Quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là 3 dấu hiệu báo động nguy cơ bệnh tay chân miệng trở nặng mà phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có 1 trong 3 dấu hiệu kể trên, phụ huynh nhất định phải cho trẻ tới cơ sở y tế ngay.
Mục lục
Tỷ lệ bệnh tay chân miệng gia tăng báo động
Số lượng ca bệnh truyền nhiễm Tay chân miệng gia tăng nhanh trong tháng 9 tháng 10, mức độ diễn biến của các ca bệnh cũng phức tạp hơn gây ra một số trường hợp trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn, hầu hết trường hợp bệnh Tay chân miệng xảy ra với trẻ dưới 3 tuổi.
Chính vì vậy, không chỉ các chuyên mà, chính các bậc phụ huynh cũng cần phải nâng cao ý thức về căn bệnh này.
Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay – chân – miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn. Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Nhận biết các dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Một số dấu hiệu bệnh tay chân miệng như: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương trên da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Cha mẹ cần để ý những dấu hiệu này.
Chị Hà, mẹ bé Nguyễn Thu Linh (14 tháng, ở Hải Dương) cho biết, trước đây vài ngày, cháu sốt cao 39-40 độ liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, miệng xuất hiện vài nốt nhỏ li ti . Gia đình đưa bé đi khám tại tuyến cơ sở thì được chẩn đoán viêm họng cấp và cho thuốc uống. Tuy nhiên sau khi thấy tình trạng của con vẫn không thuyên giảm, gia đình vội đưa bé lên bệnh viện Nhi Trung Ương. Tại đây, cháu Linh được thăm khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh Tay chân miệng.
Hay trường hợp cháu Đỗ Thùy Minh (22 tháng tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cũng phải nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng do cháu đột nhiên sốt cao 39-40 độ, quấy khóc liên tục. “Sau khi vào viện 1 ngày, cháu mới nổi các nốt mụn bé ở cổ họng, khe bẹn, nếu không để ý kĩ, rất khó nhìn thấy” – bố cháu Minh cho hay.
Ba dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
- Sốt cao không hạ:Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là tình các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng chế phẩm có chứa Ibuprofen để hạ sốt.
- Giật mình:đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám ở cơ sở chuyên khoa nhi uy tín để được xử trí kịp thời.
Sốt cao không hạ, Giật mình, Quấy khóc là 3 dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh Tay chân miệng nặng lên. (ảnh minh họa)
Điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ bị bệnh, niêm mạc miệng tổn thương gây đau khiến cho trẻ chán ăn, gây suy nhược cơ thể, giảm đường máu, giảm đề kháng. Các biện pháp khắc phục như:
- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa, nước trái cây…
- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh, lá chân vịt, lá khế chua, lá cây mảnh cộng… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
- Tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng sử dụng các chế phẩm bổ sung, các loại vitamin khoáng chất từ rau củ quả, thực phẩm bổ sung.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, để quần áo thông thoáng, thay đồ thường xuyên cho trẻ.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh tay chân miệng, các biện pháp vệ sinh và hạn chế tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ mắc bệnh là biện pháp ưu tiên hàng đầu.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Trong nhiều trường hợp trẻ đi lớp, trẻ chơi nơi công cộng không có nước, nên sử dụng Xịt rửa tay khô kháng khuẩn chứa nano bạc để vệ sinh tay, kháng khuẩn, kháng virus phòng bệnh hiệu quả.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng các chất sát khuẩn, kháng khuẩn hoặc xà phòng.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.