Sản phụ H.T.P (43 tuổi, ở xã Phú An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) mang thai trong ổ bụng (MTTOB) 8 tháng vừa được các bác sĩ khoa Phụ sản, BV Bạch Mai cứu sống thành công.
Mục lục
“Vượt cạn” thành công
Sản phụ được đưa vào viện trong tình trạng cấp cứu
Sản phụ H.T.P được chuyển cấp cứu từ BV đa khoa Tuyên Quang vào khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai trong tình trạng chảy máu ổ bụng, buồn nôn, mất ý thức, đau dữ dội ở vùng bụng vào ngày 17/5. Hồ sơ bệnh án của sản phụ ghi: “có chấn thương bụng kín, tụ máu bao gan” và không xác định MTTOB. 12h ngày 18/5, sản phụ được chuyển sang khoa Tiêu hóa, vì chảy máu ổ bụng nhiều, được chẩn đoán là xuất huyết cổ chướng chưa rõ nguyên nhân. Nhưng sau đó, sản phụ tiếp tục chuyển sang khoa Ngoại, khi chụp cắt lớp các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mang thai ổ bụng, chuyển khoa Phụ sản mổ cấp cứu kịp thời.
Sản phụ P. đang được điều trị tại BV Bạch Mai
Cuộc phẫu thuật phức tạp kéo dài 3 tiếng
15h, ngày 18/5, ca mổ do TS Nguyễn Việt Hùng – trưởng khoa Phụ sản BV Bạch Mai trực tiếp tiến hành. Tiên lượng trong lúc phẫu thuật khá dè dặt vì có thể gặp vấn đề thai dính và chảy máu khiến cuộc phẫu thuật trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Tai biến có thể xảy ra vì thai nằm trong ổ bụng nên rau thai bám vào rất nhiều nơi, nếu xử lý không khéo sẽ gây tổn thương động mạch dẫn đến chảy máu ổ bụng. Sản phụ được truyền hơn 3 lít máu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ Hùng phát hiện thai nhi bám vào đáy tử cung, tạo nên một bọc ối khá hoàn chỉnh. Nếu chỉ siêu âm thông thường, có thể nhầm lẫn, khó phát hiện. Đây là lý do, sản phụ mang thai đến tháng thứ 8, qua nhiều lần khám thai, siêu âm mà các bác sĩ tuyến dưới không phát hiện ra việc MTTOB.
Tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi
Ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ và đã cứu sống được sản phụ và cháu bé. Sau khi được mổ cấp cứu từ người mẹ, cháu bé đang được nuôi dưỡng đặc biệt tại phòng hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, BV Bạch Mai. Theo các bác sĩ, tình trạng sức khỏe của cháu đến thời điểm này là tương đối tốt. Tuy nhiên, do cháu đẻ non, thiếu tháng (8 tháng), nhẹ cân nên có thể có những diễn biến về sức khỏe khó tiên lượng. Trường hợp MTTOB vào thời kỳ tháng thứ 8 như thế này, cơ hội sống sót của thai nhi là 10 – 25%, tuy nhiên có 20 – 40% trẻ sống sẽ bị dị dạng, và chỉ có 50% sống sót trong một tuần. Hơn nữa dị dạng thai như: vẹo cột sống, bất xứng khuôn mặt, biến hình chi, đầu dẹt và dị dạng lồng ngực có thể xảy ra ở những trường hợp thiểu ối nặng trong môi trường ngoài tử cung.
Mang thai ổ bụng hiếm gặp
MTTOB trong các y văn
Y văn thế giới đánh giá MTTOB là một bệnh lý cấp cứu trong sản khoa, với tỉ lệ tử vong của mẹ khoảng 0,5 – 18%. Tỉ lệ tử vong của MTTOB cao gấp 7,7 lần so với thai lạc chỗ ở vòi trứng và gấp 90 lần so với thai trong tử cung. Phần lớn khi phát hiện thai trong ổ bụng, các bác sĩ đều chỉ định các biện pháp can thiệp ngay.
Trường hợp của sản phụ P. tại BV Bạch Mai
Ngày 25/5, sản phụ P đã bình phục sau 1 tuần điều trị. Sản phụ P. đã có 2 con. Chị cho biết, lần mang thai này, chị thấy cơ thể khác lạ, hay bị xuất huyết, đau bụng… Để giữ thai, chị đã nhiều lần nằm điều trị dài ngày ở BV đa khoa Yên Bái. Các bác sĩ vẫn nghi ngờ chị bị tụ máu bao gan (do ngã) mà không nghĩ rằng những biểu hiện chảy máu đó là do thai trong ổ bụng gây nên.
“Những biểu hiện bệnh lý của sản phụ là đặc trưng của MTTOB” – BS Hùng nói, tuy nhiên, trả lời về việc vì sao siêu âm nhiều lần, sản phụ vẫn không được phát hiện MTTOB, BS Hùng cho rằng, do khi siêu âm, thấy được thai nhi, bánh nhau và tim thai, bác sĩ không nghĩ tới khả năng thai nằm trong ổ bụng.
Điều diệu kỳ đã xảy ra, dù là ca bệnh hiếm gặp nhưng các bác sĩ BV Bạch Mai đã cứu sống cả mẹ và bé một cách ngoạn mục.
Benh.vn (Theo PNTD)