Dây rốn làm nhiệm vụ liên kết mẹ và thai nhi. Đây là con đường duy nhất cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng, máu để nuôi sống thai nhi. Một đầu dây rốn gắn với nhau thai, nhau thai lại gắn vào tử cung, đầu còn lại của dây rốn nối với thai bằng một lỗ nhỏ trên bụng.
Trung bình dây rốn dài khoảng 50cm, tuy nhiên cũng có thể dài hoặc ngắn hơn một chút tùy từng người (thông thường dao động từ 40 – 60cm) và có đường kính khoảng 1.5 – 2cm. Bên trong dây rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch, 3 mạch máu này được bao bọc bởi chất thạch warton. Sau khi sinh con xong, bác sĩ sẽ cắt dây rốn cho bé. Đầu dây rốn bị cắt gần sát với bụng bé – gọi là cuống rốn. Cuống rốn có thể khô và rụng hẳn trong vòng 7-21 ngày sau khi em bé chào đời.
Dây rốn quá dài thì nguy cơ trẻ bị tràng hoa quấn cổ càng cao (ảnh minh họa)
Dây rốn có chiều dài trên 60 cm được cho là dây rốn dài. Những em bé có dây rốn quá dài thường có nguy cơ bị tràng hoa quấn cổ cao hơn bình thường. Nguy cơ của thai có dây rốn dài là dây rốn có thể bị thắt nút hoặc dây rốn quấn quanh cổ (tràng hoa quấn cổ) khi thai nhi chuyển động liên tục. Hiện tượng này sẽ vô cùng nguy hiểm khi thai nhi vào những tháng cuối.
– Một số ít trường hợp dây rốn có thể bị cuốn vào nhau, giống như một sợi chỉ rối làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Khi ra đời trẻ có thể bị thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng, nhẹ cân.
– Nguy cơ của thai có dây rốn dài là dây rốn có thể bị thắt nút quá chặt khiến thai nhi bị thiếu dưỡng chất, ảnh hưởng quá trình chuyền máu từ mẹ sang nuôi dưỡng thai. Trong quá trình chuyển dạ, nếu bé bị dây rốn quấn quá chặt và cuốn nhiều vòng quanh cổ sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là khi cơn đau đẻ càng kéo dài thì nguy cơ tử vong của bé càng cao.
Tuy nhiên cũng có trường hợp dây rốn được gỡ ra do chính sự chuyển động của thai nhi trước khi sinh nở.
Tràng hoa quấn cổ là một trong những bất thường của thai kỳ. Theo thống kê có khoảng 30% em bé bị dây rốn quấn quanh cổ khi chào đời. Đây là hiện tượng không thể can thiệp do vậy các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Việc duy nhất nên làm là khám thai định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường. Bác sĩ sẽ theo dõi và là người biết khi nào nên làm gì và sẽ làm gì tiếp theo để tư vấn giúp bạn.
Cẩm nang y học Benh.vn