn trương, kíp cấp cứu sơ sinh của Khoa Nhi đã có mặt ở tại Khoa HSTC từ trước và lập tức tiến hành đặt nội khí quản cho thở máy sau đó đưa trẻ về khoa cấp cứu sơ sinh để tiếp tục theo dõi và điều trị. Còn bộ phận các bác sỹ khoa HSTC quay trở lại cấp cứu người mẹ .
Một vấn đề gặp phải với các bác sĩ lúc này là phổi đã bị tổn thương toàn bộ, không có khả năng trao đổi oxy, bệnh nhân đã được chỉ định thở máy nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Bên cạnh đó nếu cho thở máy sẽ dẫn đến những biến cố liên quan trong quá trình thở máy.
Do đó giải pháp cuối cùng lúc này là sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ về phổi (ECMO).
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, mặc dù kỹ thuật ECMO đã được khoa HSTC ứng dụng rất thành công hỗ trợ về tim mạch, nhưng thực hiện kỹ thuật này hỗ trợ về phổi thì đây là lần đầu tiên. Bên cạnh đó, cái khó cho các bác sỹ gặp phải, đây là một phụ nữ vừa mổ, lại bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nên khó khăn hơn nhiều.
Theo thống kê ở một số nước trên thế giới như Austraylia tỷ lệ thành công này là 50/50. Kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ về phổi khác với tim và khó hơn hỗ trợ về tim, vì dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ về phổi không có sẵn, bản thân bệnh phổi không giống như bệnh tim vì hồi phục ở phổi khác với tim. Kỹ thuật phổi nhân tạo có khó khăn nhất định như đặt ống thông, đường truyền, bơm máu ra và hút máu về…
Những kỹ thuật này đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật mạch máu vì liên quan đến rối loạn đông máu, chảy máu, yếu tố nhiễm trùng…. Đặc biệt hơn, đây là lại là bệnh nhân sản khoa sau mổ nên những rủi ro liên quan đến yếu tố tai biến sản khoa sau mổ cũng là một trong những yếu tố thử thách cac bác sỹ…
Hoãn mọi kế hoạch vì sự sống của người bệnh
Bệnh nhân được cứu sống sau 3 tuần hôn mê
Chia sẻ với phóng viên, ngày 14/4, chị Hương xúc động “ khi em được các bác sĩ nói tình trạng nguy kịch, em cùng không nghĩ là hai mẹ con có thể sống được, em đã hôn mê 3 tuần và hôm qua mới tỉnh dậy, em được các bác sĩ thông báo là em vẫn còn con, con em vẫn sống, giờ lại được thông báo là con em an toàn, khỏe mạnh thì còn hạnh phúc nào hơn.
Cảm ơn tất cả các bác sỹ đã cứu sống mẹ con em và cho em sự sống này. Em mong muốn được chụp một tấm ảnh cùng các bác sỹ lên báo và mong muốn sẽ mời các bác sĩ về quê để gia đình em được hậu tạ”. Được biết, khi mổ bắt thai, chỉ số sinh tồn của cháu bé chỉ là 1 -2 điểm, nhưng đến nay, ngày 14/4, cháu bé đã khỏe mạnh và hoàn toàn ổn định, bé đã tự bú bình và được trở về bên cạnh người thân chăm sóc.
Để có được hạnh phúc cho gia đình chị Hương và sự sống của chị cũng như cháu bé, các bác sỹ BV Bạch Mai bên đã làm việc ngày đêm, nhiều người trong số họ phải lùi rất nhiều kế hoạch cá nhân để theo dõi tình hình người bệnh. “Suốt gần 3 tuần liền, tập thể bác sỹ chúng tôi thay nhau theo dõi, căng thẳng lo lắng và động viên nhau cùng cố gắng.
Dù là buổi sáng, trưa, chiều hay đêm tối lúc nào cũng loanh quanh bên người bệnh vì đây là ca bệnh có diễn biến bấp bênh nhất trong các ca nặng. Bạn có con nhỏ bị ốm, bạn trông con bạn ốm như thế nào thì chúng tôi cũng như vậy, và cho đến hôm nay, khi bệnh nhân được cai thở máy, chúng tôi mới thở phào, nhẹ nhõm” PGS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.
Một bác sĩ điều trị trực tiếp cho chị Hương cho biết, anh đã phải hoãn cả kế hoạch thi bằng lái xe, về quê, thi ngoại ngữ… và nhiều kế hoạch khác để luôn sát sao bên người bệnh. “ Đã có lúc nồng độ oxy của bệnh nhân ổn định và chúng tôi đã tạm yên tâm, nhưng chỉ vài phút sau thì nồng độ oxy xuống thấp tưởng như đã tuyệt vọng…”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Benh.vn (Theo SKĐS)