Đau bụng và các dấu hiệu tiêu hóa như là nôn, ỉa chảy là các triệu chứng khó chịu thường gặp ở trẻ em khiến trẻ phải đi khám. Nhân viên y tế sẽ định hướng tình trạng đau bụng trẻ em thường do viêm dạ dày ruột, táo bón hay các bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp cấp cứu (viêm ruột thừa, lồng ruột, ruột quay bất thường….).
Mục lục
Đau bụng rất thường gặp ở trẻ em
Tiếp cận trẻ bị đau bụng
Việc thăm khám một trẻ đau bụng thường khó khăn vì những trẻ nhỏ không thể chỉ ra chỗ đau và việc sợ hãi khi tiếp xúc người lạ. Những trẻ lớn hơn nhiều khi cũng có tâm lý sợ nhân viên y tế nên việc đánh giá mức độ của tình trạng đau bụng trẻ em rất khó khăn. Bác sĩ có thể quan sát tư thế, động tác, cách đi của trẻ để phán đoán như trẻ đi nhưng giữ phần bụng dưới bên phải có thể nghi ngờ viêm ruột thừa hay không.
Một số nguyên nhân ngoài đường tiêu hoá gây đau bụng như: Động kinh thể bụng; nhện đen độc cắn; hội chứng tan máu urê huyết cao; viêm mao mạch dị ứng; ngộ độc kim loại nặng; viêm hầu họng (đặc biệt do nhiễm liên cầu); viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết ….
Khai thác các triệu chứng xuất hiện bệnh đau bụng trẻ em qua cha mẹ để có thể định hướng bệnh như: đau bụng có liên quan đến tình trạng nôn của trẻ không, xuất hiện trước hay sau khi nôn; hoặc có thể khai thác các dấu hiệu mà cha mẹ trẻ nhận ra bất thường so với sinh hoạt bình thường của trẻ như: trẻ thỉnh thoảng khóc thét lên, ưỡn người hoặc cong gập người lại khi đang bế trẻ, hoặc trẻ có những cơn tái người, vã mồ hôi …
Sau khi định hướng được tình trạng đau bụng, bác sĩ có thể cho trẻ làm thêm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán như: siêu âm ổ bụng, chụp phim Xquang, làm xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc có thể chụp scanner ổ bụng …
Thăm khám trẻ cẩn thận kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định căn nguyên bệnh cho trẻ để có quyết định xử trí hợp lý kiểm soát tình trạng đau bụng của trẻ. Như đánh giá tình trạng mất nước ở những trẻ nghi ngờ do viêm dạ dày ruột để bù nước hợp lý hoặc hướng dẫn bù nước và theo dõi tại nhà (các dấu hiệu như: thóp trũng, mắt trũng, không có nước mắt, đái ít, nếp véo da, thay đổi trạng thái tinh thần…).
Một số nguyên nhân thường gặp gây đau bụng trẻ em
Viêm dạ dày ruột
Nguyên nhân
Thường do virus và Rotavirus là nguyên nhân thường gặp nhất, gặp nhiều ở lứa tuổi từ 4 tháng đến 23 tháng; ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do Norwalk virus.
Ngoài ra có thể có các nguyên nhân do vi khuẩn như E.Coli; Salmonella, Campylobacter..
Đánh giá trẻ
Nôn thường xuất hiện trước khi ỉa lỏng từ 12-24 giờ.
Sốt nhẹ có thể liên quan hoặc không đến tình trạng viêm dạ dày ruột cấp.
Xác định mức độ nôn của, chất nôn
Trẻ mất nước nhẹ có thể không có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài, trẻ có đái ít là dấu hiệu muộn của mất nước. Trẻ dễ mất nước là những trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đi ỉa tần số nhiều (thường > 8 lần/ngày) hoặc trẻ nôn nhiều (> 2 lần/ngày) và những trẻ suy dinh dưỡng.
Ỉa chảy nghi ngờ do nguyên nhân vi khuẩn thường ở những trẻ đi du lịch, trẻ có tiếp xúc với nguồn bệnh, trẻ sốt cao, có máu trong phân.
Mức độ mất nước của trẻ cần được xác định khi vào khám cấp cứu. Tuy nhiên có một vấn đề là người nhà thường không biết chính xác cân nặng của trẻ trước khi bị bệnh. Nếu có thể biết trước cân nặng của trẻ ta có thể ước tinh lượng nước mất khoảng 1 lít khi cân nặng giảm 1 kg. Đánh giá mất nước cũng có thể dựa trên những biểu hiện bên ngoài của trẻ như thóp trũng, mắt trũng, miệng khô, uống nước háo hức hoặc trạng thái tinh thần của trẻ…
Chú ý ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi khi có dấu hiệu mất nước biểu hiện ra bên ngoài là trẻ đã mất nước rất nhiều so với các trẻ lớn.
Tuổi và dấu hiệu |
Mức độ mất nước |
||
Nhẹ |
Trung bình |
Nặng |
|
Trẻ nhỏ |
Mất 3% (30ml/kg) |
Mất 6% (60ml/kg) |
Mất > 9% (90ml/kg) |
Trẻ nhũ nhi |
Mất 5% (50ml/kg) |
5-10% (100ml/kg) |
≥ 10% |
Dấu hiệu lâm sàng: |
|
|
|
Nếp véo da |
Mất nhanh |
Mất chậm |
Mât rất chậm |
Mắt |
Bình thường |
trũng |
Rất trũng |
Nước mắt |
Bình thường |
Giảm |
Không có |
Thóp |
Phẳng |
Trũng nhẹ |
Trũng sâu |
Tinh thần |
Tỉnh táo |
Kích thích |
Li bì/hôn mê |
Nhịp tim |
Bình thường |
Tăng |
Rất nhanh |
Nước tiểu |
Bình thường |
Giảm |
Thiểu niệu/Vô niệu |
Xử trí
Trẻ mất nước từ mức độ trung bình là phải theo dõi tại bệnh viện.
Tuỳ theo mức độ mất nước và tình trạng bệnh kèm theo của trẻ mà nhân viên y tế sẽ có biện pháp điều trị, theo dõi và hướng dẫn gia đình cụ thể.
Táo bón gây đau bụng trẻ em
Đây là một trong những nguyên nhân gây đau bụng thường gặp nhất của trẻ em đến khám tại một phòng cấp cứu Nhi.
Trẻ mới sinh thường ỉa phân su trong vòng 48 giờ sau đẻ và đi ỉa thường từ 0 đến 12 lần/ngày trong tuần đầu tiên. Khi trẻ 3-4 tháng tuổi số lần đi ngoài giảm xuống, với những trẻ uống sữa công thức thường chỉ đi ngoài 1 lần/ngày.
Nguyên nhân gây táo bón
– Những nguyên nhân nặng nề là: hậu môn bị bịt lại, hẹp hậu môn, tắc ruột phân su, phình đại tràng bẩm sinh, ngộ độc, hạ calci máu, suy giáp…
– Những nguyên nhân khác thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng đặc biệt khi chuyển từ sữa mẹ sang sử dụng sữa công thức hoặc ăn bột, cháo. Uống thiếu nước cũng là nguyên nhân gây táo bón. Ở lứa tuổi học đường có thể nguyên nhân là do sử dụng chế độ ăn nhiều chất bột và tâm lý không muốn đi vệ sinh tại trường học.
Đánh giá tình trạng táo bón
– Thăm hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc tình trạng đi ngoài của trẻ: thời gian, tần suất đi ngoài, kích thước, hình dáng cục phân, tính chất đau của trẻ (có liên quan đến bữa ăn không, đau từng cơn hay liên tục, những lần trước sau khi đi ngoài trẻ có đỡ đau không)..
– Khám xét xem trẻ có tình trạng sốt, nôn hay sút cân không.
– Tình trạng dinh dưỡng của trẻ, thói quen đi ngoài của trẻ khi đi học, tình trạng sử dụng thuốc và các thực phẩm khác.
– Thăm khám đánh giá tình trạng ổ bụng: bụng mềm, khối ở vùng bụng, khối dọc theo đại tràng….
– Kiểm tra tình trạng hậu môn: không có lỗ hậu môn, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn (thường gặp).
– Ngoài ra bác sĩ có thể cho trẻ đi làm siêu âm bụng, chụp Xquang ổ bụng… để loại trừ các nguyên nhân khác.
Xử trí táo bón gây đau bụng ở trẻ
Tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý; động viên trẻ tăng cường uống nước, tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn.
Sử dụng các thuốc chống táo bón theo chỉ định của bác sĩ nhưng không nên lạm dụng.
Có thể thụt tháo phân để giúp trẻ đi ngoài nhưng không nên sử dụng thường xuyên dễ làm mất phản xạ đi ngoài của trẻ.
Điều trị các bệnh lý vùng hậu môn
Viêm ruột thừa
Chiếm khoảng 3-4%0 ở trẻ em và chiếm khoảng 2,3% số trẻ có đau bụng vào cấp cứu.
Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ rất khó khăn, những trẻ lớn hơn biểu hiện ban đầu có thể là đau bụng vùng quanh rốn sau đó vài giờ mới khu trú lại vùng hố chậu phải. Chính vì đánh giá khó nên tỷ lệ biến chứng của viêm ruột thừa ở trẻ em cao hơn ở người lớn (30-65%).
Thăm khám
Triệu chứng cổ điển là đau vùng bụng dưới bên phải kèm theo buồn nôn, nôn và sốt (thường nhẹ ở trẻ em), bí trung đại tiện.
Triệu chứng phổ biến nhất trong viêm ruột thừa ở trẻ em là đau ¼ bụng dưới bên phải, bụng chướng, phản ứng thành bụng và nôn. Khai thác trong tiền sử có thể phát hiện triệu chứng đau bụng trước rồi nôn có thể có ích trong phân biệt với viêm dạ dày ruột cấp tính. Ở trẻ nhỏ thường có triệu chứng ỉa chảy.
Các bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác như: xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng và hiện nay còn có thể chụp cắt lớp ổ bụng để chẩn đoán viêm ruột thừa.
Xử trí bệnh viêm ruột thừa
Khi đã chẩn đoán viêm ruột thừa cần liên hệ chuyên khoa ngoại để xử trí
Lồng ruột gây đau bụng trẻ em
Xảy ra nhiều ở lứa tuổi 3 tháng đến 24 tháng, chỉ có 10% xuất hiện ở trẻ > 3 tuổi
Biểu hiện lồng ruột
Trẻ có những cơn khóc thét và tái người đi do đau bụng nhiều và trẻ thường đưa đầu gối gập lên phía ngực, giữa những cơn đau trẻ dường như bình thường hoặc trông mệt mỏi kiệt sức tuỳ vào giai đoạn và mức độ đau .
Nôn. Tuy nhiên đau cũng không phải là triệu chứng thường xuyên.
Phân có nhầy máu chiếm khoảng 20-40%.
Sốt cũng có thể xuất hiện nếu ở giai đoạn muộn.
Siêu âm bụng có giá trị chẩn đoán cao.
Xử trí lồng ruột
Đưa trẻ đến cơ sở y tế có thể tháo lồng ruột cho trẻ; tuỳ từng giai đoạn mà bác sĩ có biện pháp xử trí hợp lý.
Ngoài ra, còn có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây đau bụng ở trẻ em như tắc ruột, viêm túi thừa Meckel, thoát vị, hoặc các nguyên nhân nội khoa khác như: viêm tai giữa, nhiễm khuẩn tiết niệu… cũng gây các triệu chứng đau bụng. Như vậy, khi trẻ có triệu chứng đau bụng mà không rõ nguyên nhân, nên đưa trẻ đến khám lại cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và có hướng xử trí hợp lý.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai.